Trường dạy nghề ở đâu?
Các Website khác - 18/10/2005

Ra nước ngoài làm việc nhận đồng lương cao hơn là một cách xoá đói giảm nghèo trước mắt. Nhưng, trước khi ra đi và cả khi đến nơi, người lao động phải chấp nhận chi một khoản cả hợp lý và vô lý. Xin lấy thị trường Đài Bắc làm thí dụ. Đến nơi làm việc, người lao động VN phải chi từ 120 đến 150 ngàn Đài tệ, cao gấp từ 2-2,5 lần lao động cùng loại của Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia cho các công ty môi giới lao động Đài Bắc, bằng cách khấu trừ vào lương năm đầu tiên.

Chủ tịch Công hội các Công ty môi giới Đài Loan Michael Ou thừa nhận: "... Mức chi môi giới ở VN là bất ổn và cao nhất. Người lao động VN có thu nhập ròng thấp nhất, nhưng phải đóng chi phí dịch vụ và chi phí môi giới cao nhất trong khu vực".

Từ chỗ thiệt thòi lớn đó, tinh thần kỷ luật của lao động VN cũng lung lay, xuống cấp. Tìm hiểu thấy rằng, lao động các nước trong khu vực không bị ép giá do chất lượng lao động cao, đảm bảo yêu cầu tuyển dụng.

VN có khả năng mau chóng đưa người lao động có trình độ ngang bằng với các nước trong khu vực hay không là một câu hỏi còn đang nhức nhối?

Thực ra đây lại là câu hỏi không khó trả lời.

Trước khi bước chân ra nước ngoài, người lao động VN phải chi ra từ 3.000-4.000USD cho tất cả các khoản phí nhưng trong đó không có phí đào tạo.

Xin được tính toán một chút về khoản phí này. Nếu các trường dạy nghề có truyền thống của Nhà nước chịu đào tạo một thanh niên vừa mới tốt nghiệp THPT trong 1 năm với chi phí 2.000USD (cả ăn ở) cho nghề điện tử tin học, cơ khí thì chắc chắn anh ta tới nước ngoài không chịu thiệt thòi, số tiền còn lại của khoản chi ban đầu, nếu nhà trường đứng ra đảm nhận làm thủ tục chắc chắn là không hết. Nếu đào tạo những nghề dễ hơn như mộc, phục vụ gia đình thì thời gian, tiền bạc không cần nhiều đến thế.

Tiếc thay, các trường dạy nghề danh tiếng, có truyền thống của Nhà nước ta vẫn án binh bất động!