Người trẻ không còn phải “xếp hàng”
Các Website khác - 22/10/2008

Từ 2 năm nay, TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tổ chức thi tuyển chức danh cho các vị trí quản lý ở những Sở, ban ngành, quận huyện, trường học…Những người trẻ, tài năng đã được công khai lựa chọn xứng đáng.

Trong khi chờ bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng, cô Phương Hằng vẫn đang dạy tại trường TH Huỳnh Ngọc Huệ

Đây có thể là một mô hình cho các địa phương trong cả nước học tập, khi câu chuyện “chảy máu” nhân tài đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Dỡ bỏ tâm lý sợ thi làm lãnh đạo!

Gần 2 năm nay, công việc của cô Nguyễn Thu Nga – Phó Hiệu trưởng trường PTTH Phan Chu Trinh khá mạch lạc và trôi chảy.

Cô Thu Nga chính là người đầu tiên trúng tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng một trường PTTH trong kỳ thi do HĐND, UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào đầu năm 2007.

Là phó Hiệu trưởng phụ trách công tác chuyên môn của một ngôi trường PTTH nhất nhì thànhphố Đà Nẵng, cô Thu Nga thường xuyên phải đến trường từ rất sớm, buổi sáng 6giờ và buổi chiều có mặt từ 12giờ30.

Trưa hôm qua, 20/10, không còn e ngại như lần đầu tiên bị cánh báo chí “soi” khá kỹ sau khi trở thành cán bộ quản lý thông qua thi cử, cô Nga đã khá thoải mái trò chuyện với PV Tiền phong: “Thực ra hồi đó tôi rất ngại khi phải thi tuyển vào chiếc ghế này. Tôi vẫn thích công tác chuyên môn hơn, nhưng được lãnh đạo nhà trường cùng các đồng nghiệp động viên rất nhiều nên cuối cùng, tôi quyết định thi”.

“Đề án Thực hiện thí điểm thi tuyển Giám đốc, phó giám đốc (tương đương) một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP Đà Nẵng áp dụng cho các cán bộ là công chức, viên chức trong biên chế hoặc hợp đồng lao động hiện đang công tác tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài thành phố Đà Nẵng.

Các ứng viên phải có tuổi đời từ 25 – 45 (nam và nữ). Riêng ứng viên đang giữ chức Trưởng, phó phòng cấp Sở hoặc GĐ, Phó GĐ các đơn vị sự nghiệp (hoặc tương đương) tuổi không quá 50 (nam và nữ). Nội dung thi gồm 2 phần: bài viết: 20 điểm; trình bày đề án tổ chức hoạt động và phát triển đơn vị: 80 điểm”.

Trước khi thi tuyển, cô Nga từng giảng dạy 27 năm ở bộ môn Văn, là giáo viên được đánh giá có năng lực chuyên môn cao.

“Tôi phải chuẩn bị hàng tháng trời, đọc rất nhiều tài liệu và mất hơn 10 ngày để chuẩn bị đề án. Hội đồng thi có lãnh đạo UBND, Ban giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cùng nhiều khách mời.

Nói thật là cũng mất tự tin, tâm lý ai cũng vậy thôi. Lúc đầu nhận công tác mới, tôi rất bỡ ngỡ vì còn thiếu kinh nghiệm nhưng dần dần, được sự giúp đỡ và bản thân phải cố gắng nhiều nên công việc đi vào ổn định” -Cô tâm sự.

E ngại, sợ thi làm lãnh đạo của cô Thu Nga cũng chính là tâm lý chung của hầu hết những cán bộ trẻ khi động chạm đến vấn đề này. Theo ông Đặng Công Ngữ - GĐ Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, đây chính là một trong những khó khăn nhất định.

Ông Ngữ cho biết: “Từ đầu năm 2007 đến nay, đã có 15 vị trí cán bộ quản lý được tuyển thông qua tổ chức thi công khai. Trung bình, cứ mỗi vị trí có từ 2 – 5 hồ sơ đăng ký. Cá biệt, có vị trí chỉ được 2 hồ sơ ứng thí. Lý do là nhiều người còn tâm lý e ngại, chưa thực sự nắm bắt kỹ chủ trương của lãnh đạo thành phố.

Trên thực tế, với cách làm công khai, minh bạch như thế, chúng ta sẽ chọn được con người xứng đáng, phù hợp”. Ông Vĩ Sách – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, cho rằng: “Cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa về chủ trương này. Nhiều giáo viên ở quận lúc đầu không muốn và không dám nộp hồ sơ dự thi, họ sợ rớt.

Các đơn vị chủ quản đã động viên, khuyến khích rất nhiều”. Trong quý 4 năm 2008, UBND quận Thanh Khê đã tổ chức thi tuyển cho 5 vị trí phó Hiệu trưởng các trường tiểu học. Dù có số điểm suýt soát nhau, nhưng cuối cùng vẫn chọn được 5 trong số 15 người xuất sắc nhất. Tất cả đều trẻ, tài năng và tâm huyết với ngành giáo dục”.

Trẻ nhất trong số 5 người trên là cô giáo Nguyễn Thị Phương Hằng (1981) – giáo viên trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, tỏ ra tự tin: “Nói thật là lúc đầu cũng rất ngại, nhưng sau khi được phân tích kỹ, em thấy mình đủ khả năng để làm quản lý.

Tất nhiên là sau khi nhận công tác mới, sẽ phải học hỏi kinh nghiệm rất nhiều”. Phương Hằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng, là một trong những giáo viên xuất sắc của trường TH Huỳnh Ngọc Huệ.

Mô hình cần nhân rộng và ổn định

Cô Thu Nga cho rằng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý là một mô hình hay, cần đi vào tính ổn định cao, nhân rộng trong các Sở, Ban ngành, cơ quan nhà nước và nếu được, sẽ là mô hình cho cả nước học tập.

“Làm theo cách này sẽ chọn được người theo yêu cầu công việc, khách quan và chính xác hơn. Bài thi sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho khả năng quản lý của ứng viên. Theo tôi, trong tương lai, chúng ta cũng nên bình thường hóa chuyện này và xem đó như là một phương thức tuyển lãnh đạo cơ bản. Có như thế mới tạo được cách nhìn hay hơn trong công tác bổ nhiệm cán bộ”.

Đồng ý kiến với cô Thu Nga, ông Vĩ Sách cho rằng nên đưa mô hình này vào quy chế. “Đây sẽ là một sự chuyển biến mới về mặt nhận thức trong công tác cán bộ” – Ông Sách nói. Được biết, sắp tới UBND và Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê tiếp tục tổ chức thi tuyển 2 chức danh Hiệu trưởng trường tiểu học.

Hiện đã có 6 hồ sơ đăng ký dự thi. Còn ông Lê Trung Chinh – Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, một người cũng trúng chức Hiệu trưởng qua thi tuyển vào tháng 3/2007, nói: “Dù rất mới, nhưng theo tôi, đây là cách làm rất hiệu quả”.

Ông Đặng Công Ngữ - GĐ Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết: “Sắp tới, HĐND, UBND Đà Nẵng sẽ mở cuộc thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn. Hiện chưa thể tiết lộ danh tính các ứng viên, nhưng chắc chắn, qua cách này, chúng ta sẽ lựa chọn được nhân vật xứng đáng”. Theo ông Ngữ, cuộc thi hiện đã được phân cấp quản lý.

Nghĩa là chức danh thuộc đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó tự đứng ra tổ chức thi. Hội đồng thi sẽ có những khách mời là các đơn vị khác. “Mô hình này sẽ là sự thay đổi, tạo nên cơ chế bổ nhiệm mới, vừa có tính sàng lọc theo cái cũ, vừa có tính nổi trội.

Nói chung là người trẻ đã có thể tạt ngang, không còn phải xếp hàng như cũ. Và từ nay cũng bớt dần câu chuyện “sống lâu lên lão làng” – Ông Ngữ nói.

 Nam Cường