(VietNamNet) - Ngày 24/11, gần 1.000 công nhân Công ty Giày Rieker VN đã trở lại làm việc sau khi TGĐ Công ty cam kết tăng lương, cải thiện điều kiện lao động.
![]() |
Công nhân Công ty Giày Rieker VN đọc thông báo của lãnh đạo Công ty về việc sa thải những người tham gia vụ lãn công với tâm trạng căng thẳng |
Sáng nay 24/11, gần 1.000 công nhân ở 16 tổ may thuộc Công ty Giày RieKer VN (100% nước ngoài, chuyên sản xuất giày xuất khẩu) đóng tại KCN Ðiện Nam - Ðiện Ngọc (Quảng Nam) đã trở lại làm việc, sau một ngày lãn công.
Cũng trong sáng 24/11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Nam đã có văn bản số 51/BC-LĐLĐ gửi lên Tổng LĐLĐ VN, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Nam để báo cáo nhanh về vụ đình công nêu trên.
Báo cáo này nêu rõ, sau khi xảy ra vụ đình công từ hồi 7h sáng 23/11, lãnh đạo LĐLĐ, Sở LĐ-TB-XH tỉnh và Ban quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã trực tiếp đến hiện trường ghi nhận các ý kiến phản ảnh của công nhân.
Tiếp đó, lãnh đạo các cơ quan này đã đề nghị gặp Tổng Giám đốc Công ty Giày Rieker VN để bàn biện pháp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ông Welter Bauer, Tổng giám đốc Công ty giày RieKer VN đã từ chối cuộc gặp này. Không những thế, đến 12h cùng ngày, lãnh đạo Công ty Giày Rieker còn cho dán thông báo sẽ sa thải toàn bộ số công nhân đã tham gia vụ đình công.
Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, đến 15 giờ 30 ngày 23/11, ông Welter Bauer mới đồng ý tham dự cuộc họp hoà giải với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, LĐLĐ, Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam, Ban quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc và đại diện công nhân.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Công ty Giày Rieker VN đã chấp thuận giải quyết nhiều kiến nghị của công nhân. Trước mắt, Công ty đồng ý tăng lương cho công nhân lao động thủ công, riêng lương của công nhân các bậc khác Công ty sẽ tính toán và tăng lên cho từng bậc thợ và từng bộ phận.
Đối với việc ăn giữa ca của công nhân, Công ty sẽ xem xét lại chất lượng và sẽ hỗ trợ 3.000 đồng/suất ăn thay vì 2.500 đồng/suất ăn như trước. Công ty cũng sẽ trang bị khẩu trang cho công nhân làm việc ở bộ phận độc hại và lắp đặt ngay hệ thống thông gió.
Về trang bị bảo hộ lao động sẽ tăng từ 2 bộ lên 3 bộ. Công nhân khi tan ca ra về sẽ được đi 2 hàng (thay vì trước đây chỉ được đi... 1 hàng!). Về việc khám chữa bệnh, vệ sinh cá nhân và vệ sinh nữ, Công ty cũng sẽ kiểm tra và có hướng cải thiện.
Cuộc họp hoà giải kết thúc lúc 17h30 cùng ngày với cam kết của Tổng Giám đốc Công ty Giày Rieker VN là không sa thải công nhân đã tham gia vụ lãn công ngày 23/11 và họ sẽ được tiếp tục đến Công ty làm việc bình thường từ sáng 24/11.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều công nhân, trong sáng 24/11, mặc dù đã đồng ý cho họ trở lại làm việc nhưng nhiều tờ thông báo “sa thải công nhân may tham gia đình công" vẫn còn được dán trên các bức tường của Công ty Giày Rieker VN như để gây áp lực.
▪ Giám sát các doanh nghiệp việc trả lương trong dịp Tết (23/11/2005)
▪ Quảng Nam: Gần 1.000 công nhân đình công (23/11/2005)
▪ Sẽ thanh tra việc tuyển dụng xuất khẩu lao động (21/11/2005)
▪ Một nữ lao động tại Đài Loan được bồi thường 1,4 tỷ đồng (19/11/2005)
▪ Đào tạo phiên dịch chuyên nghiệp (18/11/2005)
▪ Bên “khát” thợ, bên vắng trò (12/11/2005)
▪ Thế hệ Y ở công sở Mỹ (12/11/2005)
▪ Tuổi trung bình của các GS năm 2005 là 58 (12/11/2005)
▪ Việc không tên, nghề lạ lẫm (10/11/2005)
▪ Nhiều lao động VN chết tại Malaysia do tai nạn giao thông (09/11/2005)