Hanoinet - Trung tâm Lao động ngoài nước đánh giá: Tỉ lệ LĐ được chọn của VN cao nhất so với 10 nước phái cử LĐ vào HQ. Kết quả đó có được do những nỗ lực không ngừng từ phía VN trong việc phân bổ chỉ tiêu, lựa chọn, tổ chức thi tiếng Hàn và giáo dục định hướng tốt trước khi đi.
Một tin không vui với nhiều lao động đang học tiếng Hàn với hy vọng sẽ được tham dự kỳ thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc (dự kiến diễn ra vào cuối năm 2008).
Trung tâm Lao động ngoài nước cho hay: Chỉ tiêu tiếp nhận lao động VN trong năm 2008 của Hàn Quốc (HQ) do Bộ Lao động nước này cấp là 15.000 lao động. Ở đợt kiểm tra lần 1 vào tháng 5.2008, số người dự kiểm tra đủ điều kiện làm hồ sơ dự tuyển vượt chỉ tiêu trên. Hiện lượng hồ sơ dự tuyển tồn của lao động VN (chưa được chủ sử dụng lao động lựa chọn) còn nhiều, nên Bộ Lao động HQ và Bộ LĐTBXH VN quyết định không tổ chức kiểm tra đợt 2 năm nay, mà dự kiến sẽ chuyển sang vào đầu năm 2009.
Đại diện Bộ LĐ HQ, Cục trưởng Cục Chính sách LĐ, ông Lee Jae-Kap đánh giá cao khả năng của LĐVN và VN hiện đứng đầu danh sách LĐ nước ngoài được nhập cảnh vào HQ theo Chương trình cấp phép LĐ nước ngoài (EPS). Hiện tại, cộng đồng LĐ VN tại HQ đã lên tới gần 55.000 người.
Trong 9 tháng đầu năm nay đã có 11.700 người được nhập cảnh mới vào HQ và nếu tính từ thời điểm tháng 8.2004 đến tháng 10.2008 đã có trên 32 nghìn người được nhập cảnh mới và khoảng 3 nghìnngười được tái tuyển dụng. LĐ VN sang HQ chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng và một bộ phận nhỏ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Hàng năm, tổng số tiền người LĐ VN ở nước ngoài gửi về nước là 1,7 tỉ USD, trong đó từ LĐ ở HQ gửi về chiếm tới 500 triệu USD.
Trung tâm Lao động ngoài nước đánh giá: Tỉ lệ LĐ được chọn của VN cao nhất so với 10 nước phái cử LĐ vào HQ. Kết quả đó có được do những nỗ lực không ngừng từ phía VN trong việc phân bổ chỉ tiêu, lựa chọn, tổ chức thi tiếng Hàn và giáo dục định hướng tốt trước khi đi.
Mặc dù vậy, theo Ban Quản lý LĐVN tại Hàn Quốc, thời gian qua có một hiện tượng khá phổ biến là LĐ nông nghiệp, thuỷ sản và một số LĐ ở lĩnh vực sản xuất, chế tạo mới nhập cảnh sau vài ngày đã đòi chuyển xưởng, chuyển nhà máy với các lý do không chính đáng như phải làm việc vất vả, quá sức, công việc không phù hợp với sức khoẻ, không có thu nhập làm thêm giờ, đòi hỏi so bì về thu nhập với các nhà máy khác...
Một số LĐ dù đã được học tiếng Hàn trong nước và đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn song khả năng sử dụng rất kém, không tự xử lý được những vấn đề phát sinh với giới chủ nếu không có phiên dịch.