Nhiều rào cản
Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở 1.500 người thuộc 4 nhóm yếu thế tại 7 tỉnh, thành phố cho thấy, đa số người nhiễm HIV/AIDS không có việc làm ổn định. Số xin được việc làm và được hỗ trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các công việc chỉ mang tính chất thời vụ, nhỏ lẻ, vặt vãnh (lái xe ôm, bán hàng nước, may mặc, bán hoa, sửa chữa xe máy, cắt tóc, gội đầu...).
Thực tế, tuy đã có một số doanh nghiệp tư nhân mở lòng đón nhận người nhiễm HIV vào làm việc, nhưng cũng chỉ bố trí cho họ những việc làm phụ, thu nhập không cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rất sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín khi có người nhiễm HIV vào làm việc. Khi một tổ chức đứng ra bảo lãnh, liên hệ đào tạo nghề hay xin việc cho họ, rất dễ gặp vướng mắc bởi người đứng đầu cơ sở đòi hỏi phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm thì mới tiếp nhận. Vì thế, có nhiều trường hợp người nhiễm HIV thà chấp nhận thất nghiệp chứ không thừa nhận bệnh.
Không ít chuyên gia đã khuyến cáo người nhiễm HIV nên làm việc, kinh doanh theo nhóm. Tuy nhiên, một trong những ngáng trở sự lựa chọn này là sự thiếu vắng của người đứng ra kêu gọi đầu tư, tập trung, bố trí công việc cho người nhiễm HIV; đồng thời tìm kiếm đối tác kinh doanh, đầu ra cho sản phẩm của mình.
Tạo “cần câu” giúp người có HIV tự tạo lập cuộc sống
Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có được việc làm ổn định.Theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, từ ngày 15.6.2015, hộ gia đình và người nhiễm HIV sẽ được vay vốn để sản xuất. Cụ thể, người vay có thể vay vốn nhiều lần với mức vay tối đa đối với cá nhân là 20 triệu đồng/người và mức vay tối đa đối với hộ gia đình là 30 triệu đồng/hộ. Trong giai đoạn 2015 - 2016 được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh/thành phố và từ năm 2017 sẽ triển khai rộng trên toàn quốc. Đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng, chính sách tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, được xem là “cần câu” giúp người có HIV tự tạo lập cuộc sống. Do đó, các địa phương cần phải nhanh chóng tuyên truyền cũng như tạo điều kiện để người có HIV sớm tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi này.
Thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 6.2015: Số người nhiễm HIV còn sống ở Việt Nam khoảng 227.000 trường hợp. Đáng chú ý, có đến 75% số người nhiễm HIV/AIDS chỉ tốt nghiệp THCS, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp. |
Cùng với quyết định trên, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2009 - 2020 cũng chỉ rõ: Mọi lao động nông thôn có cơ hội được học nghề để tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống mà không phân biệt giữa người nhiễm HIV hay không nhiễm.
Tuy nhiên, để những chính sách trên phát huy hiệu quả lại không hề đơn giản, nhất là hiện nay ở nhiều địa phương vẫn coi người có HIV là gánh nặng của xã hội. Bên cạnh đó, vẫn chưa có nhiều chính sách đặc thù, riêng biệt cho người nhiễm HIV, nên việc tiếp cận chính sách với đối tượng này đã gặp không ít khó khăn.
▪ Ưu tiên việc làm cho người yếu thế (27/08/2013)
▪ "Động lực sống" mới cho những người nhiễm HIV (22/07/2013)
▪ Tạo việc làm cho người có H (19/03/2012)
▪ Hỗ trợ học nghề ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (08/03/2012)
▪ Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân : Thiếu kỹ năng, “khát” thông tin (13/01/2012)
▪ Truyền thông phòng chống HIV/AIDS, ma túy: Có lợi cho người lao động và doanh nghiệp (05/01/2012)
▪ Giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong trường nghề (06/01/2011)
▪ Năm 2010 phát động 3 tự trong công nhân, viên chức lao động (17/09/2010)
▪ Hỗ trợ vốn và tạo việc làm cho người nhiễm HIV còn rất khiêm tốn (13/05/2010)
▪ Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Ngân hàng (20/04/2010)