Hỗ trợ vốn và tạo việc làm cho người nhiễm HIV còn rất khiêm tốn
Các Website khác - 13/05/2010
Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y Tế báo cáo tại buổi họp báo.

KTNT - Chiều 20/4/2010, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí báo cáo kết quả thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2009 và định hướng hoạt động năm 2010.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân đã báo cáo kết quả hoạt động công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2009. Về quản lý chỉ đạo công tác phòng, chống HIIV/AIDS: Đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn từ năm 2010- 2015”; Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Việc tổ chức triển khai, giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma tuý, mại dâm được tăng cường.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi. Các bộ, ngành cơ quan trung ương tổ chức nhiều hoạt động, đa dạng về loại hình và hướng tới nhóm đích nhiều hơn. Các phong trào tiếp tục được thực hiện như: Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS…Bên cạnh đó, hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng đã được đẩy mạnh. Các phóng sự, toạ đàm, trao đổi được thực hiện dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung.

Năm 2009 là năm thu được nhiều thành công trong các hoạt động can thiệp giảm tác hại như chương trình giáo dục đồng đẳng; khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch và dùng thuốc điều trị thay thế Methadone trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Theo ông Ân, đây là loại thuốc ít độc, tác dụng chậm hơn hêrôin, đồng thời người dùng thuốc này không phải tiêm, chích mà chỉ cần uống. Chính đặc điểm này khiến người dùng nó tránh được tình trạng lây nhiễm HIV. Hiện nay, loại thuốc này đã được thử nghiệm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng và bước đầu cũng đã mang lại những hiệu quả khả quan.

Về công tác giám sát HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện: Bộ Y tế đã thẩm định và cho phép 78 phòng xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định các trường hợp nhiễm HIV dương tính. Tại 63 tỉnh, thành phố đã có hơn 246 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Riêng 9 tháng đầu năm 2009 đã tư vấn xét nghiệm cho tổng số 176.755 người, số người được xét nghiệm HIV là 168.789.

Ngoài ra, một số chương trình khác như: tiếp cận điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý các bệnh lây truyền qua đường tình dục, an toàn truyền máu…cũng thu được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, những khó khăn và tồn tại vẫn còn như: Cơ bản chưa khống chế được dịch HIV; Các trung tâm còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở làm việc, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ thuật do chưa được đào tạo cơ bản về lĩnh vực HIV/AIDS; Thiếu đầu tư trong việc triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng nhiễm HIV; Chế độ, chính sách còn quá khiêm tốn so với nhiệm vụ được giao cho cán bộ trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS.

Được biết, đến ngày 31 tháng 12 năm 2009, cả nước có 160.019 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có 35.603 bệnh nhân AIDS còn sống và đã có 44.540 người chết do AIDS. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có tổng số người nhiễm HIV cao nhất nước với 41.193 người, chiếm 26,3% các trường hợp nhiễm HIV phát hiện trên toàn quốc. Kế đến là Hà Nội với 16.539 người nhiễm hiện đang còn sống, tiếp đó là Hải Phòng, Sơn La, Thái Nguyên...

Trong kế hoạch năm 2010, Cục cũng đưa ra một số định hướng hoạt động cụ thể. Đó là: Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong việc quan tâm đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS; Tổ chức tốt các sự kiện đánh dấu 20 năm Việt Nam đương đầu với HIV/AIDS; Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chương trình hành động của Chiến lược quốc gia: chương trình thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, duy trì điều trị Methadone tại 07 điểm của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng; Đẩy mạnh các phong trào tại các địa phương: Phong trào toàn dân tham gia phòng chống AIDS tại cộng đồng dân cư, chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các phong trào dựa vào cộng đồng nhằm huy động toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS; Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, ông Ân cho biết, năm 2010 là năm đánh dấu mốc 20 năm đối phó với đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam, 10 sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức ở tất cả các cấp, các ngành và các tổ chức quốc tế như: Hội nghị khoa học phòng chống HIV/ AIDS lần thứ 4; Tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm đối phó với dịch HIV/AIDS ở Việt Nam; Tổng kết chỉ thị 54 của Ban bí thư Trung ương Đảng… Ông Ân khẳng định, 10 sự kiện này sẽ được chọn như là 10 sự kiện quốc gia.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế Nông thôn về vấn đề tạo công ăn việc làm, giúp đỡ những người có HIV hoà nhập với cuộc sống, ông Chu Quốc Ân khẳng định: đây thực sự là một vấn đề khó, chúng tôi cũng đã quan tâm nhưng đến nay thì con số những người có HIV được giúp đỡ tạo công ăn việc làm vẫn còn khiêm tốn.

Anh Tài