Thị trường XK lao động thu nhập cao: Cánh cửa vẫn hẹp!
Các Website khác - 30/11/2005

Thời gian gần đây, những bạn trẻ có ý muốn đi lao động xuất khẩu xôn xao với thông tin về những cơ hội bước vào thị trường “cao cấp”...

Vấn đề thu nhập cao, chế độ làm việc được bảo đảm; được mang theo vợ chồng con cái, thậm chí có thể được bảo lãnh nhập cư dài hạn. Cụ thể và thực tế của những thông tin này?

Thị trường xôn xao, “cò” vào cuộc

Soạn: AM 635409 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lao động nữ tham gia thị trường xuất khẩu lao động với số lượng 20.860 người trong tổng số 57.000 lao động xuất khẩu năm 2005

Gần đây, trên một số phương tiện thông tin, nhiều doanh nghiệp loan báo về những hợp đồng mới, thị trường mới như Mỹ, Ý, Canada... với mức lương cao: thu nhập tính bằng ngàn USD/người/tháng trở lên.

Kèm theo đó là các điều khoản hấp dẫn với người lao động (NLĐ) như được chi phí vé máy bay, được đào tạo miễn phí nếu chưa có tay nghề. Đặc biệt, khi làm việc ở nước ngoài, vấn đề ăn ở là mối lo hàng đầu của NLĐ cũng được chủ sử dụng lao động lo.

Tranh thủ giai đoạn “thử nghiệm” thị trường mới, nhiều doanh nghiệp âm thầm tuyển người “dự trữ” nguồn, không ít NLĐ hào hứng nộp hồ sơ giữ chỗ.

Ngay tại Airserco, đơn vị vừa tổ chức thí điểm đưa một số lao động làm nông nghiệp tại Mỹ qua hợp đồng gián tiếp cá nhân cũng khá vất vả với đơn thư của NLĐ có nhu cầu đi xuất khẩu theo chương trình này. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Airserco cho biết: chưa tiếp nhận bất cứ hồ sơ tuyển dụng nào.

Trong khi đó, bên ngoài khu vực các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã xuất hiện những “cò cao cấp” với tên tuổi... y chang tên tuổi của nhân viên chủ chốt, thậm chí gần giống tên tuổi giám đốc các công ty chuyên ngành XKLĐ. Giá được “cò” đưa ra từ 10.000 - 15.000 usd/người, có bảm đảm bằng... miệng.

Cửa vẫn mở hé

Tính đến tháng mười, năm 2005 này cả nước có trên 57.000 lao động đi xuất khẩu các nước. Trong đó thị trường Đài Loan là 20.735 người, Nhật: 2.460 người, Hàn Quốc: 8.350 người, Malaysia: 19.521 người, Lào: 5.600 người. Các thị trường khác chỉ có 680 người.

Thông tin từ phòng khai thác thị trường thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: đến nay thị trường Úc, Mỹ, Canada, Ý... vẫn còn rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý.

Riêng thị trường Mỹ và Canada có nhu cầu tuyển nhiều y tá nhưng đòi hỏi rất cao: NLĐ phải thi đậu vào tổ chức y tế tiêu chuẩn quốc tế tại Hong Kong hoặc Thái Lan, có 1-2 năm kinh nghiệm và điểm TOEFL trên 540 điểm.

Ông Ngô Văn Thu (giám đốc Trung tâm XKLĐ OSC), người có kinh nghiệm thâm nhập thị trường khó tính như Anh, khá băn khoăn và dè dặt: “Chúng tôi đã ký với doanh nghiệp Mỹ một hợp đồng nguyên tắc (có đóng dấu và công chứng tại Đại sứ quán Mỹ) nhưng tiến hành ba năm nay vẫn chưa đưa NLĐ đi được”.

Lý do, theo ông Thu: yêu cầu số một mà đối tác đòi hỏi là NLĐ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn cao. OSC đã hợp tác với nhiều cơ sở y tế nhưng không tìm đâu ra người bởi y tá đủ chuyên môn thì không đạt về ngoại ngữ và ngược lại.

Vì thế, lao động VN vào các thị trường cao cấp chỉ đi theo chương trình cá nhân, số lượng rất nhỏ. Riêng thị trường Úc càng khó hơn do chính sách tuyển lao động nước ngoài của Chính phủ Úc phải thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc nhà nước, đồng thời doanh nghiệp Úc có nhu cầu tuyển dụng phải chứng minh loại công việc mà lao động trong nước không tuyển được người mới cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài.

Ký kết chính thức từ phía Nhà nước: chưa!

Tính về hiệu quả kinh tế, thử làm bài toán nhỏ mức phí dịch vụ, một số doanh nghiệp tạm thu từ 7.000 -10.000 USD/người (các doanh nghiệp đưa đi đều chưa công bố con số chính thức), đó là chưa kể những khoản phụ phí và chi phí môi giới qua nhiều vòng trung gian, có khi lên tới 15.000 USD/người.

Với thời gian lao động theo hợp đồng từ 12- 18 tháng, thu nhập đạt khoảng 1.200 - 1.500 usd/người/tháng. Tổng thu sau thời gian hết hạn hợp đồng (một năm), NLĐ đạt khoảng 15.000 usd/người trở lên.

Như vậy tiền phí và tiền thu nhập gần như “sang ngang”. Chính vì thế NLĐ thường bị hấp dẫn bởi các khoản tiền làm thêm ngoài giờ, đặc biệt là hi vọng gia hạn thời gian làm việc ở nước ngoài (mà các doanh nghiệp cũng chỉ báo là có thể).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào chính thức đưa được lao động vào các thị trường cao cấp. Thị trường Canada, Úc mới hoàn tất các thủ tục bước đầu, riêng thị trường Mỹ là hợp đồng lẻ, cá nhân.

Đặc biệt, các thị trường này đều trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có ký kết chính thức nào từ phía Nhà nước. Vì thế, các doanh nghiệp và NLĐ phải tự chịu trách nhiệm trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Malaysia: lao động nước ngoài phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn

Bà Yap Li Wan, thư ký báo chí của bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, vừa nói rằng người nước ngoài đến làm việc ở Malaysia phải có giấy công nhận đủ tiêu chuẩn.

Muốn có giấy này phải tham dự một lớp từ 3-7 ngày học một số câu giao tiếp thông dụng, tìm hiểu phong tục, văn hóa địa phương và những điều nhạy cảm về tôn giáo, gồm cả việc kiêng ăn thịt heo của số đông người Malaysia theo đạo Hồi.

Các lớp kể trên do cơ quan tuyển dụng lao động tổ chức và kiểm tra; dưới giám sát và cấp giấy của cơ quan ngoại giao Malaysia nước sở tại.

Thái Lan: thông tin rộng rãi cho người muốn đi LĐXK

Ông Supat Kukun, giám đốc Cơ quan điều hành việc làm hải ngoại Thái Lan, cho biết để tránh cho người Thái Lan lao động ở nước ngoài bị cơ quan sử dụng lừa đảo, sẽ tiến hành chương trình thí điểm bằng các xe tuyên truyền lưu động.

Mỗi xe được trang bị máy vi tính, Internet và một số phương tiện liên lạc khác. Viên chức của cơ quan sẽ đi cùng xe đến vùng bắc và đông bắc Thái Lan - nơi có nhiều người cần đi làm việc ở nước ngoài để cung cấp cho họ về công ty cần lao động, các đại lý đáng tin cậy.

Philippines: người LĐXK mang về hơn 7 tỉ USD

Ông Manuel G. Imson, quan chức của Bộ Lao động và việc làm của Philippines (DoLE), cho biết mười tháng đầu năm 2005 có trên 800.000 người đi làm việc ở 170 nước, vùng lãnh thổ, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái gần 10%.

Chỉ trong tám tháng đầu năm 2005, số tiền của LĐXK Philippines gửi về là trên 7 tỉ USD, cao hơn cùng kỳ năm trước 28%.

L.V. (Theo The Star, TNA, Manila Times)

Nguyễn Bay (Tuổi Trẻ)