![]() |
Vợ chồng ông bà Trần Mạnh Uyên- Bùi Thị Xuân làm đèn trung thu tại Phú Bình |
Lồng đèn Phú Bình nổi tiếng bởi giấy kính căng bóng, khung đèn uốn lượn tinh xảo, sắc màu tươi thắm, hoa văn trang trí vừa sắc nét lại vừa mềm mại...
Đến xóm lồng đèn Phú Bình (cư xá Phú Bình, phường 5, quận 11-TPHCM) những ngày này, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng khách hàng tới lui nườm nượp. Những cơ sở sản xuất thắp đèn suốt đêm để kịp cho ra đời những chiếc lồng đèn xinh xắn. Hơn 50 năm nay, cứ mỗi dịp Trung thu về, xóm lồng đèn Phú Bình lại rộn rịp mặc cho nghề trải qua không ít thăng trầm.
Làng của nhiều thế hệ
Theo những nghệ nhân của làng nghề, xóm lồng đèn Phú Bình xuất phát từ làng nghề ở Bác Cổ - Nam Định. Bao thế hệ tiếp nối nhau, nghề làm lồng đèn từ đời trước truyền lại cho đời sau và được dân xóm đạo Phú Bình tiếp tục lưu giữ đến ngày nay.
Chúng tôi đến cơ sở kinh doanh đèn của bà Lao Đào Dìu, tại số 1A cư xá Phú Bình, khi khách hàng tấp nập chở những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép đi khắp nơi. Đến với nghề kinh doanh lồng đèn cách đây hơn 10 năm nhưng với bà Dìu, hình ảnh người người rộn ràng chẻ tre khi Trung thu về đã ăn sâu trong tâm trí. “Không chỉ những người lớn tuổi mà trẻ con cũng biết từng công đoạn làm đèn như tạo hình, dán giấy. Trước đây, lồng đèn Phú Bình có mặt khắp các tỉnh, thành miền Tây, miền Đông và cả miền Trung”. Cũng theo bà Dìu, lý do khiến đèn Phú Bình nổi tiếng bởi đèn có giấy kính căng bóng, khung đèn uốn lượn tinh xảo, sắc màu tươi thắm, bắt mắt. Những hoa văn trang trí vừa sắc nét lại vừa mềm mại. “Chính vì vậy mà lồng đèn Phú Bình nổi tiếng và làng nghề Phú Bình có lúc trở thành đầu mối lồng đèn lớn nhất miền Nam”.
Chiều ý khách hàng
Nằm tại số 15A cư xá Phú Bình, cơ sở sản xuất của bà Bùi Thị Xuân và ông Trần Mạnh Uyên nổi tiếng với những loại lồng đèn lớn (cao từ 0,5 m đến 3 m). Hằng năm, cơ sở cung cấp hàng ngàn sản phẩm các loại cho thị trường. Dù đã 57 tuổi nhưng ông Uyên vẫn còn rắn rỏi, liền tay chẻ tre, cột kẽm, dán, vẽ hoa văn trên những chiếc đèn hình ông sao, hình các loại cá, tàu thủy, đèn kéo quân... Nhìn đôi tay ông thoăn thoắt kết những vành tre lại với nhau, tôi có cảm giác ông không cần nhìn cũng có thể làm một cách chính xác. Vợ chồng ông đến với nghề làm lồng đèn đã 20 năm nay. Ông kể: “Hình như cái nghề làm đèn đã thấm trong máu nên dù hiện nay nghề không hưng thịnh lắm nhưng chúng tôi cũng không thể bỏ. Vợ tôi vốn là dân làng nghề nên càng quyết giữ nghề...”.
Theo bà Bùi Thị Xuân, để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, phải qua hơn 10 công đoạn từ chẻ tre, kết kẽm, tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn... Ngoài việc chọn nguyên liệu làm khung đèn là nứa hay lồ ô thì giấy dán phải có màu đỏ thật đẹp. Nhưng yếu tố quyết định đèn đẹp hay không là do cách tạo hình, cách dán và cả những họa tiết trang trí trên đèn. Bà tâm sự: “Để đèn được ưa chuộng, ngoài mẫu mã truyền thống, phải tạo ra thêm những mẫu mới, lạ, phù hợp với từng đối tượng. Do đó, bên cạnh đèn kéo quân, tàu thủy, ngôi sao... chúng tôi còn có lồng đèn hình chú chuột, khỉ, voi, siêu nhân... Ngay cả họa tiết hoa văn cũng được thay đổi không ngừng”.
Giữ gìn một làng nghề
Những năm gần đây, sự xuất hiện hàng loạt loại lồng đèn bằng giấy xếp, đèn điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc đã khiến cho không ít người dân Phú Bình chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, những người nặng nợ với nghề như vợ chồng ông Uyên - bà Xuân, ông Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Hạnh... không vì thế mà để nghề bị mai một. Những người tâm huyết với nghề vẫn duy trì và phát triển nghề làm đèn. Hiện lồng đèn Phú Bình không chỉ được sử dụng trong dịp Trung thu mà còn có mặt trong các dịp lễ, Tết. Hình ảnh hàng ngàn đèn ông sao xuất hiện tại Nhà Thi đấu Phú Thọ trong dịp SEA Games 24 vừa qua hay những bông sen hồng trên đường hoa dịp Tết hằng năm cũng khẳng định sự nổi tiếng của lồng đèn Phú Bình.
Chị Trần Thị Kim Thoa, một thợ vẽ của làng nghề, cho rằng trót đã vướng vô nghề thì sống chết với nghề. Cũng vì lý do đó mà hằng năm khi Trung thu đến hay những dịp lễ lạt, chị tạm thời nghỉ việc quản lý kho để trở về phụ gia đình làm đèn. Chị nói: “Điều đáng mừng là những năm gần đây, thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng quay lại với lồng đèn truyền thống. Vì vậy, tôi càng mong muốn được góp phần giữ gìn nghề truyền thống này”.
Năm trước, khách hàng thích vẽ chữ tàu, tô màu rực rỡ nhưng năm nay lại thích dán giấy bóng có màu vàng với phụ tùng đi kèm như lục lạc cho vui tai. Nhiều khách hàng còn muốn có thêm những câu đối, những bài thơ trên sản phẩm. |
![]() |
▪ Chính phủ Úc tăng 30% chỉ tiêu nhập khẩu lao động nước ngoài (13/09/2008)
▪ Không thoải mái trong công việc, làm sao đây? (13/09/2008)
▪ Hơn 1.000 công nhân đình công (13/09/2008)
▪ Không đào tạo, làm sao có nguồn ? (11/09/2008)
▪ Đối phó đồng nghiệp “phá hoại” (11/09/2008)
▪ Bí quyết giúp tự tin nói trước đám đông (11/09/2008)
▪ Điều chỉnh tuyển dụng...khó giữ người! (11/09/2008)
▪ Miễn phí đào tạo kỹ năng làm việc cho giới trẻ (10/09/2008)
▪ Nông dân đi XKLĐ về chán ruộng, chán... chồng (09/09/2008)
▪ Bí quyết gây dựng sự nghiệp kinh doanh có lãi (09/09/2008)