Tháng 5/1993 khi bốn gái mại dâm đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV, An Giang là một trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước thông báo phát hiện người nhiễm HIV. Tính đến cuối tháng 12/2003, An Giang đã phát hiện 4895 ca nhiễm HIV, 2200 ca chuyển thành AIDS và 1799 ca tử vong vì AIDS. Riêng trong năm 2003, An Giang phát hiện thêm 1016 ca nhiễm HIV mới, 282 ca chuyển thành AIDS và 417 ca tử vong.
Chỉ vài năm trước thôi, Bích Sơn - một người nhiễm HIV/AIDS 26 tuổi ở An Giang luôn nung nấu ý định tìm cái chết làm lối thoát khỏi căn bệnh AIDS.Vậy mà hôm nay, Sơn đang dũng cảm công khai cuộc đời của mình trước các diễn đàn, trước công chúng với hy vọng cảnh tỉnh những con người lầm đường, kêu gọi cộng đồng tham gia phòng chống HIV/AIDS.
Bích Sơn sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp Vĩnh Quới 2, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Sơn và em gái phụ mẹ bán bánh canh sống hàng ngày.Năm 18 tuổi Sơn bị bà Tư cùng xóm dụ vào Sài Gòn làm mướn lương 400.000đ/tháng. Ðâu ngờ bà Tư đưa sang Phnômpênh, Campuchia bán làm gái mại dâm. Sau một tháng tôi gặp một người đàn bà quen ở gần xóm. Tôi nói tôi bị gạt nhờ mang thư và một tấm hình về cho gia đình để mẹ sang chuộc về. Tôi ở Campuchia đúng một tháng 9 ngày thì được mẹ sang chuộc về .
Một năm sau, Sơn lập gia đình. Rồi Sơn có thai, nhưng do nghèo quá sợ không đủ tiền nuôi con nên cô đi phá thai. Sau khi phá thai, Sơn ốm nặng. Kết quả xét nghiệm máu lần này cho thấy Sơn đã nhiễm HIV dương tính.Sơn cho biết: Có những lúc tôi cảm thấy thật tủi thân khi làng xóm chỉ đứng xa nhìn mình nói con này bị bệnh SIDA . Khi biết mình bị bệnh AIDS, lúc nào tôi cũng buồn, tôi nghĩ mình sẽ chết. Ðã 4 lần tôi uống thuốc ngủ tự tử nhưng đều được gia đình cứu. Các chú cán bộ y tế ở bệnh viện cũng thường tới khuyên bảo, động viên. Dần dẫn nỗi đau cũng nguôi ngoai. Bây giờ nhiều lúc tôi cũng không nghĩ là mình bị AIDS nữa . Sơn nói:"Hiện nay bà con làng xóm đã biết cô nhiễm HIV nhưng họ cũng đối xử bình thường, không xa lánh, phân biệt đối xử. Trước đây, họ kỳ thị, tránh gặp, tránh cả đi ngang qua nhà. Nếu có gặp cũng không dám đụng chạm, nói chuyện. Ban đầu họ cũng sợ nhưng sau thấy cô sống bình thường và các cán bộ y tế, phòng chống AIDS của huyện xuống thăm nhiều mà không sao nên họ không còn sợ nữa. "
Hiện vợ chồng Sơn không có nhà mà phải ở nhờ trong một cái chòi nhỏ trên miếng đất của một người tốt bụng trong xóm. Vợ chồng Sơn đã có 2 con gái 4 tuổi và 2 tuổi rưỡi. May mắn là cả chồng Sơn và 2 con gái đều không bị nhiễm HIV.Không còn sợ sự xa lánh, kỳ thị của cộng đồng, Sơn mạnh dạn tham gia các diễn đàn, hội nghị kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, không nên xa lánh, hãy giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS.
Xã Vĩnh Thạnh Trung là xã đông dân nhất trong 12 xã và 1 thị trấn của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang với số dân 29.439 người. Người dân ở đây đa số là nông dân có trình độ dân trí thấp với 6.222 hộ trong đó 5,18% là hộ nghèo. Kể từ 1999 tới nay, tổng số ca nhiễm HIV được ghi nhận trên địa bàn xã là 49 ca, trong đó tử vong 17 ca, 25 ca không quản lý được và chỉ có 7 ca hiện được quản lý, theo dõi. Xã Vĩnh Thạnh Trung có một cán bộ chuyên trách, 3 cộng tác viên và 2 đồng đẳng viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ðội ngũ này hàng tháng phải xuống địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng thanh niên, phụ nữ để cung cấp tờ rơi, hướng dẫn cách phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, cấp phát bao cao su (BCS), khuyến khích chung thủy một vợ một chồng , khám chữa bệnh, chăm sóc, cấp phát thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS. Các cán bộ phòng chống HIV/AIDS thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, tiếp cận các đối tượng gái mại dâm, phát BCS, tờ rơi, khuyến khích họ sử dụng BCS, tuyên truyền những thủ thuật để buộc phải dùng BCS...
Vĩnh Thạnh Trung là một trong những xã hiện đang được hưởng lợi từ Dự án Cộng đồng hành động phòng chống AIDS nhằm làm chậm quá trình lây nhiễm HIV trong những nhóm nguy cơ cao và ra cộng đồng. Dự án này thực hiện trong 2 năm 2003-2004 tại 5 tỉnh là An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Lai Châu và Quảng Trị với sự tài trợ của ADB. Dự án nhằm tăng tỷ lệ hiểu biết và thay đổi hành vị của nhân dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: Hỗ trợ các hoạt động dự phòng HIV/AIDS tại các khu vực có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV/AIDS.HIV/AIDS đang trở thành vấn đề nghiêm trọng tại An Giang cũng như các tỉnh Tây Nam Bộ, thu hút sự quan tâm của ngành y tế. BS Mai Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết: Cứ mỗi ngày trôi qua An Giang phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm HIV, 1 trường hợp HIV chuyển thành AIDS và 1 người chết vì AIDS .
Hiện nay, người nhiễm HIV đã được phát hiện ở 11/11 huyện thị, 140/142 xã, phường của tỉnh An Giang. Sự tăng đột biến số người nhiễm HIV đang gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ bùng phát của đại dịch HIV/AIDS ở tỉnh biên giới Tây Nam Bộ này. Không chỉ cư trú trong hai nhóm mại dâm và nghiện ma túy, người nhiễm HIV đã được phát hiện trong cộng đồng như phụ nữ mang thai, tân binh, công chức nhà nước, nông dân, sinh viên, học sinh... Các chuyên gia dịch tễ cho biết, trong thực tế số người nhiễm HIV cao gấp 5-7 lần con số thống kê, với khoảng trên 10 nghìn người. Trước những nguy cơ lây lan mạnh mẽ của đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng, chính quyền tỉnh An Giang đã có những chính sách khá thông thoáng như: Cho phép phổ biến 100% sử dụng BCS ở tất cả những điểm vui chơi giải trí như: nhà hàng, karaoke, vũ trường. BCS được phân phát miễn phí tại các khách sạn, nhà trọ với sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Thông qua Dự án Cộng đồng hành động phòng chống AIDS, An Giang tập trung vào các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS, các đồng đẳng viên, tổ chức khám điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, xây dựng những mô hình khuyến khích những người nhiễm trực tiếp tham gia phòng chống HIV.Sau chuyến đi thị sát công tác phòng chống HIV/AIDS ở An Giang, Bộ trưởng y tế Trần Thị Trung Chiến đã nhận xét: Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở An Giang đã đạt được kết quả tốt, làm giảm được tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng nhờ có sự tham gia tích cực của các cấp lãnh đạo, của cộng đồng và các hoạt động truyền thông, tư vấn, giáo dục .
Chính dự án Cộng đồng hành động phòng chống AIDS do ADB tài trợ đã đóng vai trò tích cực cho các hoạt động phòng chống AIDS trong thời gian qua thông qua việc giúp Việt Nam xây dựng được những mô hình tích cực như mô hình tổ chức, tiếp cận, truyền thông và sự đa dạng các loại hình truyền thông. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, do hình thái lây nhiễm ở An Giang chủ yếu là qua đường tình dục và là ở địa bàn nông thôn nên cần xây dựng những mô hình tiếp cận, giáo dục, truyền thông phù hợp, xây dựng nguồn nhân lực, tìm kiếm nguồn ngân sách cho điều trị để nâng cao hiệu quả phòng chống HIV/AIDS.
Thanh Hải
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Ngày Thế giới Phòng chống AIDS: Các tổ chức sức khoẻ thế giới đặt mục tiêu chống AIDS (01/12/2003)
▪ Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1.12: Châu Á có nguy cơ theo gót Châu Phi (01/12/2003)
▪ "Tảng băng chìm" HIV/AIDS đang bắt đầu nổi lên (25/11/2003)
▪ Tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên: Hậu quả của sự "tế nhị" (10/07/2003)
▪ "Du lịch tình dục trẻ em" đã tràn sang VN (02/07/2003)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)