"Tảng băng chìm" HIV/AIDS đang bắt đầu nổi lên
Các Website khác - 25/11/2003


Phương Anh
Bệnh nhân HIV/AIDS nhập viện đang tăng và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Các cơ sở điều trị cho bệnh nhân AIDS vẫn ở tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu các trang thiết bị và đặc biệt thuốc điều trị AIDS.


Xét nghiệm máu phát hiện HIV/AIDS
Bệnh nhân AIDS "rủ nhau" vào viện
Anh Ng.V.Th ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội bị một cái nhọt rất to ở bả vai. Lúc đầu cho là bình thường, mụn sẽ tự khỏi nhưng 1 tuần sau mọc thêm mấy cái mụn khác và gây sốt. Không thể chịu nổi, anh Th vào khám tại Bệnh viện (BV) Đống Đa, bác sĩ cho điều trị kháng sinh nhưng vết loét mãi không khỏi liền cho làm xét nghiệm HIV. Điều nghi ngờ đó đã đúng, anh Th đã nhiễm HIV/AIDS. Anh trở thành bệnh nhân của khoa Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (YHLSCBNĐ) - BV Đống Đa. Một trường hợp khác cũng rất ngẫu nhiên, thấy ho lâu ngày không khỏi, chị Đ.T.L ở quận Tây Hồ vào khám tại BV Bạch Mai. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị lao phổi, xét nghiệm máu có HIV dương tính. Đáng ngại nhất là một số trường hợp bị tai nạn giao thông khi chuyển vào các bệnh viện cấp cứu mới biết mình bị nhiễm HIV. Đúng như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, sau 10 năm bệnh nhân AIDS sẽ là "gánh nặng" cho các BV. Năm 2003, hai cơ sở điều trị cho bệnh nhân AIDS tại Hà Nội đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Khoa YHLSCBNĐ - BV Đống Đa từ tháng 1 đến cuối tháng 11.2003 đã có tới 535 lượt bệnh nhân đến khám, 290 lượt bệnh nhân vào điều trị với tổng số bệnh nhân nằm điều trị là 261 ca. So với năm 1998 con số này đã tăng gần 200%. Đây chính là "tảng băng chìm" của 10 năm về trước bây giờ đã nổi lên. Những người nhiễm HIV bắt đầu phát bệnh và những người có bệnh mới biết mắc HIV đang ngày một tăng. Thạc sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa YHLSCBNĐ - BV Đống Đa cho biết: "Bệnh nhân AIDS đang là nỗi lo lớn của chúng tôi, chỉ có 10 giường dành cho bệnh nhân AIDS nhưng có lúc có tới 25-30 bệnh nhân, có cả bệnh nhân nữ, trẻ em không biết sắp xếp ra sao cho hợp lý". Viện YHLSCBNĐ cũng trong tình trạng tương tự, bệnh nhân AIDS luôn quá tải, không thể ghép được vì vào đến đây đều là bệnh nhân nặng có các nhiễm trùng cơ hội: Lao phổi, viêm não, nấm...

Bệnh nhân AIDS vào viện càng đông càng tăng thêm nỗi vất vả cho cán bộ y tế. Hầu hết bệnh nhân AIDS đều vào viện trong tình trạng nặng, nghiện chích ma tuý, gia đình ruồng bỏ... nên mọi việc từ ăn uống đến tắm rửa đều do các cô y tá đảm nhiệm. Mặc dù đã có 16 nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV nhưng với họ không được phép từ chối chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS.

Việt Nam vẫn chưa sản xuất được thuốc điều trị HIV/AIDS
Theo lý thuyết, những người nhiễm HIV có thể sống thêm được 10 năm hoặc có thể hơn nữa nhưng với người VN thì chỉ sau khi thành bệnh nhân AIDS từ 1 đến 3 năm đã đến với thế giới bên kia. Trong số 260 bệnh nhân AIDS vào điều trị tại khoa YHLSCBNĐ - BV Đống Đa đã có 40 trường hợp tử vong do bệnh quá nặng, cơ thể suy yếu. Bệnh nhân AIDS vào viện chỉ là điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, đôi khi chỉ là điều trị tâm lý.

Các phương tiện chẩn đoán, trang thiết bị cần thiết còn thiếu khi có nhiều bệnh nhân không thể đi mượn của các khoa khác. Thuốc điều trị AIDS cũng còn quá xa vời. Mỗi năm ngân sách dành để mua thuốc chỉ đủ điều trị cho 50 bệnh nhân thì ưu tiên cho cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV. Giải pháp VN tự sản xuất thuốc AIDS vẫn còn nhiều vướng mắc bởi hàng rào pháp lý. Bộ Y tế đã trình lên Chính phủ đề án sản xuất thuốc AIDS nhưng chưa có ý kiến cuối cùng. Chế độ chính sách cho cán bộ y tế tiếp xúc với bệnh nhân AIDS sắp được sửa đổi nhưng vẫn chưa thể đáp ứng với công sức cũng như mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Hơn 20 cán bộ y tế của khoa YHLSCBNĐ - BV Đống Đa hàng ngày phải gồng lên để chăm sóc số bệnh nhân ngày càng tăng, trong khi đó vẫn phải duy trì các hoạt động khác như: Khám kiểm tra sức khoẻ cho học viên nhiễm HIV/AIDS tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội, khám và điều trị người nhiễm HIV ngoại trú...

Bức xúc trước thực tế bệnh nhân HIV/AIDS nhập viện ngày một tăng, BS Lâm, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân AIDS tại Viện YHLSCBNĐ đề nghị: "Phải tăng thêm giường bệnh cho bệnh nhân AIDS, Viện YHLSCBNĐ là viện đầu ngành mà chỉ có 10 giường cho bệnh nhân AIDS là quá ít. Ngân sách dành cho điều trị cũng cần phải tăng thêm vì bệnh nhân AIDS vào viện sẽ ngày một tăng...". Sẽ ra sao khi mà hơn 1.000 bệnh nhân AIDS của Hà Nội và hơn 11 nghìn bệnh nhân AIDS của cả nước bệnh nặng phải vào các cơ sở y tế. Một thách thức quá lớn đối với ngành y tế. Những gì mà Bộ Y tế đang làm có vẻ như vẫn chậm hơn so với sự bùng phát của căn bệnh thế kỷ này.