Báo động lây nhiễm HIV/AIDS
Các Website khác -
13/01/2003
Báo động lây nhiễm HIV/AIDS
Bảo Chân
Theo lời bác sĩ-thiếu tá Nguyễn Xuân Vinh, Trưởng trạm y tế Trại tạm giam Khánh Hòa thì kết quả xét nghiệm HIV/AIDS đối với 1.024 can phạm có đến 5,9% dương tính và 21,3% trong số đó đã chuyển sang AIDS.
Phần chìm của tảng băng
Kết quả điều tra, theo dõi của Trạm y tế Trại tạm giam Khánh Hòa trong 3 năm ( từ 2000-2002) cho thấy số phạm nhân nhiễm HIV năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ mắc AIDS ngày càng tăng và cũng đã có trường hợp tử vong. BS-thiếu tá Nguyễn Xuân Vinh phân tích: "Năm 2000 xét nghiệm 216 mẫu máu, phát hiện 14 trường hợp HIV dương tính, năm 2002 xét nghiệm 423 mẫu máu, phát hiện 30 trường hợp HIV dương tính. Đến nay 3/13 can phạm là bệnh nhân AIDS đã chết. Tuy nhiên hơn 40% bệnh nhân không biết bản thân bị HIV/AIDS". Chỉ có 5 can phạm nhiễm HIV là đối tượng giam giữ riêng, 91,8% số còn lại đã và đang sống chung với hàng nghìn phạm nhân khác. Trong khi đó 19 trường hợp bị phạt tù từ 5 đến trên 10 năm và có đến 37 trường hợp đang ở giai đoạn tạm giam chờ xét xử. Điều đó có nghĩa là thời gian "sống chung với HIV/AIDS" trong các trại giam rất dài.
Chống HIV/AIDS bằng... hô hào?
Hàng năm trại tạm giam Khánh Hòa đều lên lịch tổ chức hướng dẫn tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho phạm nhân. Tuy nhiên tư tưởng, tình cảm và cả tâm sinh lý của đối tượng này luôn diễn biến bất thường, nếu quản lý không tốt và tuyên truyền, giáo dục theo kiểu hô hào chung chung thì hiệu quả rất hạn chế, thậm chí nếu không cảnh giác có thể xảy ra hiện tượng chán nản...trả thù đời, gây tổn hại cho nhiều người. Theo lời BS-thiếu tá Nguyễn Xuân Vinh thì do không có tên trong danh mục cấp kinh phí nên phương tiện phòng tránh HIV/AIDS hiện rất thiếu. Hàng năm Trại tạm giam Khánh Hòa chỉ được nhận 1.800 đôi găng tay cao su và 500 bơm tiêm nhựa, trong khi nhu cầu cao gấp từ 2-5 lần.
Thực ra con số 61 bệnh nhân HIV/AIDS là can phạm đã được phát hiện mới chỉ khoanh vùng trong số hơn 1.000 người được Trạm y tế Trại tạm giam Khánh Hòa chọn để lấy mẫu máu xét nghiệm. Trong thực tế tỷ lệ mắc và tốc độ lây nhiễm cao hơn nhiều nhưng điều đáng tiếc là cho đến nay Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đều chưa có chủ trương tổ chức điều tra cơ bản để đánh giá, phân tích tình hình nhiễm HIV/AIDS trong các trại giam trên toàn quốc. Thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS là phạm nhân cũng như các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ công an trong lúc làm nhiệm vụ không may bị nhiễm HIV.