TT - Cầm trên tay những chiếc bao cao su từng giúp ông trở nên nổi tiếng nhiều thập niên trước, “vua condom” Thái Lan Mechai Viravaidya hướng đến những người trẻ Thái Lan: “Đừng ngại nhé, chúng sẽ giúp các cháu tự bảo vệ".
![]() |
Mechai và những người ủng hộ ông đã lăn lộn tại sân bay, từng góc phố và từng trạm thu phí xa lộ để phân phát hàng vạn chiếc bao cao su miễn phí. |
Nhà hoạt động chống AIDS 63 tuổi vừa nói vừa phát bao cao su cho ba cô gái tại một siêu thị sang trọng ở Bangkok. “Thái Lan có 700.000 người nhiễm AIDS và trong đó có nhiều anh chàng đẹp trai đấy. Các cháu hãy đưa những thứ này cho bạn bè nữa”.Với thông điệp "tình dục an toàn" từ một thập kỷ trước, Mechai nay thấy mình bước vào một chiến dịch mới chống HIV/AIDS. Thanh niên nước này vẫn tiếp tục lảng tránh chiếc bao cao su và xã hội tiếp tục lo ngại tỉ lệ người mắc bệnh tăng cao.
Phát biểu tại nhà hàng “Bắp cải và Bao cao su”, Mechai cho biết từ hai ba năm qua, Thái Lan đã rơi vào tình trạng ngưng trệ trong việc giáo dục cộng đồng. “Thế hệ mới chẳng nghe nói gì nhiều về HIV. Họ cứ nghĩ nạn dịch này đã qua”, ông nói.Mechai Viravaidya mang biệt danh “Ngài condom” từ những năm 1970, khi ông hầu như “đơn thương độc mã” tổ chức chiến dịch kiểm soát dân số trên toàn quốc. Ông chuyển sang chống AIDS khi ca bệnh đầu tiên của Thái Lan xuất hiện trong những năm 1980.
Dùng sự khôi hài để vượt qua những điều "cấm kỵ", ông mặc những bộ “trang phục” bao cao su và phân phát những chiếc bao nho nhỏ cho người dân trong dịp lễ. “Mechai”, tên ông, đã được người Thái dùng để chỉ chiếc bao cao su. Cũng chính ông, năm 1991, đã vận động để chính phủ đưa ra nhiều qui định chống AIDS, trong đó có việc bắt buộc bên phát thanh và truyền hình phát các đọan tuyên truyền giáo dục mỗi giờ một lần và việc phát bao cao su miễn phí cho các cô gái mại dâm.
Nhờ những nỗ lực này mà số nam giới dùng bao cao su tại các khu ăn chơi đã tăng lên 15%. Thái Lan khi ấy đã trở thành "bài học thành công" với số ca nhiễm mới giảm còn 20.000 ca/năm (so với 140.000 trường hợp năm 1991) giữa lúc AIDS bùng phát ở châu Á. Bố là người Thái, mẹ người Scotland, Mechai sang Úc lấy bằng đại học kinh tế. Năm 1974, ông thành lập Hiệp hội Phát triển Cộng đồng và Dân số nhằm quảng bá kế hoạch hóa gia đình.
Nhà hàng “Bắp cải và Bao cao su” của ông nằm trong số chuỗi bảy nhà hàng tương tự ở Thái Lan. Cùng với bốn khu nghỉ mát, ông kiếm được mỗi năm 10 triệu USD để làm quỹ hoạt động cho hiệp hội của mình. Là Thượng nghị sĩ, ông đã từng chỉ trích thẳng thắn các thủ tướng lơ là trong việc phòng chống AIDS.
SƠN NGUYỄN (Theo Reuters, AFP)
▪ Các biện pháp phòng nhiễm HIV (06/05/2004)
▪ * Mục tiêu phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đến năm 2010 (12/07/2004)
▪ Bộ phim truyền hình đầu tiên của điện ảnh Campuchia về đề tài HIV (08/07/2004)
▪ Ánh sáng ở cuối đường hầm? (06/07/2004)
▪ Campuchia ngày càng nhiều phụ nữ đã kết hôn nhiễm HIV (03/06/2004)
▪ ILO: HIV/AIDS gây thiệt hại cho Nam Phi mỗi năm 7 tỷ USD (13/07/2004)
▪ Sẽ có 74 triệu người chết vì AIDS vào năm 2015 (11/07/2004)
▪ Mỹ thờ ơ với hội nghị quốc tế về AIDS (13/07/2004)
▪ Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống AIDS (11/07/2004)
▪ Châu Á có thể tiêu tốn đến 17,5 tỉ USD/năm vì AIDS (11/07/2004)