Mỹ thờ ơ với hội nghị quốc tế về AIDS
Các Website khác - 13/07/2004
Biểu tình đòi cấp thuốc cho bệnh nhân AIDS

Hội nghị quốc tế về đại dịch HIV/AIDS lần thứ 15 kéo dài trong 6 ngày vừa khai mạc hôm 11/7 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), với sự tham gia của gần 20 ngàn nhà khoa học, quan chức y tế, các nhà hoạt động xã hội... để tìm giải pháp cho căn bệnh thế kỷ đã cướp sinh mạng 20 triệu người và đang hành hạ 38 triệu người khác. Năm nay, đoàn Mỹ tham dự hội nghị với số đại biểu khiêm tốn chỉ 50 người, thấp hơn gần 5 lần so với Hội nghị lần thứ 14 tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha) năm 2002.


Theo Chủ tịch tổ chức AIDS quốc tế kiêm đồng chủ tịch hội nghị lần này thì đây là một biểu hiện khá lạ của một đại mạnh thường quân, vốn trong 5 năm qua đã đóng góp 15 tỉ USD cho chiến dịch phòng chống AIDS. Nguồn tin cũng cho biết, tại hội nghị năm 2002 tại Barcelona, cách chất vấn gay gắt của những nhà hoạt động xã hội đối với trưởng đoàn Mỹ là Bộ trưởng Y tế và dịch vụ con người T.Thompson cũng là một lý do khiến đoàn Mỹ không mặn mà lắm với hội nghị lần này. Điều này cũng có nghĩa là sẽ thiếu vắng khá nhiều các bài phát biểu của những nhà nghiên cứu đến từ Mỹ và đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này thì đây đúng là một bi kịch. Còn trong một bức thư do 5 đại biểu Quốc hội Mỹ gửi đến ban tổ chức thì họ muốn chương trình chống AIDS mang tên ABC (Abstinence: tình dục lành mạnh, Being Faithful: chung thủy, Condom Use: sử dụng bao cao su) của Mỹ sẽ là "cái đinh" của hội nghị. Tuy nhiên, Giám đốc của UNICEF C.Bellamy lại cho rằng khái niệm "ABC" của phái đoàn Mỹ là khá xa rời thực tế, nó không thích hợp để áp dụng cho phụ nữ nói chung.

Hội nghị lần này cũng bàn tới sự thiếu trầm trọng nhân viên y tế, những người được huấn luyện để tham dự chương trình chống AIDS toàn cầu và các con số đáng băn khoăn như: mỗi ngày có 8.000 người chết vì HIV/AIDS, trong số 40 triệu bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn cầu thì các nước phát triển chiếm 30 triệu. Ngoài ra, con số bác sĩ đến chữa trị tại các nước nghèo vẫn còn quá khiêm tốn.

U.Phi(AFP -BBC)