Điểm nóng Khám sản phụ tại BV Bạch Mai (Hà Nội).
Có bao nhiêu phụ nữ đang mang thai nhiễm HIV?
Phương Anh
Bộ Y tế đề ra mục tiêu 100% phụ nữ mang thai sẽ được xét nghiệm HIV miễn phí nhưng mục tiêu này đã không được thực hiện ngay ở những cơ sở sản phụ khoa lớn chứ chưa nói tới bệnh viện cấp tỉnh, huyện. Nhiều chuyên gia cho rằng số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được báo cáo có lẽ chỉ bằng 1/10 con số thực tế.
Mới phát hiện gần 800 trường hợp
Con số chính thức mà Bộ Y tế báo cáo thì trường hợp phụ nữ mang thai đầu tiên bị nhiễm HIV được phát hiện vào năm 1993, và đến nay đã có 260 phụ nữ mang thai đã nhiễm HIV/AIDS. Theo ý kiến của một số lãnh đạo các bệnh viện sản thì con số này chắc chắn còn quá ít so với thực tế. Đại diện Văn phòng AIDS ở TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 1993 đến nay tại hai bệnh viện (BV) sản lớn là BV Từ Dũ và BV Hùng Vương đã phát hiện hơn 500 phụ nữ đến khám thai bị nhiễm HIV. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2001 đã xác định gần 100 sản phụ nhiễm HIV. Tỉnh An Giang đã phát hiện 12 sản phụ mang HIV. Tại Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (HN) cũng đã có khoảng 50 sản phụ nhiễm HIV đến khám tại Viện trong 2 năm nay... Chỉ tính sơ qua ở hai thành phố lớn và một hai tỉnh trọng điểm, số phụ nữ đang mang thai nhiễm HIV đã lên tới gần 800 trường hợp. Vậy con số trên thực tế sẽ là bao nhiêu?
TS Nguyễn Đức Vy - Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (HN) - nhận định: Chưa có lý do gì để có thể tin rằng tỉ lệ phụ nữ mang thai dừng lại hoặc giảm đi mà ngược lại tỉ lệ này còn có thể gia tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện nay nước ta có khoảng 2 triệu phụ nữ có thai hàng năm và dự kiến sẽ tăng lên nhiều nữa vào những năm sắp tới. Làm thế nào xét nghiệm HIV cho 100% số phụ nữ đang mang thai? Bộ Y tế đã từng cam kết: Sẽ đảm bảo 100% số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV. Nhưng thực tế đã không đúng như vậy. Chỉ có những BV sản lớn ở thành phố và một số tỉnh trọng điểm được cung cấp các sinh phẩm và trang thiết bị để làm xét nghiệm. Còn nhiều tỉnh khác không được coi là trọng điểm thì đành phó mặc. Một thành phố trọng điểm như Hải Phòng cũng lúc có lúc không, đến tháng 7.2001 cũng vẫn chưa được nhận sinh phẩm của năm 2001. Khi được hỏi thì Bộ Y tế cho biết: Đang chờ đấu thầu...
Thách thức lớn
Tỉ lệ phụ nữ có thai nhiễm HIV gia tăng đang trở thành thách thức đối với ngành sản phụ khoa. Phần lớn những phụ nữ có thai đến với cơ sở y tế đều tiếp xúc với nhân viên y tế và kèm theo các thủ thuật như nạo phá thai, đỡ đẻ, mổ đẻ... trong đó có rất nhiều trường hợp cấp cứu. Điều này rất dễ dẫn đến một hậu quả không thể tránh được là sự phơi nhiễm cho cán bộ y tế cùng với các nguy cơ lây nhiễm chéo cho những sản phụ khác nếu không được phát hiện kịp thời. Người phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu không biết sẽ không thể tránh khỏi việc sinh ra những đứa con bị nhiễm HIV ngay khi cất tiếng khóc chào đời... Tất cả những nguy cơ trên đều có thể phòng ngừa có hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, những biện pháp hữu hiệu ấy lại đòi hỏi một chẩn đoán kịp thời bằng phương pháp xét nghiệm hiện đại. Đến đây lại đặt ra vấn đề kinh phí. Chúng ta mới chỉ đang có một chương trình hợp tác đầu tiên giữa Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc trong 5 năm 2001-2005 với dự án phòng chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con. Huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), TP.Hạ Long (Quảng Ninh), huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), quận 10 (TP.Hồ Chí Minh), TP.Long Xuyên (An Giang) sẽ tham gia dự án với mục tiêu tất cả phụ nữ có thai ở 5 quận, huyện đều được chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ an toàn và thử máu miễn phí. Phải chăng ngành y tế cứ đề ra mục tiêu rồi chờ những dự án hỗ trợ như thế mới thực hiện.
▪ Mại dâm ở Hà Nội đã nguy hiểm hơn (13/07/2001)
▪ Chuyện "động" mường (26/06/2001)
▪ Thế giới đang bị động trước HIV/AIDS (26/06/2001)
▪ Báo động lây nhiễm HIV ở Caribe (21/06/2001)
▪ Những con số gây choáng váng (08/06/2001)
▪ Thận trọng với que thử HIV bằng nước bọt (07/06/2001)
▪ Hai thập kỷ sống chung với AIDS (05/06/2001)
▪ Đi chợ "khó tin" (02/04/2001)