Còn nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 17/08/2016
So sánh với cùng kỳ năm 2015, số người nhiễm HIV mới được xét nghiệm trong năm 2016 giảm 89 trường hợp, số bệnh nhân AIDS tăng 822 trường hợp và số người tử vong do AIDS tăng 267 trường hợp.

Theo nhận định của Bộ Y tế, do 6 tháng đầu năm kinh phí hỗ trợ từ dự án cắt giảm mạnh, kinh phí từ chương trình mục tiêu chưa có, nên số người nhiễm mới HIV có thể giảm do không triển khai mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV.

 

Chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV - Ảnh: Thùy Chi

 

Cụ thể, những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong 6 tháng đầu năm là do kinh phí từ ngân sách trung ương chưa được cấp, nên các tỉnh không có dự án gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chủ yếu cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động. Vì vậy, các hoạt động các hoạt động can thiệp giảm hại, tư vấn xét nghiệm, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV không được triển khai tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc triển khai kiện toàn hệ thống phòng khám ngoại trú điều trị ARV triển khai chậm, đến nay vẫn còn 64% số phòng khám ngoại trú đang giai đoạn kiện toàn. Việc này làm ảnh hưởng đến tiến độ bảo đảm 100% phòng khám ngoại trú có thể thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân điều trị về ARV vào tháng 1/2017.

Việc chuyển giao các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các nhà tài trợ sang chính phủ gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực, trong khi đó cán bộ mới tiếp nhận chưa được tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, một số hoạt động tiếp cận cộng đồng định mức thấp, hoặc không có nguồn kinh phí để duy trì.

Khó khăn, thách thức nữa là cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn mới về định mức chi cho chương trình mục tiêu, trong khi quy định về định mức từ chương trình mục tiêu quốc gia hết hiệu lực. Do đó, một số tỉnh gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động, mặc dù đã được địa phương cấp kinh phí.

Để tháo gỡ khó khăn, thách thức, Bộ Y tế kiến nghị chính phủ tăng đầu tư ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS để bảo đảm thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định) đã cam kết với Liên Hợp Quốc vào năm 2020 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đề nghị cấp kinh phí ngân sách trung ương năm 2016 để sớm triển khai đấu thầu mua thuốc điều trị ARV, Methadone và phân bổ kinh phí cho các tỉnh triển khai thực hiện các chỉ tiêu được giao.

Đề nghị Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế mở rộng điều trị Methadone và ARV trong trại giam và cơ sở cai nghiện tự nguyện.

Đối với các tỉnh có các cơ sở chưa đủ điều kiện thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế cho khám, chữa bệnh của người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kiện toàn các phòng khám, điều trị ARV bảo đảm thanh toán bảo hiểm y tế vào đầu năm 2017.

Do ngân sách trung ương cấp hiện nay chỉ bảo đảm cung ứng thuốc điều trị ARV, Methadone và một phần nhỏ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong khi đó các kinh phí hỗ trợ từ các nhà tại trợ đã cắt giảm mạnh. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh bố trí kinh phí ngân sách địa phương nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu được giao.