Thanh Hóa: Dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn phức tạp
Báo Tiếng chuông - 10/08/2016
Nhìn chung, xu hướng người nhiễm HIV phát hiện mới trên toàn tỉnh Thanh Hóa có xu hướng giảm, tuy nhiên lũy tích số người nhiễm HIV còn sống tiếp tục gia tăng. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, do đó vẫn cần phải có nhiều giải pháp tích cực trong công tác phòng, chống.

Ông Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa đã có buổi trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông - Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về những kết quả và khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Lê Trường SơnThanh Hóa phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 11/1995, đến hết tháng 6/2016, lũy tích số người nhiễm HIV toàn tỉnh là 7.274 ca, trong đó 1.938 người đã tử vong do AIDS. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số người xét nghiệm phát hiện mới nhiễm HIV là  208 người, số người nhiễm HIV tử vong là 36 người. Tính đến cuối tháng 6/2016, toàn tỉnh phát hiện 4.201 trường hợp nhiễm HIV còn sống và quản lý được.

 

Thanh Hóa sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông tới các khu vực vùng sâu, vùng xa - Ảnh: Thùy Chi

 

So sánh với cùng kỳ năm 2015, số ca nhiễm HIV phát hiện của năm 2016 tăng 62% (208 trường hợp), số trường hợp tử vong được phát hiện tăng gấp hơn 2 lần là 36 trường hợp. Trong số người nhiễm HIV, phát hiện vẫn tập trung chủ yếu ở nam giới là 73%, ở nhóm tuổi lao động 20-39 tuổi (72%); lây nhiễm HIV qua đường máu (66%), chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy chiếm 65% và không có nghề nghiệp ổn định, thất nghiệp (76%). Số người nhiễm HIV phát hiện mới trong 6 tháng có xu hướng tăng vì Thanh Hoá là một trong những tỉnh đang thực hiện mục tiêu 90-90-90.

Nhìn chung, xu hướng người nhiễm HIV phát hiện mới trên toàn tỉnh có xu hướng giảm, tuy nhiên lũy tích số người nhiễm HIV còn sống tiếp tục gia tăng.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, về mặt chủ trương, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 31/5/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Tăng cường triển khai thực hiện chiến lược tiếp cận mục tiêu 90-90-90 phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, kết quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong 6 tháng đầu năm 2016 là khá khả quan.

Hoạt động xét nghiệm tìm ca nhiễm HIV mới được thực hiện khá tốt ở 20 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện và tất cả các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Hơn 15.000 lượt người có nguy cơ trong cộng đồng được tư vấn làm xét nghiệm HIV, góp phần chuyển gửi 208 người có kết quả HIV dương tính vào báo cáo giám sát ca bệnh.

Hoạt động điều trị ARV ghi nhận điều trị mới cho 175 người nhiễm HIV, nâng tổng số bệnh nhân toàn tỉnh là 3.144 người, đang điều trị tại 19 xã, thị trấn, 13 phòng khám ngoại trú, 12 phòng khám chuyên khoa của Bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Hiện tại ngành đang kiện toàn bảo hiểm y tế mang lại lợi ích thiết thực khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân điều trị ARV trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đang được duy trì triển khai tại 20 cơ sở điều trị và mở rộng lên 5 điểm cấp phát thuốc tuyến xã cho 2.624 bệnh nhân. Trong 6 tháng đầu năm điều trị mới cho 131 người nghiện chích ma túy, đặc biệt 87% trong tổng số 387 bệnh nhân điều trị Methadone có kết quả HIV (+) được chuyển tiếp điều trị ARV.

Các hoạt động truyền thông, can thiệp cũng được tăng cường trong 6 tháng đầu năm 2016 và chú trọng hơn ở Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

PV: Xin ông cho biết, hiện tỉnh đang gặp những khó khăn, hạn chế gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

Ông Lê Trường SơnBên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt quản lý, đó là sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền trong vận động chính sách ủng hộ công tác phòng, chống HIV/AIDS một số địa phương còn chưa quyết liệt và mạnh mẽ; Sự phối hợp liên ngành với ngành y tế ở một số đơn vị chưa thực sự hiệu quả, phối hợp mang tính chất hình thức chưa thiết thực.

Về mặt kinh phí, từ trước tới nay, tất cả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đều dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ, tài trợ từ các dự án quốc tế, dự án phi chính phủ và dự án vốn vay. Do đó, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi các dự án cắt giảm, nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động cũng bị cắt giảm trong khi nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khá thấp và nguồn kinh phí địa phương thì lại hạn chế.

Hiện nay, các bệnh nhân đang được cấp thuốc miễn phí, thời gian tới khi không còn nguồn viện trợ sẽ phải thực hiện xã hội hóa. Bệnh nhân sẽ phải bỏ tiền mua thuốc điều trị, việc này sẽ gặp khó khăn đối với những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, đa phần những người nhiễm HIV/AIDS là những người trong hoàn cảnh này.

Về mặt nhân lực, việc bảo đảm chất lượng số liệu là thách thức đối với công tác giám sát, theo dõi và đánh giá, đặc biệt các số liệu thu thập tại cộng đồng. Các hoạt động giám sát, theo dõi, đánh giá chủ yếu dựa vào các cán bộ kiêm nhiệm tại các tuyến. Tuy nhiên, hệ thống cán bộ công tác trong lĩnh vực HIV/AIDS các tuyến cơ sở thường thiếu và lực lượng mỏng. Cán bộ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thường là kiêm nhiệm làm rất nhiều công việc, hay thay đổi, trong khi nguồn kinh phí cho đào tạo mới và đào tạo lại là rất hạn chế. Chính vì vậy số liệu thu thập tại cộng đồng chất lượng cũng hạn chế.

Do kinh phí hạn chế, nên hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong cộng đồng dân cư chuyển từ truyền thông trực tiếp sang truyền thông gián tiếp, qua các phương tiện truyền thông công cộng. Tuy nhiên, Thanh Hóa là địa bàn phức tạp, địa hình vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đô thị, ven biển. Do đó, kiến thức về HIV còn hạn chế, đặc biệt đối với người dân tộc. Bên cạnh đó, sự “phức tạp” của các khu đô thị công nghiệp và du lịch khiến cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Việc tiếp cận, giới thiệu người nghiện chích ma túy, người có hành vi nguy cơ cao đi làm xét nghiệm HIV còn nhiều thách thức, trong khi số người có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn nhiều trong cộng đồng, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy chiếm hơn 60% trong tổng số ca nhiễm HIV phát hiện mới.

Ngoài ra, việc vận động người đã bị nhiễm HIV trong cộng đồng đi điều trị ARV khó khăn. Do tình trạng phân biệt, đối xử, kỳ thị với nhiễm HIV còn khá cao trong xã hội, nên những người nhiễm HIV/AIDS sợ công khai danh tính sẽ ảnh hưởng đến người thân, đến công việc, kinh tế, sinh hoạt hiện tại.

PV: Theo ông, cần phải có những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn, đặc biệt đối với những đối tượng thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa?

Ông Lê Trường SơnĐể giải quyết khó khăn, trong thời gian tới, cần phải tăng cường các giải pháp thực hiện để bảo đảm bền vững các kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, tăng cường sự vào cuộc của các cấp chính quyền về chủ trương, nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến đặc biệt nâng cao năng lực hàng năm cho đội ngũ cán bộ làm công tác này; tăng cường công tác truyền thông giảm kỳ thị trong cộng đồng, trong xã hội; vận động người nghiện ma túy đi làm xét nghiệm và vận động người nhiễm HIV đi điều trị thuốc kháng virus ARV.

Qua nhận định, dịch HIV/AIDS ở miền núi vẫn đang trong giai đoạn tập trung, các ca nhiễm HIV/AIDS chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy. Mặc dù, đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời. Xác định được điều ấy, ngành y tế tỉnh chú trọng các giải pháp tích cực, như: Truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ, giảm kỳ thị với người nhiễm, trao đổi bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy; tiếp thị bao cao su cho người có quan hệ tình dục với bạn tình có nguy cơ; tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; triển khai điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone ở các cơ sở điều trị; điều trị ARV…

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho cán bộ các tuyến thông qua các lớp tập huấn; phối hợp các dự án tăng cường hoạt động giám sát HIV/AIDS.

Đặc biệt, được chọn là 1 trong 5 tỉnh thực hiện thí điểm mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị ARV; 90% người điều trị ARV phải đạt hiệu quả) vào năm 2017 và tiến tới loại trừ HIV/AIDS, Thanh Hóa sẽ nỗ lực không ngừng để đạt được các mục tiêu đã cam kết, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!