Bác sĩ CKI Lang Thị Hợi - Bệnh viện nhi Nghệ An đang khám cho bệnh nhi |
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng gần 16,4 nghìn km2, nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Bắc miền Trung, có đường biên giới dài 435km giáp với CHDCND Lào nên Nghệ An được coi là điểm “nóng” thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển ma túy vào địa bàn và trung chuyển đến các địa phương khác. Hiện nay, Nghệ An là một trong 10 tỉnh, thành có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước.
Thực trạng.
Những năm qua, tình trạng người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Năm 1996, có 4 trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Nghệ An, đó là những người ở tỉnh khác đến đây hành nghề mại dâm và bán máu. Năm 1997, có 3 trường hợp người Nghệ An đầu tiên nhiễm HIV, thì đến hết tháng 12/2008 cả tỉnh có 6.206 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 4.528 trường hợp là người Nghệ An và 1.678 trường hợp (chiếm 27,03%) là người tỉnh khác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.731 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó có 1.581 trường hợp tử vong vì AIDS. 20/20 huyện, thị, thành phố, 346/476 xã, phường, thị trấn (chiếm 72,69%) có người nhiễm HIV/AIDS. Thành phố Vinh là địa bàn có người nhiễm HIV cao nhất tỉnh, tính đến 30/4/2009 có 1.660 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 955 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 597 trường hợp tử vong vì AIDS. Các huyện Tương Dương, TX Thái Hòa, Đô Lương, Diễn Châu, Con Cuông, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu là những huyện có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao của tỉnh.
Tỷ lệ nhiễm HIV cao tập trung ở nhóm từ 20 – 39 tuổi (chiếm 89,87%) và chủ yếu là nam (87,62%). Tính theo các nhóm nguy cơ thì người nhiễm HIV thuộc nhóm nghiện chích ma túy chiếm 80,08%; nhóm mại dâm, massage 1,7% và có 48 trẻ em bị nhiễm do mẹ truyền sang con.
NHS Nguyễn Thị Năm chăm sóc bệnh nhân HIV
Số người nhiễm HIV mới có nguy cơ tăng cao ở các vùng nông thôn do tình trạng sử dụng ma túy và lao động phổ thông đi làm theo thời vụ ở các địa phương khác mang bệnh về. Từ những người này, HIV lan sang những người không có hành vi nguy cơ nhiễm trực tiếp. Mặt khác, một số bộ phận thanh niên miền núi không có việc làm ổn định, lao động theo mùa vụ, kiến thức văn hóa thấp nên dễ bị lôi kéo sử dụng, tiêm chích ma túy và dễ có hành vi quan hệ tình dục không an toàn làm lây lan HIV ra cộng đồng.
Hiệu quả của dự án Quỹ toàn cầu HIV/AIDS.
Với mục tiêu hạn chế tốc độ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng, hàng năm Nghệ An đẩy mạnh triển khai hiệu quả một số dự án tài trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS như dự án Life - Gap, dự án Quỹ toàn cầu; World Bank - Dự án do ngân hàng thế giới tài trợ và Dự án sức khoẻ phụ nữ (FHI)… Có thể nói Dự án quỹ toàn cầu HIV/AIDS là một trong những dự án hoạt động tích cực và có hiệu quả, góp phần hạn chế nguy cơ lây lan HIV/AIDS trên địa bàn.
Thời gian qua, Ban quản lý dự án Quỹ toàn cầu đã nâng cao năng lực các cấp trong việc xây dựng mô hình toàn diện về chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS từ tỉnh đến huyện, xã. Triển khai có hiệu quả chương trình chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS; mua và cấp thuốc, tiến hành điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các địa bàn dự án triển khai.
5 tháng đầu năm 2009, số người luỹ tích điều trị nhiễm trùng cơ hội tại thành phố Vinh là 104 người, tại huyện Hưng Nguyên 18 người; điều trị ARV cho 130 bệnh nhân; tư vấn trước xét nghiệm gần 1.150 người, xét nghiệm HIV gần 1.100 người và tư vấn sau xét nghiệm gần 950 người. Chăm sóc hỗ trợ luỹ tích 1.285 người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Cung cấp thuốc và hướng dẫn điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS tại thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và thị xã Thái Hòa. Tiến hành điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng vi rút cho 140 bệnh nhân AIDS…
Tư vấn HIV/AIDS cho bà mẹ mang thai tại Trung tâm CSSK sinh sản
Điều đáng nói là dự án đã vận động đào tạo được nhiều người nghiện ma tuý, gái mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS trở thành những đồng đẳng viên, tuyên truyền viên tích cực bởi chính họ là “người trong cuộc” nên dễ cảm thông, sẻ chia và dễ tiếp cận, gần gũi hơn với người có HIV/AIDS. Đồng thời, tổ chức hoạt động của ban chỉ đạo, nhóm điều trị cộng đồng với sự tham gia của cán bộ y tế cơ sở, các tổ chức đoàn thể, tình nguyện viên… định kỳ thăm khám, điều trị và tư vấn người nhiễm HIV/AIDS và tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động tại cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Định – Phó giám đốc Ban quản lý dự án quỹ toàn cầu HIV/AIDS cho biết: Hiệu quả của các dự án phòng chống HIV/AIDS được triển khai trong thời gian qua ở tỉnh ta là rất đáng ghi nhận, song có lẽ thành công và đạt hiệu quả bền vững nhất là công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. Đây là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến tình cảm và lý trí, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với căn bệnh HIV/AIDS, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tạo điều kiện thuận lợi để họ hòa nhập, làm việc và cống hiến, được tư vấn chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh khi ốm đau... Đồng thời, cũng cho họ biết được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, trong đó quan trọng nhất là việc phòng lây nhiễm cho những người xung quanh. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác như tiếp cận, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao đã góp phần ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng.
Hiện nay, Dự án Quỹ toàn cầu đảm bảo cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, dấu tên có chất lượng cho khách hàng có nguy cơ cao. Khách hàng có nhu cầu có thể đến tại: Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện - Trung tâm y tế TP Vinh, 178 Trần Phú (TP Vinh), Điện thoại: 0383.583533; Phòng khám ngoại trú TP Vinh: số 178 Trần Phú (TP Vinh), Điện thoại: 0388.602004; Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên, khối 13 – thị trấn Hưng Nguyên – Điện thoại: 0383.763097; Phòng khám ngoại trú huyện Hưng Nguyên, khối 13 – thị trấn Hưng Nguyên – Điện thoại: 0383.763097; Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm y tế huyện Đô Lương, 12 Đà Sơn – TT Đô Lương – Điện thoại: 0383.714821; Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại TTYT thị xã Thái Hòa, xóm Quang Tiến – TX Thái Hòa - Điện thoại: 0383.814111; Phòng khám ngoại trú TX Thái Hòa - Điện thoại: 0388.740044; Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con TX Thái Hòa – ĐT: 0388.740033; Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm y tế huyện Nghi Lộc, xóm 8 – Nghi Thịnh – Nghi Lộc – Điện thoại: 0383.615037; Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Nghệ An, khối Yên Hòa - phường Quán Bàu – TP Vinh – Điện thoại: 0383.515154;
▪ Đã có thể xét nghiệm HIV cho trẻ một tháng tuổi (22/07/2009)
▪ Nâng cao chất lượng của hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại VN (11/08/2009)
▪ Bắc Giang : Tập trung triển khai can thiệp giảm thiểu tác hại tại các xã trọng điểm (25/07/2009)
▪ Giải mã toàn bộ cấu trúc gien của virus HIV (07/08/2009)
▪ Tỷ lệ nhiễm HIV tăng trong nhóm 30-39 tuổi (30/07/2009)
▪ Tỷ lệ nữ giới được phát hiện nhiễm HIV có xu hướng tăng (30/07/2009)
▪ Bị kỳ thị, dễ tái nghiện (20/06/2009)
▪ Hơn 23.000 phụ nữ được tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện (18/06/2009)
▪ Vận động cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên: Khó nhất vẫn là xóa bỏ kỳ thị (26/05/2009)
▪ Có thể giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con (10/06/2009)