Gia đình là vòng tay ấm áp, bao dung, che chở và giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS
Các Website khác - 27/07/2004

 bà Nguyễn T Hoài Thu

            Thưa chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS qua 9 năm thực hiện có một số điểm cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay. Vậy trong kỳ họp này, Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS có được trình Quốc hội xem xét và sửa đổi?

            Nội dung Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS về cơ bản vẫn phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng do ra đời cách đây gần chục năm khi tình hình HIV/AIDS ở nước ta mới được phát hiện, còn bây giờ HIV/AIDS đã tăng cao và trở thành đại dịch. Đứng trước thực trạng đó, Pháp lệnh cũng cần phải sửa đổi một số điểm. Quá trình sửa đổi phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn xem cần phải sửa những gì, có điều gì trong Pháp lệnh đúng mà chúng ta chưa thực hiện được thì cần phải tiếp tục tổ chức triễn khai tiếp.

            Trong năm 2004, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc sửa đổi Pháp lệnh trên cơ sở tổng kết việc thi hành vừa qua để rút ra những gì chúng ta đã làm tốt, những gì làm chưa tốt, những gì thuộc về Pháp lệnh cần phải sửa.

            Vậy tại kỳ họp này, HIV/AIDS có được đưa ra trong Diễn đàn của Quốc hội không, thưa bà?

            Như chúng ta đã biết, vấn đề HIV/AIDS không phải là tệ nạn xã hội, mà là một bệnh lây truyền. cái khó nhất hiện nay là làm sao cho cộng đồng hiểu biết đúng với ý nghĩa nó là một đại dịch để huy động mọi người cùng tham gia.

            Trong Diễn đàn Quốc hội lần này tuy không đặt ra như một vấn đề nóng bỏng, bởi vì trong Diễn đàn của Quốc hội hiện nay còn nhiều lĩnh vực nóng bỏng khác mà tòan xã hội đang theo dõi. Bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế còn nhiều vấn đề xã hội như, vấn đề tăng giá một số mặt hàng thiết yếu: thuốc men, xăng dầu, vật tư... ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cho nên Quốc hội vẫn quan tâm đến vấn đề giá cả. nhưng không phải Quốc hội không chú ý, không đề cập đến mà vấn đề HIV/AIDS đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày tại kỳ họp. Trong đó các biện pháp được đề ra từ đầu năm vẫn còn tiếp tục được thực hiện cho đến cuối năm. Đây là kỳ họp tiếp tục thực hiện Nghị quyết đã đề ra ở kỳ họp trước.

            Hiện nay ở Việt nam có rất nhiều ý kiến về việc phát bơm kim tiêm và bao cao su cho người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

            Trong pháp luật của chúng ta lại không cho phép phân phát bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy và bao cao su cho hoạt động mại dâm. Nhưng bao cao su và bơm kim tiêm lại là biện pháp can thiệp giảm tác hại chủ yếu trong phòng, chống AIDS. Vậy trong khi cấm chưa triệt để thì chúng ta phải co biện pháp tình thể để ngăn chặng HIV/AIDS. Trong chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành đầu năm nay có cho phép sử dụng các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại. Đây là một chủ trương quan trọng mà tôi nghĩ các cấp, các ngành nên triển khai biện pháp này nhưng trước hết phải làm thông suốt về mặt tư tưởng. Theo Luật phòng chống ma túy thì cấm mọi người không được hút chích ma túy nhưng làm phòng, chống AIDS thì lại phát bơm kim tiêm. Như vậy, chúng ta phải hiểu là đi phát bơm kim tiêm để khuyến cáo người tiêm chích dùng riêng nhằm tránh lây truyền HIV/AIDS cho người khác chứ không có nghĩa là chúng ta khuyến khích. Còn bao cao su cũng vậy. Trong khi tệ nạn mại dâm vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu thì chúng ta nên phát bao cao su để phòng, chống AIDS. Ngoài ra, bao cao su còn rất nhiều tác dụng: thực hiện Kế hoạch hóa gia đình, ngăn chặn các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Tôi cho rằng việc này chúng ta nên làm, cần làm và phải làm mạnh mẽ hơn.

            Thưa bà,ngày 28/6 là Ngày gia đình Việt nam, xin bà cho biết Gia đình có vai trò như thế nào trong công tác phòng, chống AIDS?

            Gia đình có vai trò trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng trong phòng, chống HIV/AIDS. Chiến lược về gia đình đang được Chính phủ (cụ thể là Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt nam) biên soạn và đang tổ chức nhiều cuộc Hội thảo để lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị.

            Theo tôi trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, gia đình có vai trò hết sức quan trọng bởi gia đình là tổ ấm của tất cả mọi người, dù ai có đi đâu cũng phải trở về gia đình. Gia đình ở đaya là những người ruột thịt: cha mẹ, ông, bà, vợ, con, anh, em là những người có chung máu mủ, huyết thống...Lời khuyên răn của những người thân trong gia đình sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với thân nhân của mình mỗi khi có hành vi sa ngã vào các con đường ma túy, mại dâm.

            Gia đình còn là nơi chăm sóc, là vòng tay ấm áp bao dung che chở cho người nhiễm HIV/AIDS từ giai đoạn đầu đến cuối cuộc đời. Người nhiễm HIV/AIDS sẽ nhận được sự chăm sóc của gia đình trước khi nhận được sự giúp đỡ, cưu mang của xã hội. Nếu gia đình nào cũng làm tốt công việc này thì cộng đồng sẽ không phải chứng kiến những cảnh thương tâm như: trẻ nhiễm HIV/AIDS bị bỏ rơi, người nhiễm HIV/AIDS bị đẩy ra cộng đồng không có ai chăm sóc, nương tựa.          

            Xin chân thành cảm ơn bà!

Đặng Thanh(Thực hiện)