Hải Phòng tổ chức phòng, chống HIV/AIDS nhân ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Thùy Chi |
Hiện nay, nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho thuốc kháng virus HIV/AIDS bằng ARV đang bị cắt giảm và có thể dừng từ năm 2017. Theo các chương trình, dự án quốc tế hỗ trợ, mỗi người bệnh mất khoảng 100 - 150 USD/năm cho việc điều trị thuốc ARV. Đối với người bệnh tự mua ngoài thị trường thì chi phí khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Nếu chuyển sang điều trị ở phác đồ bậc 2, chi phí điều trị ngay trong các cơ sở y tế đã tăng 8 lần. Nếu không tuân thủ phác đồ điều trị bậc 2, người bệnh nguy cơ phải đối mặt với giai đoạn AIDS, giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV. Do vậy, việc cắt giảm nguồn lực của các tổ chức quốc tế đang khiến việc điều trị ARV cho người bệnh HIV/AIDS gặp khó khăn, vì việc điều trị này phải thường xuyên, liên tục.
Chị P.T.H, Hải Phòng cho biết, chị điều trị thuốc ARV từ nhiều năm nay, sức khỏe và cuộc sống của chị được cải thiện nhiều nhờ điều trị tốt. Một số những người nhiễm HIV mà chị quen biết cũng đã ổn định tinh thần, sức khỏe và sống như những người bình thường, khỏe mạnh khác. Tuy nhiên, nhiều người đang lo lắng, không biết liệu làm thế nào khi thời gian tới bị cắt giảm viện trợ. Nếu muốn tiếp tục điều trị thì phải mua bảo hiểm y tế, trong khi đa số người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn. Một số người nhiễm HIV/AIDS cho rằng mua bảo hiểm y tế là quá sức với họ. Như vậy, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có khả năng chi trả cho những xét nghiệm chẩn đoán cơ bản trong điều trị…
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS được tham gia điều trị ARV, chính phủ đã có văn bản chỉ đạo phải thực hiện các giải pháp để 100% số người nhiễm HIV/AIDS được tham gia bảo hiểm y tế. Hiện Sở Y tế Hải Phòng đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố nỗ lực triển khai, vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế và tìm ra những giải pháp để giải quyết khó khăn trong công tác này để tránh tình trạng kháng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS.
Nguồn kinh phí hỗ trợ cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế có thể được trích các nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, từ quỹ kết dư của bảo hiểm y tế các địa phương, Quỹ phòng, chống AIDS địa phương để mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng này.
Giải pháp lâu dài hơn để hỗ trợ người bệnh HIV/AIDS điều trị bền vững là tăng cường huy động nguồn lực xã hội hoá, bù lấp khoảng trống nguồn kinh phí do các tổ chức quốc tế rút viện trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, củng cố hệ thống tổ chức dịch vụ điều trị HIV/AIDS như thành lập cơ sở điều trị ARV đặt tại các bệnh viện để quản lý và điều trị ngoại trú cho người bệnh AIDS; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình thích hợp để giúp cho người nhiễm HIV sử dụng bảo hiểm y tế.
▪ Phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đang thiếu kinh phí (17/08/2016)
▪ Còn nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS (17/08/2016)
▪ Lây nhiễm HIV tập trung trong nhóm người dễ bị tổn thương (16/08/2016)
▪ Úc tài trợ 2,5 triệu AUD nâng cao vị thế cho phụ nữ Việt Nam (15/08/2016)
▪ Quảng Bình: Khuyến khích xét nghiệm HIV tiền hôn nhân (13/08/2016)
▪ Khánh thành trung tâm lọc máu kỹ thuật cao (12/08/2016)
▪ Kiểm soát phản ứng phụ trong điều trị HIV (12/08/2016)
▪ Kênh điều trị nghiện ma túy hiệu quả tại Lạng Sơn (11/08/2016)
▪ Điều chỉnh dự án kết nối cộng đồng phòng chống HIV/AIDS (11/08/2016)
▪ Thanh Hóa: Dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn phức tạp (10/08/2016)