Phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đang thiếu kinh phí
Báo Tiếng chuông - 17/08/2016
Ngày 15/8, thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp nghe Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế báo cáo về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm 2016, kế hoạch công tác năm 2017 và giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là các nội dung liên quan về kinh phí ngân sách thực hiện.
Ảnh minh họa

 

Theo báo cáo của 3 Bộ: Lao động-Thương binh và xã hội, Y tế, Công an , 6 tháng đầu năm 2016, tội phạm ma túy ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới Tây bắc và miền Trung các lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy vào nội địa với số lượng lớn, đáng chú ý là tình trạng vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam đang gia tăng nhanh (gấp 4,6 lần so với năm 2015). Trên các tuyến này, đã phát hiện, bắt giữ 1.805 vụ (chiếm 18,2% cả nước) với 2.497 đối tượng, vận chuyển 49,7 kg heerroin (chiếm 22%).

Trên tuyến hàng không quốc tế và đường biển, tình trạng các đối tượng lợi dụng việc du lịch thăm thân để vận chuyển ma túy vẫn phức tạp, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 2 tấn “lá Khát”, một loại cây chứa chất ma túy có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần được vận chuyển từ Ethiopia về Việt Nam qua đường bưu điện. Tình trạng lợi dụng các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ để mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp ở các thành phố lớn tiếp tục diễn ra phức tạp, điển hình như vụ bắt giữ 3,3 kg ma túy tổng hợp tại nhà nghỉ “Thanh Thanh” ở thành phố Bắc Ninh, vụ bắt giữ 2,5kg ma túy tổng hợp tại quán karaoke Gold ở Tp. Hồ Chí Minh ...

Cũng theo thống kê, rà soát của Bộ Công an cả nước hiện có 202.604 người nghiện, tăng 2.470 người so với cuối năm 2015 (200.134 người). Người nghiện ma túy đã xuất hiện ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi.

Tình hình mại dâm và tội phạm có liên quan đến mại dâm vẫn diễn biến phức tạp. Xuất hiện và gia tăng các hình thức hoạt động mại dâm mới như: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, điện thoại di động, các trang mạng xã hội...

6 tháng đầu năm 2016 cả nước cũng đã phát hiện mới 3.694 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 2.366 người, số tử vong 862 người. Trong số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV, nam chiếm 69,8%, nữ chiếm 30,2%, lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, lây nhiễm qua đường máu 34%, mẹ truyền sang con 2%, còn lại không rõ. So với cùng kỳ năm 2015, số người nhiễm HIV mới trong năm 2016 giảm, nhưng tốc độ chậm hơn so với trước đây.

Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm 2016 là đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán ma túy lớn, làm giảm các “điểm nóng” về ma túy, kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện. Công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Công tác phòng, chống mại dâm được tăng cường, tập trung vào nhiệm vụ kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm (các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 8.577 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 3.068 cơ sở vi phạm, tăng 1.068 lượt cơ sở và 365 cơ sở vi phạm so với cùng kỳ năm 2015). Tiếp tục xây dựng và duy trì 428 mô hình hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm hoàn lương, số người được hưởng lợi từ mô hình là 2.066 lượt người và 10.286 lượt người có nguy cơ cao. Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có bước đột phá khi tích hợp được việc thanh toán tập trung thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm Y tế, thanh toán điều trị ARV cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, hướng dẫn triển khai tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS tại cộng đồng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của cả 3 Bộ Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an là thiếu nguồn kinh phí hoạt động, do tình hình cắt giảm tài chính chung của quốc gia, các hoạt động liên quan đến lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm giai đoạn 2016-2020 sẽ bị cắt giảm từ 30-50% so với giai đoạn trước, đặc biệt là năm 2016 đến nay cũng chưa bố trí được nguồn kinh phí ngân sách cho các hoạt động này. Một số điểm mâu thuẫn giữa Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm cũng khiến cho công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác quản lý người bán dâm, công tác tổ chức cai nghiện cho người nghiện từ 12-18 tuổi và người sau cai nghiện.

Ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan Y tế, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm 2016, chia sẻ với những khó khăn mà các cơ quan đang gặp phải, đặc biệt lưu ý là lĩnh vực kinh phí bố trí cho các hoạt động. 

Ông Đặng Thuần Phong đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ sớm bố trí ngân sách cho các cơ quan, đồng thời xem xét các nguồn lực để tăng cường cho công tác này giai đoạn 2016-2020. Đề nghị các Bộ: Công an, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi một số nội dung trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho phù hợp với Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật phòng, chống mại dâm trình Chính phủ, trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 và 2019 để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn hiện nay.