Không cắt bao quy đầu dễ bị nhiễm AIDS hơn?
Các Website khác - 25/03/2004
 Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Trường Y tế ĐH Johns Hopkins (Baltimore, Mỹ) đối với 2.300 nam giới Ấn Độ, nguy cơ nhiễm HIV ở nam giới không cắt bao quy đầu so với những người cắt bao quy đầu cao gấp 8 lần. Nguyên nhân là do mặt trong bao quy đầu không có lớp bảo vệ như mặt ngoài, khiến cho bộ phận nhạy cảm này của cơ thể dễ bị tổn thương, nhất là trước căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Tiến sĩ Steven Reynolds, công tác tại Khoa Bệnh truyền nhiễm của ĐH Johns Hopkins, tuyên bố: "Điều quan trọng là chúng tôi đã góp phần tìm ra cách hạn chế sự lây lan của AIDS, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Tại các nước này, HIV/AIDS đang gia tăng với tốc độ chóng mặt".

Ngoài AIDS, ĐH Johns Hopkins còn nghiên cứu nguy cơ của các loại bệnh khác lây lan qua đường tình dục đối với nam giới cắt và không cắt bao quy đầu. Các bệnh như giang mai, lậu và mụn rộp đường sinh dục ở nam giới không cắt bao quy đầu có cao hơn, nhưng không đáng kể. 

Cuộc nghiên cứu là một phần của chương trình điều tra về những nhân tố nguy hiểm gây lây nhiễm HIV ở nam giới điều trị tại Pune (Ấn Độ), từ năm 1993 đến năm 2000. Đối với cả 2 nhóm, yếu tố nhân khẩu học, hành vi tình dục nguy hiểm (kể cả quan hệ tình dục với gái mại dâm) và sử dụng bao cao su là như nhau.

Vì lý do tôn giáo và văn hóa, cắt bao quy đầu, lớp da bao phủ phần đầu của dương vật, là hiện tượng khá phổ biến ở Bắc Mỹ và một số nơi trên thế giới, giúp cho nam giới không bị nhiễm đường tiết niệu và ung thư dương vật. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 2/3 số em trai được cắt bao quy đầu, thường là chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh. Ở các nước khác, tỷ lệ này thay đổi theo yếu tố văn hoá và tôn giáo. Ở Ấn Độ, cắt bao quy đầu là một khái niệm hoàn toàn xa lạ.

Reynolds cho biết, nam giới không cắt bao quy đầu có thể áp dụng một số phương pháp để tự bảo vệ mình khỏi bị HIV, chẳng hạn như dùng bao cao su hoặc sau này, dùng thuốc chống vi trùng cục bộ để bôi vào bao quy đầu trước khi quan hệ tình dục. Ông nói: "Cần phải tiến hành thêm nhiều thử nghiệm nữa mới có thể khẳng định được liệu cắt bao quy đầu có phải là chiến lược phòng AIDS hay không. Hiện nay, đồng nghiệp của chúng tôi đang thực hiện một số thử nghiệm tại Uganda, Kenya và Nam Phi".

(Khánh Hà - Theo Thời báo Ấn Độ)