Nhà sư chữa AIDS
Các Website khác - 16/08/2004


một bệnh nhân AIDS ở Thái Lan

Sau khi tụng kinh buổi sáng, nhà sư Lào Phra Kornkan Chanthamaitry sửa sang lại trang phục để chuẩn bị lên lớp dự khoá huấn luyện cách đối phó với đại dịch HIV/AIDS. Cùng một nhóm các nhà sư khác, ông ngồi xếp chân bằng tròn trên nền một ngôi chùa ở miền bắc Thái Lan, chăm chú nghe giảng về căn bệnh khủng khiếp.

Có một số điều khá nghịch tai được nói ra trong lớp học bao gồm toàn các nhà sư này, như quan hệ tình dục phải dùng bao caosu, hay không dùng chung xilanh để chích ma tuý. Hàng trăm nhà sư từ Myanmar, Trung Quốc, Campuchia, Bhutan, Lào, Nepal, Sri Lanka và Việt Nam đã tham dự vào những khoá học đặc biệt như vậy, một phần trong những nỗ lực chung giúp chính phủ các nước Châu Á ngăn chặn đại dịch AIDS. Theo thống kê chính thức, khoảng 38 triệu người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bị nhiễm HIV. Nhà sư Kornkan cho hay, thách thức lớn nhất là vượt qua được thái độ ghẻ lạnh đã khiến hàng vạn gia đình từ chối người thân của mình, vì nghĩ rằng HIV có thể lây lan trong giao tiếp hàng ngày.

Từ năm 1990, Thái Lan được cộng đồng quốc tế hoan nghênh vì đã nhanh chóng có hành động ứng phó với dịch bệnh thông qua việc cổ suý sử dụng bao caosu và nâng cao nhận thức về HIV/AIDS. Kết quả mà họ thu được rất khả quan: Giảm mức nhiễm hàng năm từ 143 nghìn người năm 1991 xuống còn 19 nghìn người trong năm ngoái. Các nhà sư của Vương quốc Thái Lan quan niệm rằng thái độ bao dung và cởi mở của đạo Phật là công cụ tốt nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến dịch bệnh trong cộng đồng. "Người dân ở nông thôn không hiểu biết gì về HIV và không để ý đến những gì mà các thầy giáo, các nhà khoa học hoặc quan chức nói với họ" - Pongwat Ponyavaro nói. Trước khi xuống tóc quy y, nhà sư 29 tuổi này từng là chủ quán bar tại khu ăn chơi nổi tiếng trên bãi biển Pattaya.

Laurie Maund, một người Australia đã từng có thời gian tu hành và giảng dạy tại Đại học Phật giáo Mahamakut ở Chiang Mais, là một trong những người khởi xướng ra khoá huấn luyện này 8 năm trước đây. Theo bà thì làm sao để những người thân không thờ ơ đối với người nhiễm HIV có tác dụng tốt hơn là thu gom những người bị bệnh vào một nơi để điều trị. Các nhà sư được giảng dạy rất nhiều vấn đề về bệnh AIDS và đóng vai các thành viên gia đình, bạn bè và bản thân những người nhiễm HIV để làm sáng tỏ thái độ của cộng đồng đối với người nhiễm HIV. Họ còn đi thực địa để khảo cứu những dự án do LHQ và Chính phủ Australia đồng tài trợ để hiểu rõ tâm tư của người bệnh. Thế Hưng (Theo AFP)