Phóng viên Trang tin của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi trao đổi với BS Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM về những kết quả phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian gần đây và chia sẻ kinh nghiệm việc triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90 trên địa bàn TP.HCM.
BS Tiêu Thị Thu Vân - Ảnh: Thùy Chi |
PV: Xin bà cho biết tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM hiện nay?
BS Tiêu Thị Thu Vân: Kết quả giám sát trọng điểm năm 2015 cho thấy: tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm đối nghiện chích ma túy là 13% (năm 2011 là 39,33%), tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ mại dâm là 6,4% (năm 2011 là 4,67%) và tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới là 11,4% (năm 2011 là 14%).
Về địa bàn dịch HIV/AIDS, TP.HCM ghi nhận 100% quận, huyện (24/24), 100% phường, xã, thị trấn (322/322) báo cáo phát hiện người nhiễm HIV.
Về đường lây truyền HIV, qua giám sát phát hiện, giai đoạn 2011 - 2015, trung bình là 57,5% người nhiễm HIV bị lây qua đường tình dục và 41,3% bị lây nhiễm qua đường máu (tỷ lệ này là 24% và 59% trong giai đoạn 2006 - 2010). Như vậy, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu, cảnh báo xu hướng lây lan của dịch HIV trong cộng đồng dân cư có thể lấn át dần xu hướng tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, TP.HCM phát hiện 692 trường hợp nhiễm mới HIV, giảm 73 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015 (765 trường hợp); 71 trường hợp tử vong do AIDS, giảm 24 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015 (95 trường hợp).
Lũy tích đến cuối tháng 6/2016, có 42.623 người nhiễm HIV được quản lý, và 11.068 người đã tử vong do HIV/AIDS. Số người hiện nhiễm HIV còn sống là 31.555.
Như vậy, hiện nay, dịch HIV/AIDS tại TP.HCM tuy đã được khống chế, nhưng vẫn còn ở mức cao trong các nhóm đối tượng tiêm chích ma túy, mại dâm, và có xu hướng tăng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
PV: Thưa bà, hiện TP.HCM đang gặp những khó khăn gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?
BS Tiêu Thị Thu Vân: TP.HCM hiện đang gặp khó khăn về việc, hệ thống điều trị tại các phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện đã quá tải nên khó tăng thu dung bệnh nhân có nhu cầu điều trị, trong khi dự báo nhu cầu này vẫn cao. Số lượng bệnh nhân điều trị ARV khá lớn, nhưng theo khảo sát sơ bộ, số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế gần 60%, vì vậy để triển khai điều trị ARV qua bảo hiểm y tế là một thách thức lớn khi cần phải đồng thời bảo đảm bệnh nhân được điều trị liên tục.
Đối với việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của bệnh nhân nên khó chủ động bảo đảm chỉ tiêu điều trị 8.000 bệnh nhân do Thủ tướng Chính phủ giao. Theo rà soát hiện nay, số lượng bệnh nhân có nhu cầu điều trị đến đăng ký khá thấp.
Trong khi đó, việc bệnh nhân điều trị ARV và Methadone phải đóng góp một phần chi phí điều trị, khi phần lớn những bệnh nhân này thuộc diện khó khăn, hạn chế khả năng chi trả cho các dịch vụ, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị và tuân thủ điều trị liên tục, khó khống chế tình trạng kháng thuốc.
Trong khi nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang giảm mạnh, nguồn huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện cũng gặp khó khăn, hạn chế do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và do tình hình kinh tế khó khăn.
PV: Là 1 trong 5 tỉnh, thành phố được lựa chọn thực hiện thí điểm mục tiêu 90-90-90, xin bà cho biết thành phố đã triển khai thực hiện thí điểm như thế nào?
BS Tiêu Thị Thu Vân: Đối với mục tiêu thứ nhất, 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ, thành phố thực hiện đẩy mạnh truyền thông trên đối với các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung vào nhóm học sinh, sinh viên, nhóm MSM và lao động nhập cư; Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin (mạng xã hội, dịch vụ trên internet, web…) vào truyền thông thay đổi hành vi và quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức, dự án, tổ chức dựa vào cộng đồng, mạng lưới, tổ chức thiện nguyện để tổ chức các sự kiện truyền thông cho các nhóm nguy cơ cao, người dân trong cộng đồng. Đồng thời, phối hợp truyền thông với tiếp cận cộng đồng để tăng số lượng người được xét nghiệm HIV; truyền thông để đối tượng có hành vi nguy cơ cao sử dụng các phương tiện giảm hại để tránh lây nhiễm HIV, như tham gia chương trình điều trị Methadone, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn.
Thành phố cũng duy trì và mở rộng hệ thống xét nghiệm HIV qua thí điểm thực hiện mô hình xét nghiệm không chuyên dựa vào cộng đồng (Lay testing, self-testing), đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm do cán bộ y tế đề xuất (PITC) tại các cơ sở y tế công, tư …
Ước tính 6 tháng đầu năm 2016, chương trình đã tiếp cận được 26.000 người, trong đó có 10.000 người nghiện chích ma túy, 6.000 phụ nữ mại dâm, tiếp viên tại các nhà hàng, dịch vụ nhạy cảm, 10.000 nam có quan hệ tình dục đồng giới.
Thành phố cũng đã triển khai được 19 cơ sở điều trị Methadone, điều trị cho 4.170 bệnh nhân; tư vấn xét nghiệm HIV cho 224.991 lượt khách hàng, trong đó thí điểm xét nghiệm không chuyên dựa vào cộng đồng (Lay testing) đã tư vấn xét nghiệm cho 3.489 người (tập trung trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới), phát hiện 247 ca dương tính với HIV và đã chuyển gửi 241 ca đến các Phòng khám ngoại trú để điều trị ARV.
Với mục tiêu thứ hai, 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục, thành phố bảo đảm điều trị liên tục cho bệnh nhân đang điều trị ARV qua việc duy trì và phát triển mạng lưới điều trị hiện có; Đẩy mạnh triển khai cho người nhiễm sử dụng bảo hiểm y tế trong dịch vụ khám và điều trị HIV/AIDS; Mở rộng hệ thống phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS tại các bệnh viện quận huyện, bệnh viện đa khoa, các phòng khám tư nhân. Đồng thời, lập kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho các phòng khám điều trị HIV của các tổ chức thiện nguyện, các cơ sở y tế tư nhân để bảo đảm bệnh nhân được điều trị liên tục và hiệu quả.
Kết quả thực hiện mục tiêu này cho thấy, thành phố đã điều trị cho 28.683 bệnh nhân HIV/AIDS. Theo khảo sát sơ bộ, 59% bệnh nhân đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Ở mục tiêu thứ ba, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định (dưới 1,000 bản sao/ml), thành phố tập trung nâng cao chất lượng điều trị qua mạng lưới hội chẩn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý tuân thủ điều trị của bệnh nhân (nhắc nhở bệnh nhân nhận thuốc liên tục) và hạn chế tình trạng bỏ trị, mất dấu bằng ứng dụng công nghệ thông tin như bệnh án điện tử, tin nhắn... Bên cạnh đó, tìm nguồn lực để thực hiện đo tải lượng virus thường qui cho bệnh nhân (tài trợ, bảo hiểm y tế, kinh phí chương trình…).
Hiện nay, thành phố đã thực hiện việc xét nghiệm đo tải lượng virus định kỳ; tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến, chuyển phác đồ; hỗ trợ tuân thủ điều trị cho bệnh nhân thông qua tin nhắn; xây dựng và triển khai bệnh án điện tử…
PV: Theo bà, trong thời gian tới thành phố cần phải làm gì để thực hiện tốt việc triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90 trên địa bàn?
BS Tiêu Thị Thu Vân: Để thực hiện tốt việc thí điểm, hướng tới đạt được các mục tiêu 90-90-90 đã cam kết, theo tôi, TP.HCM cần được hỗ trợ về tư vấn xét nghiệm HIV, có chính sách xem xét việc xét nghiệm HIV như xét nghiệm thường quy để đẩy mạnh việc xét nghiệm HIV tại các bệnh viện; tạo điều kiện để thực hiện mở rộng xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm khẳng định.
Về chăm sóc điều trị: Cần bảo đảm nguồn thuốc ARV cho bệnh nhân đang điều trị, đẩy nhanh việc hỗ trợ điều trị ARV qua bảo hiểm y tế để các bệnh viện có thể thực hiện điều trị. Đồng thời, có chính sách để người dân có khả năng trả phí mua thuốc ARV (thị trường thuốc cho người tự mua, chủng loại thuốc…).
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài ra, thành phố cũng cần ban hành các quy định, hướng dẫn đưa HIV/AIDS vào hệ thống điều trị như các bệnh khác, giảm dần việc xem đây là bệnh đặc thù mà là bệnh mạn tính có thể kiểm soát được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
▪ Bệnh nhân AIDS có nguy cơ rất cao bị tử vong do các ung thư không liên quan đến AIDS (29/07/2016)
▪ Thực trạng đồng nhiễm HIV và HBV, HCV (29/07/2016)
▪ Mỹ hỗ trợ Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS bền vững (28/07/2016)
▪ Sơn La: Thách thức lớn trong việc hoàn thành mục tiêu 90-90-90 (27/07/2016)
▪ Vĩnh Long: Gần 1.760 được tiếp cận Dự án VAAC-US.CDC (27/07/2016)
▪ Sơn La: Thay đổi hành vi tại các thôn bản khu vực biên giới nguy cơ cao (26/07/2016)
▪ “Bạo lực ảo” đang làm hại trẻ em (26/07/2016)
▪ Nếu chủ quan sẽ không có giải pháp phòng, chống HIV/AIDS (26/07/2016)
▪ Long An: Chú trọng điều trị sớm bằng ARV cho người nhiễm HIV (26/07/2016)
▪ Nhức nhối 'con ết' vùng biên (25/07/2016)