Số liệu thống kê cho thấy, hiện tỷ lệ đồng nhiễm HIV và viêm gan B là 14,2% và đồng nhiễm HIV và viêm gan C là 39,6%; 74% người nghiện chích ma túy nhiễm virus viêm gan C, trong đó đồng nhiễm HIV/viêm gan C là 98%. Đồng nhiễm viêm gan B và viêm gan C ở người nhiễm HIV làm tiến triển bệnh gan nặng hơn dễ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.
Chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV - Ảnh minh họa |
Trong khi đó, virus HIV là nguyên nhân đẩy nhanh diễn biến tự nhiên của quá trình nhiễm virus viêm gan C nên người đồng nhiễm tiến triển nhanh hơn tới xơ gan, ung thư gan và bệnh gan giai đoạn cuối, so với người nhiễm virus viêm gan C đơn thuần. Virus viêm gan C còn làm tăng độc tính của các thuốc kháng HIV cho gan và giảm đáp ứng với điều trị ARV.
PGS.TS. Bùi Đức Dương cho hay, trong thời gian qua, Chương trình Phòng chống HIV/AIDS đã tiến hành các can thiệp giảm hại bao gồm như tư vấn thay đổi hành vi dự phòng nhiễm HIV trong quần thể có hành vi nguy cơ cao, trao đổi bơm kim cho người nghiện chích ma túy, phân phát bao cao su dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và điều trị ARV đối với những trường hợp nhiễm HIV. Các can thiệp này đã góp phần giảm tác động về y tế và xã hội do nhiễm HIV và virus viêm gan B, virus viêm C gây ra. Song độ bao phủ của các hoạt động can thiệp còn rất hạn chế và chưa bao quát tổng hợp toàn diện giữa dự phòng lây nhiễm HIV và dự phòng viêm gan do virus B và C.
Trong khi đó, nhờ tiến bộ của y học, bệnh viêm gan do virus hoàn toàn có thể phòng và chữa khỏi được; vaccine phòng virus viêm gan B và thuốc điều trị viêm gan B mạn tính rất hiệu quả và trên 90% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C khỏi bệnh khi được điều trị thuốc trong thời gian 12 tuần. Tuy nhiên, hiện nay mới khoảng 5% người biết tình trạng nhiễm virus viêm gan của mình và dưới 1% số bệnh nhân được tiếp cận với thuốc điều trị do giá thành thuốc điều trị viêm gan C tương đối cao.
Bên cạnh đó, tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị tại tuyến y tế cơ sở về HIV, viêm gan còn rất hạn chế. Kỳ thị và phân biệt đối với người nghiện chích ma túy, phụ nữ làm nghề bán dâm, nam tình dục đồng giới và tù nhân là rào cản tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Nhằm tiến tới loại trừ viêm gan do virus và nhiễm HIV vào năm 2030, Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới đã nghị quyết WHA.67.6 triển khai đồng bộ sàng lọc, chẩn đoán và điều trị giảm lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C và thực hiện các gói can thiệp thiết yếu để chẩn đoán, điều trị HIV và viêm gan cho người nghiện chích ma túy.
Đồng thời, học tập kinh nghiệm thành công của ngành y tế trong triển khai các chương trình y tế như chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình phòng chống lao, phòng chống sốt rét... hoạt động phòng, chống đồng nhiễm viêm gan và HIV cần lồng ghép vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện và đồng bộ, lấy người bệnh làm trung tâm, cung cấp dịch vụ y tế gần người bệnh.
PGS.TS. Bùi Đức Dương cho biết, 5 lĩnh vực hoạt động chính phòng và chống HIV/AIDS đồng nhiễm viêm gan virus B và C là: Sử dụng vaccine phòng virus viêm gan B rộng rãi cho trẻ em và bà mẹ mang thai; Phòng lây truyền HIV, HBV từ mẹ sang con; An toàn trong thực hiện thủ thuật, phẫu thuật, an toàn lọc máu, truyền máu, an toàn tiêm truyền thông qua dự phòng phổ cập; Cung cấp gói dịch vụ can thiệp giảm hại tổng hợp và toàn diện cho người nghiện chích ma túy để dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV và viêm gan; Điều trị ARV ngay cho người nhiễm HIV có viêm gan virus B mạn tính, đồng thời từng bước tiếp cận với thuốc mới có tác động trực tiếp đối với nhiễm virus viêm gan C.
Theo đó, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố; các trung tâm y tế quận, huyện thị trấn chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai các hoạt động giám sát, tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn về phòng, chống bệnh viêm gan virus, lồng ghép các hoạt động truyền thông, khám sàng lọc phòng chống viêm gan virus vào các hoạt động phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.
Đồng thời, tổ chức kết hợp tư vấn, khám sàng lọc viêm gan virus với khám sàng lọc HIV/AIDS cho các đối tượng nguy cơ cao; quản lý các đối tượng đồng nhiễm HIV/AIDS và viêm gan virus, cung cấp thông tin cho trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tổng hợp.
Trạm y tế xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV và nhiễm viêm gan virus, thực hiện tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, tiêm vaccine viêm gan B cho phụ nữ mang thai và đối tượng nguy cơ nhiễm HIV.
▪ Mỹ hỗ trợ Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS bền vững (28/07/2016)
▪ Sơn La: Thách thức lớn trong việc hoàn thành mục tiêu 90-90-90 (27/07/2016)
▪ Vĩnh Long: Gần 1.760 được tiếp cận Dự án VAAC-US.CDC (27/07/2016)
▪ Sơn La: Thay đổi hành vi tại các thôn bản khu vực biên giới nguy cơ cao (26/07/2016)
▪ “Bạo lực ảo” đang làm hại trẻ em (26/07/2016)
▪ Nếu chủ quan sẽ không có giải pháp phòng, chống HIV/AIDS (26/07/2016)
▪ Long An: Chú trọng điều trị sớm bằng ARV cho người nhiễm HIV (26/07/2016)
▪ Nhức nhối 'con ết' vùng biên (25/07/2016)
▪ LHQ kêu gọi “một kỷ nguyên mới” trong cuộc chiến chống HIV/AIDS (21/07/2016)
▪ Hậu Giang: Gần 3 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS (20/07/2016)