Phối hợp phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam-Trung Quốc: 5 năm nhìn lại
Báo Tiếng chuông - 27/04/2016
Ngày 26/4/2016, tại Thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc đã tiến hành tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015.

Thành phần tham dự phía Việt Nam có Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an Việt Nam làm Trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp , Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Cảnh sát hình sự, Cục Tham mưu cảnh sát, Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, Lãnh đạo Công an 2 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Tây Ninh.

Thành phần tham dự phía Trung Quốc có ông Ôn Đạo Quân - Phó Cục trưởng Cục Hình sự trinh sát, Bộ Công an Trung Quốc làm Trưởng đoàn cùng đại diện các cục, vụ, ban của Bộ Công an Trung Quốc, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ, Viện Kiểm sát, Tòa án Tối cao Trung Quốc, đại diện Công an các tỉnh, thành phố của Trung Quốc có biên giới giáp với Việt Nam: Hà Nam, Bắc Kinh , Cát Lâm, Quảng Tây, Vân Nam, Sơn Đông.

 

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015. Ảnh Dũng Phạm

 

Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người (hiện nay là mua bán người) được đại diện Bộ Công an Việt nam và Bộ Công an Trung Quốc thay mặt Chính phủ 2 nước kí kết ngày 15/9/2010 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nội dung của Hiệp định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  tại Quyết định số 2200/QĐ-TTg và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện.

Kết quả sau 5 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam và Trung Quốc đã thành lập Nhóm công tác liên ngành giữa 2 nước, thiết lập đường dây nóng giữa 2 nước để kịp thời thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa 2 nước. Hàng năm đều tổ chức Hội nghị thường niên giữa hai nước để đánh giá kết quả phối hợp và xây dựng kế hoạch hợp tác cho từng năm. Định kỳ tổ chức đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người giữa 2 nước.

Các Bộ, ngành chức năng và địa phương của Việt Nam, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc đã chỉ đạo triển khai thực hiện  Hiệp định lồng ghép với Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người gắn với chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Điển hình là 7 tỉnh biên giới đã ký kết và triển khai Biên bản thỏa thuận nguyên tắc về quản lý lao động phổ thông giữa các tỉnh biên giới Việt Nam và Trung Quốc nhằm phòng, chống mua bán người; Ủy ban công tác liên hợp các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã ký kết, triển khai biên bản ghi nhớ chung về phòng, chống mua bán người; Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với công an tỉnh Quảng Tây triển khai quy chế hợp tác đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, ký bổ sung cơ chế hợp tác liên lạc cấp tỉnh…

Công tác phối hợp đấu tranh chống tội phạm mua bán người được lực lượng Công an, biên phòng các cấp đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị chức năng của Trung Quốc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trao đổi thông tin.

Qua đó xác định 29 tuyến trọng điểm, quản lý nghiệp vụ gần 4.000 đối tượng, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán bar có biểu hiện mua bán người, chứa chấp lao động trái phép. Rà soát, thống kê trên 100 nghìn lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm lao động thời vụ. Lực lượng Công an, Biên phòng các cấp đã điều tra, khám phá 1.362 vụ, bắt 2.185 đối tượng, riêng 5 đợt phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người hàng năm đã điều tra, khám phá 463 vụ, bắt 645 đối tượng.

Công tác xác minh, tiếp nhận và giải cứu nạn nhân trong 5 năm đã được Việt Nam và Trung Quốc phối hợp, tổ chức xác minh, giải cứu được hàng nghìn nạn nhân, trong đó, Bộ Ngoại giao tiếp nhận và hồi hương 340 nạn nhân, Biên phòng tiếp nhận 181 nạn nhân, Quảng Ninh tiếp nhận 246 nạn nhân, Hà Giang tiếp nhận 117 nạn nhân, Lạng Sơn tiếp nhận 66 nạn nhân …

Về tình trạng tội phạm mua bán người giữa hai nước, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Hiệp định của Tổng cục Cảnh sát Việt Nam, giai đoạn 2011-2015 trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã phát hiện xảy ra 1.543 vụ (chiếm 70% tổng số vụ so với toàn quốc) với 2.340 đối tượng, lừa bán 3.146 nạn nhân, địa phương phát hiện xảy ra nhiều vụ việc là Lào Cai 392, Hà Giang 135 vụ, Lai Châu 78 vụ, Lạng Sơn 54 vụ.

Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn, tập trung vào tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp của người dân hoặc lợi dụng các trạng mạng xã hội, điện thoại di động để lừa bán các nạn nhân từ Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó trên 85% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.

Đặc biệt là các đối tượng là người Việt Nam cấu kết với đối tượng người Trung Quốc hình thành các đường dây mua bán người  (phụ nữ, trẻ em) tập trung tại các tỉnh miền Tây Việt Nam, chủ yếu là bán sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp, cụ thể: công an Việt Nam đã phá 29 chuyên án mua bán người sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp, bắt 185 đối tượng, giải cứu 264 phụ nữ.

Những năm gần đây, lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, một số đối tượng Việt Nam cấu kết với các đối tượng Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm đột nhập vào nhà dân, người đi đường, đi làm nương để chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em bán sang Trung Quốc.

Từ năm 2001 đến nay, riêng địa bàn tỉnh Hà Giang phát hiện 80 vụ, chiếm đoặt, bắt cóc 100 nạn nhân. Tình trạng mua bán nam giới, mua ban trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội thay đổi từ hình thức bắt cóc, cưỡng đoạt sang hình thức kết hôn trá hình nhằm hợp pháp hóa việc mua bán người sang Trung Quốc, có 1 số đối tượng Trung Quốc sang VN lừa đảo phụ nữ VN muốn  lấy chồng TQ có điều kiện, đồng thời đưa đàn ông chưa vợ của Trung Quốc sang Việt nam theo hình thức đi du lịch để tìm vợ, thực tế thì số đàn ông đó đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ VN sang Trung Quốc làm vợ thường bị bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động.

Nhìn chung, việc thực hiện Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người đã được Chính phủ hai nước tập trung chỉ đạo; tạo hành lang pháp lý cho cơ quan chức năng 2 nước đặc biệt là lực lượng Công an, Biên phòng và các địa phương biên giới giữa 2 nước phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin, kịp thời điều tra, khám phá, bắt giữ, chuyển giao tội phạm và giải cứu nạn nhân bị mua bán được thuận tiện hơn.

Các Bộ, ngành và địa phương, nhất là địa phương biên giới tích cực, chủ động và tổ chức thực  hiện nghiêm túc nên bước đầu đã ngăn chặn và làm giảm tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước.