Phóng viên Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có buổi trao đổi với BS. Lê Ái Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
![]() |
BS. Lê Ái Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thùy Chi |
Xin bà cho biết những yếu tố nguy cơ làm bùng phát dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh?
BS. Lê Ái Kim Anh: Tính đến ngày 31/10/2016, theo số liệu quản lý của tỉnh Thái Nguyên, số người nhiễm HIV còn sống là 6.155 người (luỹ tích quản lý là 9.490 người), 178/180 xã/phường và 9/9 huyện/thành/thị xã phát hiện người nhiễm HIV. Về cơ bản dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung (chủ yếu ở nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, mại dâm).
Những yếu tố nguy cơ làm bùng phát dịch trên địa bàn, bao gồm: Về vị trí địa lý và phát triển kinh tế-xã hội, địa phương là tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ có thuận lợi giao thông với các tỉnh trong vùng, gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, có nhiều trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, nhiều khu công nghiệp và có nhiều cơ sở khai thác khoáng sản: Than, quặng sắt, vàng… thu hút nhiều người đến làm việc và học tập trên địa bàn.
Nhận thức của người dân đối với vấn đề phòng, chống HIV vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận người dân trong cộng đồng, đặc biệt là ở nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV vẫn còn rất thấp. Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến việc phát hiện HIV cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc đối với người nhiễm HIV.
Qua giám sát trọng điểm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NCMT còn rất cao (26% vào năm 2015). Thái Nguyên là một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về ma túy, theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh đến ngày 15/5/2016 toàn tỉnh có 5.569 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Sử dụng ma túy ở Thái Nguyên chủ yếu qua đường tiêm chích.
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc lây truyền HIV trong nhóm NCMT (qua đường máu) thì tỷ lệ nhiễm HIV do lây truyền qua đường tình dục có xu tăng lên (năm 2015, tỷ lệ nữ nhiễm HIV là 27% so với 2006 là 9,76%). Nguyên nhân chính là do quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, trong 5 năm gần đây, người nhiễm HIV/AIDS mới được phát hiện chủ yếu là ở nhóm tuổi 20-39 (chiếm 84%), đây là lứa tuổi xây dựng gia đình, có đời sống sinh hoạt tình dục mạnh mẽ làm gia tăng nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục.
Kinh phí Chương trình phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm cũng là yếu tố làm bùng phát dịch trở lại. Hiện nay, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS không còn là chương trình mục tiêu Quốc gia; các dự án cắt giảm, kinh phí hoạt động năm 2016 rất hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho các hoạt động. Nếu không huy động được nguồn kinh phí cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới, nguy cơ dịch HIV tại tỉnh Thái Nguyên sẽ bùng phát trở lại.
Xin bà cho biết những khó khăn, hạn chế hiện nay và giải pháp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương?
BS. Lê Ái Kim Anh: Thứ nhất là do kinh phí Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã bị cắt giảm. Như tôi đã nói ở trên, do Chương trình phòng, chống HIV/AIDS không còn là chương trình mục tiêu Quốc gia nữa nên các dự án cắt giảm, kinh phí hoạt động năm 2016 rất hạn chế chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho các hoạt động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Thông tư 51/2015-TTLT-BYT-BNV ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ viên chức tại Trung tâm Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài ra, mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu (do các dự án cắt giảm).
Theo tôi, để giải quyết các khó khăn, hạn chế trên cần hoàn thiện đề án bảo đảm tài chính trong năm 2016-2020. Chúng ta nên tiếp tục thực hiện Thông tư 51/2015-TTLT-BYT-BNV nhưng hạn chế những ảnh hưởng đến hệ thống mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh và huyện để tiếp tục triển khai chương trình có hiệu quả. Bên cạnh đó, duy trì, hỗ trợ hoạt động mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng bền vững.
Hiện nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, đặc biệt gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhóm nguy cơ cao gồm phụ nữ bán dâm và nam quan hệ đồng giới, dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong cả nhóm bạn tình của họ, xin bà cho biết, thời gian tới địa phương sẽ có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
BS. Lê Ái Kim Anh: Theo dõi trong những năm gần đây đã có sự chuyển dịch đường lây trong số người nhiễm HIV mới phát hiện và đường lây qua quan hệ tình dục có xu hướng tăng. Tỉnh Thái Nguyên đã nhận rõ nguy cơ đó và đã chủ động các hoạt động nhằm hạn chế lây truyền HIV qua bạn tình của người nhiễm HIV và trong nhóm nam quan hệ đồng giới những năm gần đây.
Cụ thể là, chủ động, tăng cường công tác thông tin - truyền thông và can thiệp giảm tác hại. Đồng thời, tăng cường công tác tư vấn, xét nghiệm phát hiện tích cực tình trạng nhiễm HIV trong nhóm bạn tình của người nhiễm HIV và nhóm nam quan hệ đồng giới tại cơ sở y tế và cộng đồng.
Xin bà cho biết kết quả công tác chăm sóc, điều trị thuốc kháng ARV và việc thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế cho người điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?
BS. Lê Ái Kim Anh: Công tác chăm sóc, điều trị thuốc kháng ARV cho người nhiễm HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên đã bắt đầu được triển khai từ năm 2005, mới đầu chỉ thực hiện ở một vài cơ sở y tế đến 2012 đã bao phủ đầy đủ từ tỉnh đến 9/9 huyện thành đã có cơ sở điều trị. Số bệnh nhân hiện đang được điều trịlà 3.512 (trong đó có 125 trẻ em và phạm nhân tại Trại giam Phú Sơn V - Bộ công an: 239). Độ bao phủ ước đạt khoảng 74%. Qua hơn 10 năm triển khai chương trình điều trị đã thu được nhiều kết quả tốt.
Trong quý III/2016, Thái Nguyên đã kiện toàn 10 phòng khám ngoại trú theo công văn 1240/BYT-AIDS năm 2015 của Bộ Y tế về kiện toàn các cơ sở điều trị được thực hiện thuận lợi. Hiện tại các phòng khám đã thực hiện tốt các quy định và chi trả dịch vụ theo quy định của bảo hiểm y tế (BHYT).
Khó khăn trong công tác này hiện nay là vẫn còn số lượng không nhỏ người nhiễm HIV chưa hiểu đúng về ý nghĩa của vấn đề tham gia điều trị, còn sợ lộ danh tính; bệnh nhân bận đi làm ăn xa, chỗ ở không ổn định, giấy tờ tuỳ thân không đầy đủ, khó mua BHYT; bệnh nhân đã tham gia điều trị nhưng vấn đề theo dõi, đánh giá tuân thủ điều trị còn gặp nhiều khó khăn…
Do có một thời gian rất dài việc cung ứng các dịch vụ liên quan đến chăm sóc điều trị đều được các dự án hỗ trợ, vì vậy bênh nhân chưa sẵn sàng tham gia mua BHYT (đối với các bênh nhân không thuộc diện chính sách).
Theo số liệu thống kê, đến tháng 6/2016 có 80% bệnh nhân tham gia sử dụng BHYT, đến tháng 10/2016 tỷ lệ tăng là 83%. Có được kết quả trên là do Trung tâm đã triển khai các nội dung chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh đến các cơ sở triển khai dịch vụ điều trị, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích khi tham gia mua BHYT, vận động bệnh nhân tham gia mua BHYT.
Để có thể đạt được 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT trong thời gian tới, theo tôi cần có các giải pháp như sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp cho bệnh nhân chưa có BHYT và tiếp tục mua BHYT; tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận mua BHYT thuận lợi (nhất là đối với các bệnh nhân tạm trú); bảo đảm tính bảo mật trong khi thực hiện khám chữa bệnh; các cơ sở điều trị tạo điều kiện tốt cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh; đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ mua thẻ BHYT cho những bệnh nhân khó khăn, không có điều kiện tham gia BHYT.
Thưa bà, thời gian tới địa phương sẽ tập trung triển khai những hoạt động gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?
BS. Lê Ái Kim Anh: Trong những năm tiếp theo để hướng tới mục tiêu 90-90-90 tỉnh Thái Nguyên tiếp tục duy trì các hoạt động hiện nay nhưng sẽ có những ưu tiên trong nội dung sau: Đó là tập trung thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của Đảng uỷ, UBND các cấp, sự phối hợp liên ngành, các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong tỉnh.
Bên cạnh đó, bảo đảm tính ổn định nhân sự của hệ thống mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các cấp; phối hợp các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép với các nội dung hoạt động của các chương trình y tế khác.
Tăng cường sự tham gia của các nhóm tự lực, của người nhiễm HIV; bảo đảm nguồn tài chính để duy trì các hoạt động chuyên môn (đã tham mưu xây dựng và trình Sở Y tế tỉnh phê duyệt “Đề án bảo đảm tài chính chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020”).
Ngoài ra, địa phương tập trung thực hiện tốt Đề án: “Duy trì và mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone giai đoạn 2015-2020” đã được phê duyệt.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
▪ Hiệu quả mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc SKSS (08/12/2016)
▪ Hà Nội: 16 người bị phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (07/12/2016)
▪ Quan hệ tình dục tuổi vị thành niên: Tự nguyện hay cưỡng bức? (07/12/2016)
▪ Việt Nam đã khống chế nhiều dịch nguy hiểm (07/12/2016)
▪ Nguy cơ trẻ vị thành niên nhiễm HIV tăng vọt (05/12/2016)
▪ Công cuộc loại trừ HIV/AIDS đang ‘đi đến đâu’? (05/12/2016)
▪ Những điều chưa biết về virus HIV/AIDS (02/12/2016)
▪ Ngày toàn thế giới hướng tới kết thúc đại dịch AIDS (02/12/2016)
▪ Chung tay chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 (02/12/2016)
▪ Hãy mở rộng tấm lòng, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS (02/12/2016)