Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dân số trở lại!
Các Website khác - 11/08/2004

(VietNamNet) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị về công tác Dân số, Kế hoạch hoá gia đình do Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, để đẩy mạnh thực hiện chính sách DS, KHHGĐ trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, cần chú trọng đến chất lượng, yếu tố đạo đức cũng như tạo chuyển biến về nhận thức, hành vi của người dân về dân số, KHHGĐ.

Không thể tiến tới CNH - HĐH đất nước nếu chất lượng dân số, nguồn nhân lực quá thấp.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dân số trở lại!

Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình & Trẻ em Nguyễn Thiện Trưởng, Trưởng Ban soạn thảo Nghị quyết Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh thực hiện chính sách DS và KHHGĐ trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước" cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về chính sách dân số và KHHGĐ, công tác DS, KHHGĐ đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội; nhân dân đã chấp nhận quy mô gia đình ít con; khống chế được tốc độ gia tăng dân số quá nhanh; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 3,8 (1989) xuống còn 2,3 con (2003); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm tương ứng từ 2,2% xuống còn 1,47%...

Tuy nhiên, theo PCN Nguyễn Thiện Trưởng, kết quả đạt được nói trên mới chỉ là bước đầu, chưa vững chắc, chưa toàn diện và rất không đồng đều giữa các vùng, các địa phương; công tác dân số đang đứng trước hàng loạt thách thức: quy mô dân số rất lớn (hơn 81 triệu người); cơ cấu dân số trẻ và hàng năm tiếp tục tăng thêm hơn 1 triệu người, mỗi năm số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ gấp khoảng 3 lần số phụ nữ ra ngoài độ tuổi sinh đẻ. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, mức giảm sinh đã chững lại, chỉ riêng năm 2003, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của cả nước đã tăng hơn khoảng 1% so với bình quân 3 năm trước; thậm chí, ở một số địa phương, tỷ lệ sinh con thứ ba đã tăng lên rõ rệt...

"Thách thức về vấn đề DS, KHHGĐ trong thời gian tới còn thể hiện ở chất lượng dân số thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng, dị tật và tử vong trẻ em còn cao; tỷ lệ chết mẹ và nạo phá thai giảm chậm; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật thấp chưa đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước; tình hình phân bổ dân cư chưa hợp lý, diễn biến phức tạp, di dân tự phát chưa kiểm soát được" - ông Trưởng nhấn mạnh thêm.

Lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dân số trở lại nếu không kịp thời chuyển biến nhận thức, hành vi trong cán bộ, Đảng viên cũng như trong cộng đồng dân cư, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Yên Bái, ông Trần Anh Tú dẫn chứng: ngoại trừ dân ở thị trấn có nhận thức khá tốt về vấn đề DS, KHHGĐ, còn lại các gia đình thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Yên Bái hiện đang đẻ tràn lan, trung bình mỗi cặp vợ chồng có từ 5 - 7 con. Ngay bản thân Bí thư, Chủ tịch xã... ở những vùng này cũng đua nhau "xé rào" sinh con thứ 5, thứ 6 nên không thể "làm gương" sáng cho dân noi theo được".

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Tú, là do xuất phát từ nhận thức cũng như trình độ dân trí yếu kém của các cấp chính quyền lẫn người dân. Trong khi đó, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho dân về vấn đề DS, KHHGĐ lại phó thác hết cho đội ngũ CTV và đội ngũ cán bộ chuyên trách về dân số vốn trình độ thấp, mức thù lao lại vô cùng ít ỏi: chỉ 20.000đ/tháng. "Nếu không sớm giải quyết những thách thức nói trên, việc bùng nổ dân số trở lại là nguy cơ không thể tránh khỏi" - ông Tú cảnh báo.

Liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Song, Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam cho rằng: để giảm bớt áp lực gia tăng dân số trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, cần sửa lại mục tiêu "mỗi gia đình chỉ nên có tối đa 2 con" thay vì "mỗi gia đình nên có 1 hoặc 2 con" như Dự thảo lần 10 xác định.

Sự nghiệp CNH - HĐH đất nước "phụ thuộc" vào chất lượng dân số...

Đa số ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng: Dự thảo lần thứ 10 Nghị quyết của Bộ Chính trị mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết quy mô dân số mà chưa nhấn mạnh đến chất lượng dân số - yếu tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển dân số của nước ta trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước.

GS Phạm Song nêu thực trạng: mật độ dân số Việt Nam hiện đang cao hơn Trung Quốc (nước đông dân nhất trên thế giới) và gấp đôi dân số nước Pháp. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới mức thu nhập đầu người ở Việt Nam thấp, chỉ đứng vào hàng thứ 18 trong 23 nước nghèo nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ đơn cử riêng một trong 12 tiêu chí của một nước CNH là tỷ lệ người tham gia sản xuất nông nghiệp dưới 15%, mà ta hiện nay có tới 77,5% là nông dân.

Nhấn mạnh đến chất lượng dân số - yếu tố quyết định tạo nên nguồn nhân lực cao phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, GS Phạm Song cho rằng: cần phải nâng cao chất lượng dân số ngay từ "tiên thiên" (giai đoạn hình thành thai nhi) để giảm tai nạn gây tàn phế vì điều tra mục tiêu y tế quốc gia của Bộ Y tế năm 2001 - 2002 thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh chiếm tới 27%, tai nạn 12% và chiến tranh là 10%. "Tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng dân số, một trong những giải pháp cần thiết phải tính đến là xét nghiệm tiền thai nghén để biết thai nhi có dị tật hay không. Ngoại trừ trường hợp các ông bố, bà mẹ nhất quyết giữ lại đứa con dị tât, còn không thì cách tốt nhất là nên giải quyết để tránh gánh nặng cho gia đình, xã hội sau này. Đó chính là vấn đề nhân đạo" - GS Phạm Song đề nghị.

Cũng theo GS Phạm Song, nói đến chất lượng dân số không thể không nhắc đến các vấn đề liên quan như giáo dục, chăm sóc SKSS Vị thành niên; kiềm chế sự bùng phát đại dịch HIV/AIDS lan tràn trong cộng đồng dân cư, việc nâng cao dân trí, chất lượng sống... của người dân. Vì vậy, ngoài các giải pháp trên, GS Phạm Song kiến nghị thêm: phần mục tiêu của Dự thảo cần thêm khía cạnh "ưu tiên cho vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là phòng chống HIV, ma tuý, mãi dâm và ưu tiên cho người nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa". Riêng phần giải pháp nêu trong Dự thảo lần thứ 10, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, GS Song cũng khuyến nghị nên thêm cụm từ "chuyển đổi hành vi" vì đó là mục đích của tuyên truyền giáo dục, thay cho thói quen chỉ báo cáo hoạt động giáo dục tuyên truyền mà không xét đến hiệu quả như thường lệ.

Tán thành quan điểm "đạo đức trong dân số" của GS Phạm Song, GS.TS Nguyễn Hữu Tăng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam bổ sung thêm: "Tới đây Bộ Chính trị cần phải phát biểu quan điểm về đạo đức trong dân số để tiến tới thể chế hóa vấn đề có nên để các thai nhi có dị tật, nhiễm chất độc... ra đời hay không vì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng DS và tạo gánh nặng rất lớn cho xã hội".

Lo ngại về sức cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa do chất lượng DS, nguồn nhân lực yếu kém, GS Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương cảnh báo: Chúng ta chỉ còn 15 năm nữa để thực hiện CNH - HĐH đất nước, nếu không chú trọng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cho hội nhập, toàn cầu hoá ngay từ bây giờ thì không thể cạnh tranh, phát triển được.

Chất lượng dân số ở đây, theo quan điểm của GS Phạm Tất Dong, thể hiện ở mức thu nhập, sức khoẻ, chất lượng đời sống, trình độ dân trí, lối sống văn hoá dân cư... và phải gắn liền với yếu tố phát triển bền vững. "Nếu làm tốt việc nâng cao chất lượng dân số sẽ ổn định tình hình chính trị - xã hội" - GS Dong khẳng định.

Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục: Liệu đã đủ?

Để kiềm chế gia tăng dân số cũng như nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước vào năm 2020, một số đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về DS, KHHGĐ trong cộng đồng dân cư để tạo chuyển biến về hành vi thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Cận, đại diện Ban Dân vận Trung ương cho rằng: để việc tuyên truyền về công tác dân số, KHHGĐ đem lại hiệu quả như mong đợi, cần đề cao vấn đề dân chủ để giúp dân có điều kiện giám sát, phê bình, kiểm điểm những vi phạm về chất lượng dân số, đặc biệt là với cán bộ, Đảng viên. Đồng thời, nên cơ cấu đội ngũ già làng, trưởng bản có uy tín hoặc các vị chức sắc tôn giáo vào đội ngũ CTV KHHGĐ để tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về dân số, KHHGĐ trong cộng đồng dân cư.

Đánh giá cao giải pháp tuyên truyền trong công tác dân số, KHHGĐ song Phó Chủ nhiệm các vấn đề Quốc hội, ông Lê Văn Diêu bổ sung thêm: thời gian tới không chỉ chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền mà còn phải gắn thực hiện chính sách dân số, KHHGĐ với các chương trình trọng điểm quốc gia như phòng chống ma tuý, xoá đói giảm nghèo; chú trọng đầu tư nhiều hơn cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc khó khăn. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số.

Cho rằng "giải pháp tuyên truyền chưa hẳn đem lại hiệu quả như mong đợi", GS Phạm Tất Dong kiến nghị: "Điều quan trọng là tập trung nâng cao trình độ dân trí cho người dân vì một khi trình độ dân trí cao lên, tự khắc người dân sẽ tự nhận thức, ý thức được vấn đề để hạn chế gia tăng dân số".

  • Nguyệt Minh