Triển khai Tháng hành động Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình
Báo Tiếng chuông - 10/05/2016
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành hướng dẫn triển khai Tháng hành động Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình từ ngày 1/6 đến 30/6.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố phải ưu tiên nguồn lực triển khai chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đến năm 2020. Nghiên cứu đưa các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình hành động Quốc gia về PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06/02/2014).

 

Ảnh minh họa

 

Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ có chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình” với thông điệp: Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật; Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được tố giác và xử lý nghiêm minh theo pháp luật; Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình; Yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con, cháu thảo hiền. 

Các tỉnh, thành phố phải đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền đến mọi gia đình về tình hình bạo lực gia đình, các hình thức và hậu quả của bạo lực gia đình, các biện pháp xử lý và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, tổ chức trong PCBLGĐ, các địa chỉ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Trước đó, ngày 8/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, lấy tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc tổ chức Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”. Như vậy, bạo lực gia đình bao gồm các yếu tố bạo hành về thể chất, tinh thần và cả về kinh tế; ngoài ra, theo phân loại các hình thức bạo lực gia đình còn có cả yếu tố bạo lực tình dục.

58 % phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực với bạn tình của họ trong cuộc đời (Tổng cục Thống kê, năm 2010). Chỉ có 43% các trường hợp vạo lực gia đình đã báo cáo và được cảnh sát tiếp nhận xử lý.

Chi phí do bạo lực gia đình gây ra ước tính bằng khoảng 3,2% GDP của Việt Nam theo cách tính tổng thiệt hại năng suất lao động và chi phí cơ hội (UN 2012).