Vợ chồng một cảnh sát hình sự nhiễm HIV vì thi thành công vụ
Các Website khác - 17/06/2004

Giọt nước mắt đau khổ của chị

Một cảnh sát hình sự bị nhiễm HIV khi thi hành công vụ và vô tình lây nhiễm cho vợ. Người vợ hiện vừa làm lụng chăm sóc chồng đang giai đoạn bùng phát Aids, vừa nuôi đứa con còn nhỏ và bà mẹ chồng bệnh tâm thần lúc mê, lúc tỉnh.

Đầu tháng 2-2002, anh D. (là cảnh sát hình sự chống tệ nạn xã hội, Công an quận 11, TP.HCM) bị sốt cao kéo dài phải vào điều trị tại Bệnh viện 30-4. Ngày anh ra viện, chị L. (vợ anh) được bác sĩ thông báo anh bị nhiễm HIV. Đơn vị cử người đến nhà thăm, khuyên chị L. nên đi xét nghiệm. Anh sững sờ, chết lặng. Chị L. cũng choáng váng. Biết nhau từ thuở nhỏ, cùng học, cùng chơi, chị yêu và chấp nhận làm vợ anh bởi tính cách đôn hậu, sống giản dị, chân thành. Anh đi bộ đội, chuyển ngành sang công an. Mỗi lần về thăm mẹ (bà bị bệnh tâm thần), anh cắm cúi lo dọn dẹp nhà cửa, xách nước đầy lu cho mẹ rồi đi. Cuộc sống của anh chỉ có công việc ở cơ quan và nghĩa vụ với gia đình, không ăn chơi hưởng thụ, đua đòi. Chị hiểu và tin anh không bao giờ làm chuyện bậy, sao căn bệnh nghiệt ngả lại đổ xuống đời họ? Hai vợ chồng vẫn nuôi hy vọng chị không bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, kết quả xét nghiệm cho thấy chị cũng bị nhiễm HIV.

Ba lần đổ máu!

Anh D. suy sụp ngã bệnh, phải nhập viện lần thứ hai. Đồng đội đến thăm ôn lại chuyện cũ, anh D. mới nhớ ra mình đã ba lần tiếp xúc với nguồn lây nhiễm HIV. Cách đây sáu năm, trong lần truy bắt tội phạm, anh vật lộn với đối tượng nghiện ma túy, anh bị gã này đâm trầy xước chân tay, kẻ tội phạm cũng bị đổ máu. Lần khác đi trinh sát địa bàn, anh bị một đối tượng nghiện đâm kim vào người rồi bỏ chạy. Anh cứ nghĩ đơn giản đó là sự va chạm bình thường trong nghiệp vụ nên không để ý. Anh C., nguyên đội phó của anh D., kể lại buổi chiều đầu tháng 4-2001, anh D. cùng công an và đội dân phòng của phường đi trinh sát tại công viên Lãnh Binh Thăng. Họ giả dạng là kẻ lang thang, áo quần xộc xệch, dép lê mòn vẹt, tiếp cận khu vực công viên để hỗ trợ cho đồng đội truy bắt tội phạm. Cuộc truy bắt thành công, đồng đội áp giải kẻ bị bắt về cơ quan.. D. đi sau, nhìn quanh thấy kim tiêm bị vứt đầy trên mặt cỏ công viên nên dừng lại nhặt số kim tiêm rơi vãi này vì sợ lỡ có ai dẫm phải thì khổ! Trong lúc đem kim bỏ vô thùng rác anh bị vấp chân té, dẫm phải kim. Về cơ quan, D. có báo cáo sự việc. Đơn vị cho anh đi chích ngừa phong đòn gánh và xét nghiệm HIV nhưng kết quả âm tính nên ai cũng chủ quan.

Không dám chạm đến con!

Công viên Lãnh Binh Thăng, nơi anh D. truy bắt đối tượng và đạp phải kim tiêm

Căn nhà nhỏ ở huyện Bình Chánh có bốn người mà tới ba người bệnh, lại là những căn bệnh bất trị. Có lần chị định tự tử để trốn chạy khỏi cảnh khốn khổ của gia đình. Hôm đó, mẹ chồng làm cỏ lúa ngoài ruộng, chồng sang nhà hàng xóm, con chơi ở nhà ngoại. Ngồi một mình ở nhà, chị cạn nghĩ nếu chị chết sẽ bớt một phần tiền thuốc. Cầm một vốc thuốc, chị tần ngần trước cái chết và sự sống... Bất chợt, chị nghe tiếng con: “Mẹ ơi! Mẹ làm gì mà ngồi thẫn thờ, con về mà mẹ không hay”. Chị giật mình thảng thốt, vứt vội vốc thuốc vào hàng rào, ôm con khóc nức nở nhưng vừa chạm đến da thịt mịn màng, ấm áp của đứa bé chị vội buông tay ra vì sợ căn bệnh chết người lây sang cháu bé. Những ngày đầu mới ở bệnh viện về nhà, chị chẳng muốn gặp ai, chẳng muốn đi đâu vì cứ mang nỗi mặc cảm bệnh tật. Điều chị lo sợ nhất là nếu mọi người biết chuyện, kỳ thị, xa lánh con chị.
Lúc anh nằm viện, chị ở riết bên chồng, “canh” anh từng phút, từng giờ, lo cho chồng miếng ăn, giấc ngủ. Nuôi chồng mà nhớ con da diết. Thằng bé không được phép vào bệnh viện thăm ba, phải gửi ông bà ngoại chăm sóc. Tối tối, chị ra ngoài ngồi khóc một mình, không dám về nhà vì sợ anh nghĩ quẩn, làm bậy. Hàng ngày, một tay chị lo tỉa lúa, làm cỏ, chăm sóc vườn tược, cơm nước. Là người chồng có trách nhiệm nhiều lúc anh ráng ra đồng phụ vợ nhưng mỗi lần như vậy lại bị dị ứng, ngứa khắp người, chị không dám cho anh làm. Anh ở nhà lo chuyện học hành của con. Ban ngày thằng bé về chơi với ba mẹ, tối lại về ngủ với ông ngoại. Nhiều lúc chị muốn tắm rửa cho con, thèm được ôm con vào lòng cũng mà không dám vì...

Chia đôi liều thuốc!

Một kẻ can tội giết người tại phiên tòa xét xử.

Theo các bác sĩ, người nhiễm HIV dùng thuốc thường xuyên sẽ kéo dài được sự sống. Anh D. được hưởng chế độ của ngành về tiền thuốc điều trị. Còn phần chị phải tự lực hoàn toàn, giá tiền thuốc mỗi tháng hơn hai triệu đồng. Hiện nay, Việt Nam sản xuất được loại thuốc kháng virus này, chi phí có giảm đi nhưng cũng quá cao só với thu nhập của họ. Chị kể: “Túng quá, ảnh đòi nhường phần thuốc của ảnh cho tôi. Tôi không chịu. Ảnh bảo bán hai công đất để chạy tiền thuốc nhưng bán rồi lấy đất đâu trồng lúa, trồng rau. Nhờ hai công đất đó mà vợ chồng tôi đắp đổi được qua ngày nuôi con”.. Đơn vị của anh có hóa giá cho một căn hộ chung cư, túng tiền hai vợ chồng đã phải bán đi được mấy chục triệu đồng rồi cũng bay vèo theo tiền thuốc. Sáu tháng qua, chị đã không còn tiền để mua thuốc. Hôm trước, bị sốt liên tục. Bác sĩ cho toa điều trị trong một tháng, chị chỉ đủ tiền mua được ba ngày uống đỡ. Lương của anh được 1,1 triệu đồng nhưng phải dành ra 350 ngàn đồng trả nợ số tiền vay 10 triệu đồng để sửa nhà. Dịch cúm gà vừa qua làm v

 

ợ chồng chị trắng tay, đàn gà, vịt cả trăm con của chị “bị xử” gần hết, may “còn giấu” được bốn con vịt đẻ, mấy quả trứng của chúng thành nguồn cung cấp thực phẩm chính cho cả nhà. Mới đây, cơ quan anh hỗ trợ được ba triệu đồng, vợ chồng anh tính gầy lại đàn gà, vịt nuôi lại.
Anh D. cười buồn: “Không biết trên đời này có ai bất hạnh hơn tôi. Tôi có một người vợ đảm đang, thương chồng, thương con nhưng lại không thể giữ được cái hạnh phúc này. Tôi chỉ mong vợ tôi được nhà nước hỗ trợ tiền thuốc để cô ấy kéo dài sự sống đến khi thằng bé đủ lớn...”.
Ước mơ của anh D. rất thật và rất chính đáng. Trường hợp bất hạnh của anh chị là cá biệt nhưng không phải là duy nhất. Chúng tôi được biết, lực lượng Công an TP.HCM có ít nhất ba trường hợp bị nhiễm HIV khi thi hành công vụ. Chính sách hỗ trợ tiền thuốc, chi phí sinh hoạt cho những người thân của họ bị lây nhiễm là rất cần thiết.

Trung tá ĐÀM VĂN TÂM, Giám đốc Trung tâm Thông tin báo chí, Bộ Công an:
Sẽ báo cáo đến lãnh đạo Bộ. Đây là trường hợp cá biệt mà các nhà làm luật chưa thể dự liệu hết được. Tuy nhiên, việc anh D. bị nhiễm HIV khi thực hiện nhiệm vụ và lây cho vợ là hoàn toàn khách quan ngoài ý muốn của hai người. Trước mắt, anh chị cần gửi đơn xin cứu xét hỗ trợ chi phí thuốc men cho chị L. đến Công an quận, để nơi này kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Về phần mình, chúng tôi sẽ báo cáo trường hợp này đến lãnh đạo Bộ Công an để có hướng xử lý.

Chi đoàn Báo Pháp Luật TP.HCM giúp anh chị D. 1,9 triệu đồng dể giúp anh chị D. giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống, đoàn viên, thanh niên Báo Pháp Luật TP.HCM đã quyên góp được 1,9 triệu đồng và ngày 11-6 vừa qua đã cử người đến trao tận tay anh chị.

Trung Quốc trang bị cho cảnh sát phương tiện phòng chống HIV
Ở Trung Quốc, cảnh sát được trang bị kiến thức và phương tiện cho việc tiếp nhận tù nhân nhiễm HIV gồm mũ bảo hộ, khẩu trang, găng tay đặc biệt và có nơi, như ở Hàng Châu, có xe đặc biệt đưa phạm nhân nhiễm HIV tới tòa. Hình ảnh dưới đây chụp trong một phiên tòa ở quận Xi’an, tỉnh Thiểm Tây xét xử một kẻ giết người bị nhiễm HIV: cảnh sát giữ trật tự và bị cáo cùng đeo khẩu trang và găng tay cao su.

 

 THANH TRANG