Sau Ném câu thơ vào gió, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và văn học ASEAN, nhiều người tự hỏi liệu Bằng Việt có chìm lặng đâu đó một thời gian dài hay không...
Nhưng ông không chìm, mới đây thôi ông đã kịp cho ra mắt hai tập: Thơ tình thế giới thế kỷ XX và Hương cây - bếp lửa (tái bản – in chung với cố nhà thơ Lưu Quang Vũ). Ông cũng đang chuẩn bị hoàn tất tập văn xuôi đầu tiên dày 500 trang có tên: Tùy bút Bằng Việt. “Đây là tập tùy bút của người làm thơ, tái hiện những suy nghĩ về con người, cuộc sống qua từng giai đoạn lịch sử” - ông cho biết.Bài thơ đầu tiên Qua Trường Sa, Bằng Việt làm năm 18 tuổi khi đang ngồi trên tàu liên vận sang Nga du học ngành luật. Cảnh sắc của Trường Sa (thuộc Hồ Nam – Trung Quốc) với nắng đẹp như màu nắng quê nhà và những nông dân chít khăn bên hoa bầu hoa bí sao giống với sự tưởng tượng của ông về miền Nam xa xôi thế. Bài thơ ra đời từ những xúc cảm bất chợt và lúc ấy, chàng thanh niên trẻ lần đầu xa quê hương, không nghĩ rằng thơ lại có sức cám dỗ và đeo đẳng suốt đời mình đến vậy. Cảm giác tròng trành, lâng lâng vì ngồi tàu quá lâu khiến Bằng Việt như bị say và nỗi nhớ nhà, nhớ quê cùng hình ảnh người bà thân thương cứ ám ảnh ông ngay những ngày đầu đặt chân đến nước bạn. Bếp lửa ra đời như một quy luật tất yếu của một tâm hồn đa cảm. Đây được coi là một trong những bài thơ hay nhất về tình yêu quê hương đất nước, được nhiều thế hệ học sinh Việt Nam thuộc nằm lòng.
Tốt nghiệp về nước, Bằng Việt khoác ba lô vào chiến trường miền Nam làm thơ, viết báo như bao nghệ sĩ trẻ miền Bắc ngày ấy. Tập thơ đầu tiên của ông xuất bản năm 1968, in chung với người bạn thân là nhà thơ Lưu Quang Vũ. Cha đẻ Lưu Quang Vũ (nhà thơ Lưu Quang Thuận) là người phát hiện thơ của hai người bạn này có những nét đẹp có thể bổ sung cho nhau, một bên tràn đầy cảm xúc (thơ Vũ), một bên đậm chất trí tuệ (thơ Việt) nên đã khuyên hai người nên in chung một tập. Nhà thơ Khương Hữu Dụng và nhà thơ Yến Lan tuyển chọn, nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa. Ngày đó, Lưu Quang Vũ nổi tiếng như một nhà viết kịch tài ba, chứ ít người biết thơ ông cũng rất hay.
Vì đã tốt nghiệp cử nhân luật ở Nga nên một thời gian, Bằng Việt được điều từ Hội Nhà văn về Thành ủy TP Hà Nội làm thư ký, rồi phó chủ tịch HĐND. Công việc bận rộn không cho phép ông được đắm đuối hoàn toàn trong thơ như trước nữa vì thế, đối với ông, đấy là khoảng thời gian “đầy tiếc nuối”. Từ bỏ quan trường, Bằng Việt lại trở về với thơ, song sự trở về này còn mang một ý nghĩa khác và nó được đánh dấu bằng tập Ném câu thơ vào gió. Tập thơ mang vẻ ngậm ngùi, phảng phất chất thiền của tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Có người bảo từ “ném” nghe hơi dữ dội và đã phá vỡ vẻ đẹp trang trọng rất phải chăng vốn thuộc về Bằng Việt, nhưng với ông thì đó là “lần cầu may cuối cùng trong đời” bởi thời trẻ ông chỉ luôn cười mà ít nói, chưa bao giờ có được những suy nghĩ quyết liệt.
Tập thơ có bài Lục bát cầu may, Bằng Việt viết tặng một cô gái trẻ cứ nhất quyết đòi về sống cùng ông sau khi người vợ thân yêu qua đời vì trọng bệnh. Nếu chỉ đơn thuần là cảm xúc thì có lẽ mọi việc đơn giản nhưng tình yêu lại cần có cuộc sống. Nó buộc Bằng Việt phải trẻ lại, phải đổi thay “Xế chiều quay lại giữa trưa/ Ngậm ngùi nối lại thời chưa biết gì”. Đó là lúc ông cần phải quyết liệt, táo bạo: “Viễn du thay kiếp bọt bèo/ Chân mây, đầu sóng cũng liều... Biết đâu!”.
Từ lâu, người ta đã biết Bằng Việt đồng cảm và tri âm với nhiều nhà thơ khác trên thế giới, đặc biệt là nữ thi sĩ Nga Olga Bergholtz. Bằng Việt mê dịch thơ chẳng kém gì mê làm thơ bởi nó giúp ông hiểu được những tâm sự thầm kín trong mỗi con người, hiểu được sự chuyển động của thơ ca thế giới. Tuyển tập Thơ tình thế giới thế kỷ XX được ông dồn hết tâm huyết sao cho tránh được cái “Công ước Berne” mà với một người yêu thơ không thể làm gì hơn nữa. Từ nay đến cuối năm, độc giả yêu thơ Bằng Việt sẽ được gặp lại ông trong tập Tùy bút Bằng Việt. Giống như cách đây một thập kỷ Phía nửa mặt trăng chìm ra mắt, ở tập văn xuôi này, nhiều trải nghiệm, đắng cay trong cõi riêng của nhà thơ Bếp lửa được giãi bày.
THƠ BẰNG VIỆT Lục bát cầu may I. Biết đâu say đắm vẫn còn Thoảng cơn gió lạ, nắng dồn sang mưa, Xế chiều quay lại giữa trưa Ngậm ngùi nối lại thời chưa biết gì... Ngậm ngùi ư? Ngậm ngùi chi Ngậm ngùi xong để quên đi ngậm ngùi... Biết đâu sau lớp tro vùi Ngón tay em có phép cời lửa lên Vô tình thoát tục thành tiên Một đời Từ Thức, một duyên Giáng Kiều Viễn du thay kiếp bọt bèo Chân mây, đầu sóng cũng liều... Biết đâu! II. Cuộc đời đâu luận trước sau Biết đâu hạnh phúc, biết đâu đọa đày... Nếu làm mây, cứ như mây Một mai tan xuống đất này, được không? Nếu em là kiếp bềnh bồng Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du Nếu em khoát mở sa mù Thì tôi vĩnh viễn hóa bờ bến xa, Cầu may tới cõi giao hòa Cầu may có được ngôi nhà biết yêu! |
Thu Huyền
▪ Tuyết tháng tư - bản tình ca buồn (15/09/2005)
▪ Thể thao truyền hình cuối tuần (16/09/2005)
▪ Đạo diễn Mỹ Khanh làm phim về người già (16/09/2005)
▪ Người đẹp đâu chỉ vì lụa? (15/09/2005)
▪ Brangelina sang Ý cưới, Kate - Pete chuẩn bị song ca (15/09/2005)
▪ Britney sinh quý tử (15/09/2005)
▪ Trương Thanh Long dự Tuần lễ thời trang Singapore 2005 (15/09/2005)
▪ Thương Huyền đi qua xì-căng-đan (15/09/2005)
▪ Jessica Alba đính ước; Kirsten Dust đến với Orlando Bloom? (15/09/2005)
▪ Tần Hải Lộ vẫn cô đơn (15/09/2005)