U6&U7 - phim về người già nhưng đầy chất trẻ
Với độ dài 9 tập, phim U6&U7 (45 phút/tập, Mỹ Khanh đạo diễn, phát sóng vào 18 giờ các ngày trong tuần trên kênh HTV9, trừ thứ bảy, bắt đầu từ mùng 1 Tết) của TFS là bộ phim dành cho tuổi xế chiều nhưng không khô khan mà đầy ắp tiếng cười và hơi thở thời đại, với những cụ ông, cụ bà gõ máy tính nhanh thoăn thoắt, đi du lịch khắp nơi trên thế giới, chạy bộ dẻo dai, ăn mặc hợp thời trang không thua đám trẻ, nụ cười móm mém nhưng trái tim vẫn biết rung động...
Nhà báo Hạnh Ngôn chuyên gỡ rối tơ lòng cho người khác song lại bí rị chuyện mình; vợ chồng Tulênu-Tulêna già mà lãng mạn không thua... bọn trẻ; nhà ảo thuật Lang Trung Kê nghèo gặp may; bà Kim Vũ Vương suốt ngày chăm bẵm chú chó cưng như chăm con... những người có mặt tại khu nghỉ dưỡng Bình Châu hoặc giàu có hoặc nổi tiếng nhưng gần như đều có cùng thái độ: luôn cáu kỉnh và cực kỳ khó tính.
Tất cả bỗng thay đổi từ khi một đứa trẻ sơ sinh đột ngột xuất hiện. Thời gian chăm sóc đứa bé đã kéo họ đến gần nhau hơn. Thì ra, họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi vẫn còn luyến tiếc những tháng ngày tươi đẹp trước đây và cũng bởi họ không có gì để làm, để lo lắng. Một kế hoạch táo bạo được các cụ ông, cụ bà vạch ra và thành công mỹ mãn...
Tiếng là phim cho người già nhưng những tình tiết dí dỏm, hài hước suốt 9 tập phim, qua sự thể hiện của dàn diễn viên nổi tiếng tập trung từ nhiều nguồn (võ sư Thu Vân, võ sư Hồ Hoa Huệ, đạo diễn Trần Vịnh, ca sĩ Candy Xuân, ca sĩ Tuyết Loan, diễn viên Hồ Kiểng, nghệ sĩ Mạc Can...) đủ sức lôi cuốn khán giả mọi lứa tuổi. U6&U7 được xem là phim chủ lực chiếu Tết của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.
VTV: ba bộ phim, ba hương vị
Cố hương, Xuân muộn, Tết này ai đánh trống đình - cả ba bộ phim Tết của Đài Truyền hình VN do VFC sản xuất đều là phim lẻ với thời lượng 90 phút/phim.
Bà Vũ có tật hay xét nét con dâu. Dưới mắt bà, Ly thật vụng về, chưa đủ “tiêu chuẩn” để trở thành cô con dâu lý tưởng. Là mẫu phụ nữ hiện đại, thành công trong công việc, biết hưởng thụ cuộc sống nhưng Ly lại... không biết cách làm hài lòng mẹ chồng. Dù chưa có xung đột lớn nhưng luôn có một khoảng cách vô hình giữa họ. Khi mâu thuẫn càng lúc càng căng thẳng, cả nhà được tin cậu con út sắp về nước ăn Tết và có một món quà bất ngờ dành tặng bố mẹ. Ông bà Vũ tất bật chuẩn bị và nhắm sẵn cho con một cô vợ hiền thục, đoan trang. Ngay tại sân bay, hai ông bà choáng váng khi diện kiến món quà: một cô dâu Tây thật sự...
Cố hương do Đỗ Chí Hướng đạo diễn, kịch bản của Lương Xuân Thủy, với sự tham gia của các diễn viên: Đức Trung, Cát Trần Tùng, Minh Hiếu, Trine Glue Đoàn...
Tết này ai đánh trống đình của đạo diễn Nguyễn Thế Hồng lại rất thích hợp với các cụ ông, cụ bà bởi mầu sắc đa dạng của những tuồng tích chèo cổ, những sinh hoạt văn hóa dân gian.
Bối cảnh chính trong phim là ngôi làng cổ Đại Thanh được chia thành hai thôn Đăm và Chiêu. Tự bao đời nay, Đại Thanh có lệ: bên nào làm ăn giỏi, múa hát hay sẽ được đánh trống khai xuân. Hội làng lần này, làng muốn chọn ra một tiết mục văn nghệ chung thật đặc sắc để đi thi. Không may, ông Khoái - người kéo nhị rất ngọt và bà Tương - người thuộc nhiều làn điệu và có giọng hát khiến người ta mê mẩn - lại hiểu lầm nhau từ thời trai trẻ, cùng bỏ làng ra đi, quyết không nhìn mặt nhau. Sự chân thành và lòng quyết tâm của con cháu hai thôn, đã thuyết phục được hai cụ xóa bỏ mọi hiềm khích trước đây, cùng về vui vầy với dân làng.
Sống chan hòa, biết tin yêu, hy vọng, hạnh phúc sẽ đến... là thông điệp bộ phim Xuân muộn của đạo diễn Triệu Tuấn gởi đến khán giả những ngày đầu Xuân. Là một cô giáo trẻ xinh đẹp, hiền dịu nhưng đời sống riêng tư của Hà lại quá long đong, trắc trở, phải chịu cảnh góa bụa từ sớm. Mọi chuyện bỗng thay đổi kể từ ngày Hà gặp lại Lâm - từng theo đuổi Hà thời còn đi học - trong buổi họp lớp. Thái độ giúp đỡ nhiệt tình của Lâm lại mang đến cho Hà nhiều bất hạnh. Hà biết, mình không thể và không được là kẻ phá vỡ hạnh phúc gia đình Lâm. Cô lại lao vào công việc, dồn hết tình thương cho đám trẻ và cuối cùng đã tìm được tình yêu đích thực, dẫu muộn màng.
|