20 năm chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam
Các Website khác - 22/02/2006
Được triển khai từ năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật của trẻ em Việt Nam: bệnh bại liệt đã được thanh toán vào năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ vào năm 2005, các bệnh bạch hầu, ho gà, sởi giảm một cách rõ rệt.
Từ năm 1974, Tổ chức Y tế thế giới đã đề xướng và vận động các nước thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng (CT TCMR), một chương trình có ích nhằm thực hiện mục tiêu "Sức khỏe cho tất cả mọi người vào năm 2000". Mục đích của chương trình là mở rộng, phát triển việc tiêm chủng cho toàn thể trẻ em được phòng sáu bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và phổ biến nhất: bại liệt, lao, uốn ván, ho gà, bạch hầu và sởi.

Tiêm chủng đem lại vận may cho mỗi trẻ nhỏ từ dưới 1 tuổi đến 5 là biểu hiện sự tận tụy của các nhân viên y tế, tình yêu, sự chăm sóc và quan tâm của cha mẹ, sự tập trung các nguồn tài lực của Nhà nước để thực hiện, tất cả hợp thành thuốc trường sinh cho tất cả trẻ em.

Hưởng ứng thư của Tổng Thư ký LHQ gửi các nguyên thủ quốc gia ngày 10-6-1985, vì lợi ích bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em Việt Nam, căn cứ các điều kiện và khả năng của ta, ngày 17-6-1985 Chính phủ ta đã chấp nhận việc nước ta thực hiện CTTCMR, làm điển hình cho các nước trong khu vực, các nước kém phát triển có đông dân.

Trong 20 năm qua, CTTCMR quốc gia đã hoàn thành các mục tiêu mà Nhà nước và Bộ Y tế giao phó:

1 - Chương trình đã nỗ lực không ngừng đưa dịch vụ tiêm chủng đến với từng người dân, từng gia đình trên mọi miền đất nước, góp phần bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phù hợp chiến lược con người của Ðảng.

Năm 1989, chương trình đã bao phủ được 100% số huyện trên toàn quốc. Năm 1999, chương trình đã chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai bao phủ 262 thôn, bản trắng cuối cùng ở những vùng xa xôi hẻo lánh, bảo đảm cho tất cả trẻ em Việt Nam đều được tiêm chủng.

2 - Tiêm chủng thường xuyên luôn đạt tỷ lệ cao, đem lại hiệu quả rõ rệt, đã làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Chương trình đã tổ chức thành công các chiến dịch Những ngày tiêm chủng toàn quốc và chiến dịch Những ngày tiêm chủng khu vực từ năm 1993 đến 1999. Ðó là những ngày hội được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, huy động được 99% trẻ tham gia tiêm chủng. Mỗi chiến dịch đều có quy mô rất lớn, triển khai ở tất cả các địa phương với gần 30 nghìn điểm tiêm chủng và khoảng 200 nghìn cán bộ y tế tham gia.

3 - Chương trình đã thiết lập được hệ thống giám sát các bệnh trong TCMR, xây dựng được hai phòng thí nghiệm chuẩn thức đạt các tiêu chuẩn quốc tế xác định nhanh, chính xác virus bại liệt, sởi tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Hiện đang phát triển các phòng thí nghiệm khu vực tại Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

4 - Việt Nam đã thành công trong thực hiện chiến lược tự lực sản xuất vaccine có chất lượng cao. Các đơn vị: Trung tâm Khoa học sản xuất vaccine Sa-bin, Công ty vaccine và sinh phẩm số 1, Viện vaccine và các chế phẩm sinh học Nha Trang và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh có đủ năng lực cung cấp cho chương trình TCMR 9/10 loại vaccine, giúp cho nước ta chủ động trong việc triển khai chương trình.

Năm 2008 ta sẽ sản xuất được vaccine sởi trong nước.

5 - Qua chương trình TCMR đã đào tạo được nhiều tiến sĩ và tiến sĩ khoa học có giá trị khoa học cao và tính thực tiễn rất cao từ hoạt động trong điều kiện Việt Nam.

6 - Chương trình TCMR đã huy động được hàng chục triệu lượt cán bộ từ các ban, ngành, đoàn thể và người tình nguyện trong cả nước tham gia.

Chương trình TCMR đã nhận được sự viện trợ, sự hợp tác và giúp đỡ thiện chí, vô tư, có hiệu quả của các Tổ chức quốc tế và Chính phủ nhiều nước, đặc biệt sự giúp đỡ của UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới, JICA (Nhật Bản).

Công tác TCMR đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật của trẻ em Việt Nam: bệnh bại liệt đã được thanh toán vào năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ vào năm 2005, các bệnh bạch hầu, ho gà, sởi giảm một cách rõ rệt, được quốc tế đánh giá cao.

Giáo sư - viện sĩ PHẠM SONG