Tiến sĩ Hoàng Văn Năm. Ảnh: N.T. |
Trong tháng 9, Hà Nội và 15 tỉnh, thành trọng điểm sẽ tiêm văcxin phòng cúm cho đàn gà, vịt. Trước băn khoăn của người tiêu dùng rằng ăn thịt gia cầm sau tiêm vào thời gian nào thì an toàn, VnExpress đã trao đổi với tiến sĩ Hoàng Văn Năm, Cục phó Thú y, về vấn đề này.
- Xin ông cho biết, gia cầm sau khi tiêm bao nhiêu ngày thì có thể được tiêu thụ?
- Theo văn bản chỉ đạo của Cục Thú y là sau khi tiêm 28 ngày thì gia cầm có thể sử dụng an toàn, không kể mũi tiêm thứ nhất, thứ hai.
- Trong 28 ngày, nếu ăn phải thịt gia cầm tiêm văcxin thì liệu có vấn đề gì?
- Hiện nay, tài liệu của các tổ chức quốc tế, nhà sản xuất đều khẳng định không có vấn đề gì. Còn thực tế Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào về ảnh hưởng của văcxin đối với con người.
Về ảnh hưởng trực tiếp (như ăn vào bị ngộ độc hay chết) thì không có. Bởi độ độc của mỗi liều văcxin rất nhỏ nên tiêm vào gia cầm vẫn sống khỏe mạnh. Nếu ăn phải gia cầm tiêm văcxin chưa đủ 28 ngày thì dưới tác động của men tiêu hoá, thịt lại đã được nấu chín, sự hấp thu của cơ thể con người rất hạn chế. Mặt khác, một người không dễ gì ăn hết cả con gà và ăn phải vị trí tiêm (văcxin không lan tỏa toàn bộ gia cầm mà chỉ khu trú một chỗ).
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của văcxin, các nhà khoa học và nhà sản xuất khuyến cáo chỉ nên ăn gia cầm sau khi tiêm 28 ngày để văcxin có đủ thời gian phân huỷ. Tới đây, Cục Thú y sẽ có văn bản hướng dẫn về tiêu thụ gia cầm sau khi tiêm phòng.
- Nhưng người tiêu dùng làm thế nào để phân biệt gia cầm đã tiêm đủ 28 ngày và gia cầm chưa đủ thời gian này, thưa ông?
- Chúng tôi quy định tiêm vào lườn hoặc dưới da cổ con gia cầm. Nếu văcxin chưa phân huỷ hết, tức là chưa đủ 28 ngày thì tại vị trí cổ và lườn bao giờ cũng bị viêm nhẹ, màu sắc biến đổi từ vàng hồng bình thường sang thẫm, tím. Mua gà sống về cũng phải kiểm tra vị trí cổ và lườn xem có dấu hiệu bất thường không.
- Trứng của gia cầm sau tiêm chưa đủ 28 ngày, nếu ăn phải có bị ảnh hưởng?
- Đối với trứng gia cầm thì không vấn đề, tức là vẫn tuân thủ quy định của văn bản cũ. Để đưa vào tiêu thụ, trứng cần phải lấy từ đàn gia cầm khỏe mạnh, không có bệnh. Khi vận chuyển phải tuân thủ quy định của thú y về sát trùng trứng và dụng cụ chuyên dụng. Điểm quan trọng nữa là người tiêu dùng phải xử lý trứng chín khi ăn.
- Kế hoạch tiêm văcxin đại trà đã được triển khai đến đâu?
- Chúng tôi đã hoàn thành việc tiêm thí điểm tại Tiền Giang và Nam Định. Trong tháng 9, Cục và các địa phương tiếp tục tiêm phòng tại Hà Nội và 15 tỉnh thành trên toàn quốc. Đến nay, việc tiêm phòng đã hoàn tất tại Thái Bình (1/9) và Bắc Ninh (hôm 3/9). Tháng 10 sẽ tiêm tiếp tại các tỉnh trọng điểm còn lại (toàn bộ 47 tỉnh thành) và địa phương có nguy cơ thấp. Chúng tôi quyết tâm đến ngày 15/11 sẽ hoàn tất công việc này.
- Tháng vừa qua có bao nhiêu điểm phát dịch mới?
- Điểm phát dịch gần đây nhất là ở Sóc Sơn (Hà Nội) được phát hiện ngày 31/7. Từ đó đến nay, Cục Thú y chưa nhận được báo cáo nào về điểm phát dịch mới.
Như Trang thực hiện
Theo dòng sự kiện: |
▪ "Tuần Văn hóa Việt Nam" gây ấn tượng tại Hàn Quốc (14/09/2005)
▪ Vui Tết Trung thu 2005 ở Hà Nội (14/09/2005)
▪ Nhà trường và gia đình, nơi rèn luyện lối sống, tạo dựng tính cách cho mỗi bạn trẻ nên người (14/09/2005)
▪ Vì sao hệ thống đường bộ ở đồng bằng sông Cửu Long xập xệ kéo dài ? (14/09/2005)
▪ Trả sự công bằng cho dân (14/09/2005)
▪ Mái dầm và tấm huy chương... (13/09/2005)
▪ Chống tham nhũng, lãng phí vẫn “đóng băng” (14/09/2005)
▪ ASEAN ủng hộ VN ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ (14/09/2005)
▪ Đề xuất Thủ tướng thành lập ĐH tư thục FPT (14/09/2005)
▪ Mỹ trao đổi thông tin về quân nhân VN mất tích (14/09/2005)