Đánh thuế xe sản xuất trong nước, đẩy giá bán lên cao, thu phí môi trường, phí tắc nghẽn giao thông, xóa bỏ bãi giữ xe trong khu vực trung tâm... là những biện pháp TP HCM đề nghị để ngăn chặn phương tiện cá nhân.
Theo các chuyên gia tại TP HCM, nếu không giảm tối đa phương tiện cá nhân thì 3 năm nữa xe máy sẽ "siết cổ" giao thông và đến 2015-2020 sẽ bùng nổ không thể kiểm soát.
"Mỗi năm thành phố tăng 350.000 - 400.000 xe gắn máy, 50.000 ôtô, khoảng một triệu xe đạp. Trung bình cứ 1,5 người có một xe cá nhân", Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông trường Đại học Bách Khoa TP HCM cảnh báo.
Phát biểu trong buổi hội thảo Đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm dần xe cá nhân sáng 24/12 tại Sở Giao thông vận tải, ông Mai còn nêu ra nhiều hậu quả về việc phát triển tràn lan xe cá nhân, thậm chí đặt tên cho xe gắn máy là: "kẻ chiếm đất thành phố".
Một người đi xe máy chiếm 12 m2 đường (theo tiêu chuẩn quốc tế một người đi xe máy phải có khoảng không an toàn: cách xe trước - sau, hai bên hông), như vậy với 3,64 triệu xe máy sẽ chiếm khoảng trên dưới 40 triệu m2 đi lại. "Cứ đà này, chừng 3 năm nữa giao thông TP HCM sẽ bị xe máy "siết cổ" và không còn chỗ nhúc nhích", ông Mai nói.
Xe máy, ôtô cá nhân và xe buýt không thể sống chung. Muốn giải bài toán kẹt xe TP HCM phải phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân. Ảnh: Kiên Cường |
Đồng tình với quan điểm trên, GS-TS Lê Quả, nguyên Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phân tích: "Đây là hậu quả của việc quản lý đô thị yếu kém, thành phố đã quá dễ dãi với xe máy từ năm 1975. Các giải pháp chống kẹt xe sau đó chỉ mang tính chống đỡ, giật gấu vá vai".
Không chỉ xe máy mà cả ôtô cá nhân cũng là thủ phạm chính dẫn tới ùn tắc ngày một lan rộng tại các thành phố lớn.
Nếu thay xe máy bằng ôtô thì vào năm 2020, bức tranh tắc đường là những hàng xe 4 bánh xếp 3 - 4 làn, kẹt vẫn hoàn kẹt, đại diện Đại học Bách khoa khẳng định.
Hiện nay, chính sự bùng nổ của các phương tiện cá nhân tại các đô thị là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ùn tắc giao thông. Theo ông Lý Huy Tuấn thuộc Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, các nước đang phát triển thì sử dụng xe máy, xe đạp, còn các nước có nền kinh tế phát triển là bùng nổ ôtô.
Ngay từ bây giờ nếu không tính tới các giải pháp hạn chế thấp nhất sự phát triển xe cá nhân thì nguy cơ sẽ bùng nổ không kiểm soát vào năm 2015-2020, hầu hết chuyên gia trong hội thảo đều đánh giá như vậy.
Nếu như tất cả người đi trên một chiếc xe buýt xuống đi xe máy thì sẽ chiếm dụng đường gấp 8 lần, chi phí cho một chuyến đi gấp 2,14 lần, vốn đầu tư và trang thiết bị cũng hơn 2,84 lần so với vận tải công cộng. Giảm và hạn chế xe cá nhân là bài toàn "sống còn" với giao thông thành phố. Ông Mai đề xuất: "Nhà nước nên có chính sách không nhập khẩu xe gắn máy, đánh thuế cao xe sản xuất trong nước. Ngoài ra, các đô thị lớn phải xóa bỏ các bãi giữ xe trong khu vực trung tâm, xây dựng phố đi bộ...".
Mạnh dạn hơn, Trưởng phòng quản lý công nghiệp Sở Giao thông công chính nêu biện pháp thu phí xe cá nhân với mức tối thiểu là 10.000 đồng một tháng cho mỗi xe máy, 200.000 tháng cho một ôtô. Như vậy một năm ít nhất thành phố cũng thu được 700-800 tỷ đồng, khoản này dùng để phát triển vận tải hành khách công cộng.
Song song với việc ngăn chăn phương tiện cá nhân, các chuyên gia cho rằng TP HCM phải phát triển giao thông công cộng, trước mắt là xe buýt, tiếp theo là xe buýt nhanh BRT, Metro, Tramway.
"Chúng ta đừng cứ tiếp tục hát bài ca hạn chế xe cá nhân hết lần này đến lần khác mà chẳng làm gì, tôi có cảm giác thành phố chưa thấy đau với tình trạng ùn tắc giao thông", ông Lê Quả đúc kết.
Trung Quốc đã cấm xe máy trên 20 thành phố lớn kể cả đặc khu kinh tế Thẩm Quyến (phá hủy cả xe máy đi vào đây) và thủ đô Bắc Kinh. HongKong không dùng xe máy trong khu trung tâm. Philippines không dùng xe máy trong thành phố. TP HCM tỷ lệ giao thông công cộng: 7%, cá nhân hơn 90%. Singapore: 40% ôtô cá nhân, 58% công cộng. Hàn Quốc thành công với chính sách thuế nặng bằng 60% giá phương tiện khi đăng ký mới, kết quả đây là quốc gia có số phương tiện cá nhân thấp nhất thế giới: 60 xe trên 100 dân (tính đến năm 1993). |
Theo VnExpress
▪ Dự kiến bỏ HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh (26/12/2008)
▪ Thưởng Tết công ty chứng khoán 30kg gạo (26/12/2008)
▪ Quái xế kể về 'cuộc chiến' trên đường đua (26/12/2008)
▪ 200 lái xe buýt bị sa thải (26/12/2008)
▪ Xăng, dầu chảy ngược (26/12/2008)
▪ Dồn sức ngăn chặn suy giảm kinh tế (26/12/2008)
▪ Bốn nhóm đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội (25/12/2008)
▪ 13,5 triệu người đang sống nghèo khổ (25/12/2008)
▪ Dân số và sự bền vững an ninh lương thực (25/12/2008)
▪ Công tác DS-KHHGĐ năm 2009: Các nhiệm vụ và giải pháp chính (25/12/2008)