Ngày 25-12, tại TP.HCM, Chính phủ đã khai mạc hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2009. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mục tiêu của hội nghị là tìm giải pháp dồn sức ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Theo dự thảo kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày, năm 2009 tiếp tục thực hiện năm mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra bằng những giải pháp cụ thể, trong đó tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%.
“Nhiệm vụ của chúng ta là điều hành một cách thống nhất các lĩnh vực quản lý, trong đó phải dồn sức ngăn chặn suy giảm kinh tế” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo. Theo Thủ tướng, suy thoái kinh tế thế giới khiến ngành xuất khẩu nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp, chỉ trong ba tháng qua xuất khẩu liên tục giảm, từ 6 tỉ xuống 5 tỉ rồi 4 tỉ USD. Chưa kể khả năng đầu tư nước ngoài đăng ký nhiều nhưng triển khai ít cũng như ngành du lịch bị giảm sút. Dự báo năm 2009 tình trạng suy thoái kinh tế thế giới còn tiếp tục lan rộng, sâu nên có ngăn chặn được suy giảm kinh tế mới bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng. “Nếu để sản xuất đình trệ sẽ dẫn tới doanh nghiệp đóng cửa, công nhân mất việc làm, mà như thế thì không thể nói là đảm bảo an sinh xã hội và cũng không thể nói là ổn định chính trị xã hội” - Thủ tướng nói.
Tiêu không hết tiền
Lúa còn hay hết? Nghe chủ tịch UBND tỉnh Long An Dương Quốc Xuân than rằng tết đã gần kề mà nông dân không bán được lúa, Thủ tướng hỏi: “Long An hiện nay còn bao nhiêu lúa?”. Ông Xuân trả lời: “Còn khoảng 300.000 tấn nhưng Tổng công ty Lương thực giao Công ty Lương thực Long An mua mỗi ngày chỉ 700-1.000 tấn, nếu cứ tiến độ này thì mua tới vụ đông xuân gặt xong cũng chưa hết”. Thủ tướng quay xuống Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát: “Anh Phát phải xem lại, Tổng công ty Lương thực báo với tôi là mua hết rồi, bây giờ không còn lúa để mua nữa. Phải kiểm tra ngay, chứ nghe Long An báo như vầy thì gay go quá”! |
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng vấn đề quan trọng là phải làm thế nào để tiêu hết tiền, tránh tình trạng như những năm qua nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn nhưng các dự án triển khai quá chậm nên không giải ngân được.
Lãnh đạo các tỉnh cho rằng tuy lãi suất ngân hàng cho vay đã được điều chỉnh xuống mức 10-12,5%/năm nhưng trên thực tế các doanh nghiệp khó lòng đụng đến. Ông Đan Đức Hiệp, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết trong thời điểm khó khăn nhiều doanh nghiệp đã vay ngân hàng với lãi suất 18-19%, nay khi lãi suất giảm xuống doanh nghiệp muốn vay thêm thì ngân hàng từ chối và yêu cầu phải trả hết nợ lãi suất cao mới được vay nợ lãi thấp. “Một con tàu nằm trên đà, không vay được tiền để đóng cho xong thì vài tháng sau trở thành một đống sắt, còn gì là ý nghĩa kích cầu” - ông Hiệp nói.
Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu kiểm tra những bức xúc này, đồng thời có biện pháp khoanh nợ, cơ cấu lại nợ để trả lời các tỉnh. Thủ tướng cho biết thêm Chính phủ sẽ bảo lãnh vay vốn cho tất cả doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế như nhập khẩu thiết bị để đầu tư sản xuất.
Chủ động làm mà... run
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng muốn giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư thì trước hết phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Thủ tướng nhìn nhận với thời gian chuẩn bị một dự án kéo dài hai, ba năm thì không thể gọi là kích cầu được. Giải pháp được nhiều địa phương đề xuất là Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi những nội dung “trói tay trói chân” của các luật về đất đai, xây dựng và đấu thầu. Trong đó, lãnh đạo các tỉnh đề nghị cho phép chủ đầu tư và người quyết định đầu tư dự án được chỉ định thầu các dự án có tính chất cấp thiết đối với địa phương.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã tính chuyện đề xuất sửa đổi các điều luật liên quan mà địa phương kiến nghị, và trong khi chờ trình Quốc hội thông qua thì ngay cả Thủ tướng cũng chưa thể làm khác hơn được. Tuy nhiên, Thủ tướng đưa ra một hướng mở là các địa phương lập danh mục những dự án cấp thiết phải đầu tư trình Thủ tướng, Thủ tướng sẽ ủy quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh thay mình chỉ định thầu. Cũng có ý kiến cho rằng việc chỉ định thầu cần hết sức chọn lọc để tránh tình trạng chia các dự án lớn thành những gói thầu nhỏ để rồi “chỉ định thầu tất tần tật”.
Nhiều tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ phân cấp mạnh cho các địa phương, vì giao quyền chủ động càng nhiều càng rút ngắn được thời gian xử lý công việc, không phải chờ ý kiến ngành này, xin ý kiến bộ kia, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh trước Chính phủ, trước pháp luật. Ông Dương Quốc Xuân, chủ tịch UBND tỉnh Long An, bộc bạch: “Có những việc ngoài thẩm quyền, địa phương chủ động làm mà... run, vì nếu thành công thì được khen là năng động sáng tạo, còn nếu không thì bị ghép vào tội cố ý làm trái”.
Hôm nay, hội nghị tiếp tục làm việc.
Theo Tuoi Tre Online
▪ Dự kiến bỏ HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh (26/12/2008)
▪ Thưởng Tết công ty chứng khoán 30kg gạo (26/12/2008)
▪ Quái xế kể về 'cuộc chiến' trên đường đua (26/12/2008)
▪ 200 lái xe buýt bị sa thải (26/12/2008)
▪ Xăng, dầu chảy ngược (26/12/2008)
▪ 3 năm nữa xe máy sẽ 'siết cổ' giao thông TP HCM (26/12/2008)
▪ Bốn nhóm đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội (25/12/2008)
▪ 13,5 triệu người đang sống nghèo khổ (25/12/2008)
▪ Dân số và sự bền vững an ninh lương thực (25/12/2008)
▪ Công tác DS-KHHGĐ năm 2009: Các nhiệm vụ và giải pháp chính (25/12/2008)