Trong những ngôi nhà lụp xụp này là sinh mạng của hàng nghìn dân. Ảnh: Đ.L. |
"Hai tháng trước, mảng trần rộng tới cả 1 m2 bỗng nhiên đổ cái rầm. Lúc đó trong nhà có hai đứa trẻ, song thật may là chúng không sao", chị Lê Thị Mai, nhà 15, khu 17 nhà gỗ phường Chương Dương (HN) kể lại nỗi phấp phỏng sống trong ngôi nhà xập xệ kéo dài hàng chục năm.
Sau lần sập trần đó, chị Mai phải gia cố thêm xà gồ và yêu cầu căn hộ tầng trên gá một tấm sàn nhà lớn vào chỗ bị thủng. Tuy nhiên, gia đình chị Mai vẫn nơm nớp lo rằng có thể bị sập trần tại những nơi khác.
17 ngôi nhà gỗ nằm ngoài đê sông Hồng đều cao 2 tầng, mỗi nhà chia làm nhiều căn hộ rộng từ 16 đến 30 m2. Do được xây dựng từ những năm 50-60, nên toàn bộ đã trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Trên tầng 2 của 15, 19 hầu hết không có người ở bởi họ sợ có thể bị sập nhà bất cứ lúc nào. Cảm giác bập bềnh sau mỗi bước chân trên hành lang, cầu thang dẫn lên những ngôi nhà này khiến bất cứ ai cũng cảm thấy lo sợ.
Theo quan sát của VnExpress, dưới tầng 1 căn hộ của chị Mai trần nhà bị mục nát, nhiều vết ố loang lổ vì bị ngấm nước. Chủ nhà đã dùng tấm lót phủ trên sàn song thỉnh thoảng nước vẫn nhỏ tong tỏng xuống nhà dưới. Chăn màn, quần áo rét đặt trên trần cũng trở thành "tổ" cho mối và rết. "Trẻ con, người lớn trong nhà thường xuyên bị rết từ trần nhà rơi vào" chị Mai kể.
Căn hộ của gia đình ông Vũ Quốc Song, nhà số 2 còn giữ lại vách tường nguyên thuỷ được làm bằng gỗ, trát rơm và vôi. Lớp vách đã bị mối mọt khiến chủ nhân không dám động vào vì sợ... thủng. Không dám ở đó, gia đình ông phải chuyển đi chỗ khác cho người khác thuê với giá chỉ 250.000 đồng/tháng. Anh Trung, người thuê lại, cho biết, vì giá nhà rẻ nên đành chấp nhận thuê lại dù biết rằng mối nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu. "Ở đây được ngày nào thì là may mắn ngày đó. Lo nhất là vào những ngày mưa bão vì sợ nhà sập, mùa lũ nước lên cao thì phải ôm đồ mà... chạy", anh Trung nói.
Các căn hộ tối om giữa ban ngày. |
Căn hộ của anh Trần Minh Diễn (tầng 2 nhà số 2) chỉ rộng 16 m2 song có tới 4 người trú ngụ. Trong căn hộ, thanh xà nào cũng phải gắn thêm một thanh gỗ để gia cố. Mái ngói đã bị lở, thường xuyên dột khi trời mưa khiến gia đình này phải căng tấm lót bằng nilon trên trần để chống dột vì không thể đảo ngói. "Dân ở đây lo sợ nhất là có động đất, nếu chỉ rung chấn 4 độ richter thì chắc chắn bị sập. Nhà nằm sát đê, lại ọp ẹp, nên đêm nằm nhiều lúc có cảm giác rung theo tiếng động của xe chạy trên đê", anh Diễm kể.
Nhưng đó cũng không phải là những trường hợp cá biệt đối với gần 3.000 con người với 670 hộ dân này. Anh Diễn, nguyên là cán bộ ngành thuỷ lợi, cho hay, do không có điều kiện mua nhà nơi khác nên họ vẫn phải chấp nhận sống trong những ngôi nhà nguy hiểm này.
Mới đây, khi trực tiếp thị sát tình trạng hư hỏng những căn nhà khu vực này, ông Lê Quý Đôn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã phải thừa nhận, nguy cơ sập, đổ có thể đến bất cứ lúc nào với nhiều nhà ở đây. Thành phố đã chỉ đạo phải khẩn trương có biện pháp giải quyết ngay "không thể trễ".
Hiện, thành phố đã yêu cầu các Sở, ban ngành nhanh chóng lập dự án sửa chữa hoặc xây mới những ngôi nhà này.
Đoàn Loan
▪ Hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa ASEAN và LHQ (14/09/2005)
▪ Lòng quyết tâm đã làm nên những thành công của VN (16/09/2005)
▪ Cá ngựa... lừa (15/09/2005)
▪ Nhiều hộ dân “ tẩy chay” nước máy (15/09/2005)
▪ Sử dụng túi nylon: Dễ trước - khó sau (15/09/2005)
▪ Du lịch Việt Nam trước làn sóng khách Mỹ (16/09/2005)
▪ Nhận biết gia cầm vừa tiêm vaccine (16/09/2005)
▪ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (16/09/2005)
▪ Lễ hội “Bình Thuận - Hội tụ xanh” (16/09/2005)
▪ Chấn chỉnh việc cung ứng và kinh doanh phân bón (15/09/2005)