SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Ai lập dị? Đình Chúc Một tờ báo loan tin: Tết Bính Tuất vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới thăm một gia đình nông dân ở một tỉnh xa với chiếc áo khoác lạc mốt mà ông đã mặc cách đây đúng 10 năm! Ông Thủ tướng lập dị chăng? Bởi đứng đầu chính phủ một đất nước hơn 1,3 tỉ dân, thu nhập đầu người đã vượt ngưỡng 1.000 USD/năm thì lẽ nào ông lại không sắm nổi cho mình một chiếc áo mới? Song câu chuyện lại không phải ở chiếc áo. Tờ báo nọ đã ca ngợi tác phong giản dị gần dân của vị thủ tướng đáng kính này ở chỗ từ khi ông lên trung ương công tác, tết nào ông cũng về các vùng quê vui tết với dân nghèo. Ông về không phải để uý lạo, cho có vẻ gần dân, mà ông đến thăm từng cụ già và có những việc làm hết sức thiết thực, cảm động (ví như ông bảo cán bộ xã phải sắm ngay chiếc bô cho một cụ già trên 80 tuổi vì sợ cụ đêm hôm ra ngoài vệ sinh cảm lạnh). Thì ra, sự giản dị trong suy nghĩ, trong tâm hồn của vị thủ tướng đã quyết định đến sự giản dị trong ăn mặc. Gần đây, ở ta cũng thấy nổi lên tấm gương một số cán bộ có lối sống giản dị, tiết kiệm và gần dân. Chuyện của hai vị quan chức cao cấp nhất tỉnh Bến Tre (bí thư và chủ tịch) là một ví dụ. Chả là cả hai ông hàng ngày đi làm việc ở thị xã chẳng "lên xe xuống ngựa" như các quan đầu tỉnh khác mà lại chỉ dùng xe máy như thường dân. Thậm chí, ông chủ tịch còn "giả danh" nhà báo vi hành bằng xe ôm để hiểu thấu dân hơn. Lập tức, việc làm này bị một số người nghi ngờ: Lập dị chăng, mị dân chăng? Nhưng tìm hiểu kỹ thì thấy chả phải hai ông muốn chơi trội gì mà chỉ với suy nghĩ mộc mạc theo kiểu "Hai lúa": Nhà cách cơ quan có vài cây số, xe đưa đón làm gì cho tốn xăng, cách rách! Mấy năm trước cũng nghe được chuyện, có ông bí thư tỉnh uỷ một tỉnh miền Trung khi mới nhậm chức đã cơm nắm, xe ôm xuống huyện, xuống xã để nghe dân kêu khổ. Rồi mới đây, lại nghe chuyện có ông bộ trưởng, sau 10 năm thăng quan tiến chức vẫn xài chiếc xe cũ, chứ không học cái thói "tân quan, tân xa" như thiên hạ vẫn đua đòi! Rất tiếc, những tấm gương như trên còn quá ít, nhất là trong bối cảnh một bộ phận quan chức có lối sống quá xa hoa, lãng phí. Chính vì vậy mà người ta tỏ ra nghi ngờ: Lập dị chăng...? Thì cứ cho là lập dị đi, nhưng lợi ích từ sự lập dị ấy là gì? Khi hai ông cán bộ to nhất tỉnh Bến Tre đi làm bằng xe máy thì thử hỏi ông giám đốc sở nào dám nghênh ngang xe hơi đón rước? Khi ông bộ trưởng không thay xe, thử hỏi ông thứ trưởng nào dám cưỡi xe bạc tỉ? Một chủ trương tiết kiệm xe công không cần phải đao to búa lớn, nghị quyết này, chỉ thị nọ lập tức được thực thi triệt để. Còn ông bí thư tỉnh nọ, sau khi vi hành đã thay đổi một loạt cán bộ cấp huyện kém đức, kém tài. Lợi cho dân, cho nước thế; sợ gì hai tiếng "lập dị"? Một cụ lão thành cách mạng khi được hỏi: Cán bộ hành xử thế nào bị coi là lập dị? Cụ dẫn ngay: Một cán bộ mà cưỡi xe hơi bằng cả mấy nghìn con trâu, một cán bộ mà tung vào chiếu bạc cả mấy triệu đô, hoặc nhỏ như đi dự lễ trồng cây mà comlê, càvạt, giày đen bóng loáng, rồi găng tay trắng, đến cái cán cuốc, cán xẻng cũng nơ đỏ, nơ xanh... - đó mới là xa dân, đó mới là lập dị - rất cần bị lên án! |
▪ Triển lãm búp bê truyền thống Nhật Bản tại TPHCM (03/03/2006)
▪ Nhuộm vải bằng chất màu tự nhiên (04/03/2006)
▪ Sử dụng thực phẩm chiếu xạ có hại không? (04/03/2006)
▪ Chàng trai mang bún Việt đi xa (04/03/2006)
▪ Xây dựng tổ chức Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh (04/03/2006)
▪ Bảo vệ rừng đầu nguồn là bảo vệ sự sống (04/03/2006)
▪ Nữ sinh Việt Nam đoạt giải Hoa hậu nữ sinh châu Á Atlanta (04/03/2006)
▪ Hơn 10 tỷ USD để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (04/03/2006)
▪ Hội chứng đổ lỗi (04/03/2006)
▪ Vấn đề điểm đỗ xe, trước "cơn bão" xe cũ nhập khẩu: Người có ôtô sẽ lãnh đủ! (04/03/2006)