Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ bạo hành trẻ em đã bị phát hiện như vụ giáo viên ngược đãi trẻ tại trường mầm non Mầm Xanh (TPHCM), vụ bảo mẫu hành hạ trẻ hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam hay vụ bố mẹ bạo hành trẻ 7 tuổi Kiên Giang...
Đặc biệt những hình ảnh bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, Quận 12, TPHCM xuất hiện tràn lan trên mạng đã khiến hàng nghìn phụ huynh bàng hoàng, phẫn nộ, đồng thời tỏ ra vô cùng lo lắng khi có con em đang gửi tại các trường mầm non. Đằng sau nụ cười niềm nở của cô giáo khi đón trẻ từ tay bố mẹ vào lớp là những cái tát, những trận đòn giáng xuống đầu các em bé còn non nớt.
![]() |
Hình ảnh cắt ra từ clip |
Ngay sau khi clip được đăng tải trên mạng, ngay trong đêm 26/11, nhiều phụ huynh gửi con học ở trường đã tìm đến cơ quan công an trình báo. Chính quyền địa phương cũng ngay lập tức vào cuộc để xử lý.
Theo thông tin mới nhất, Công an Quận 12 đã làm thủ tục khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam chủ cơ sở là bà Phạm Thị Mỹ Linh để điều tra về tội danh hành hạ trẻ em.
Chủ tịch UBND quận 12 cũng có mặt tại công an phường, chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương vào cuộc. Công quan Quận 12 đã triệu tập 2 bảo mẫu cùng với chủ cơ sở để lấy lời khai.
Những hệ lụy đau lòng
Theo các chuyên gia tâm lý, bạo hành không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ mà còn tác động không tốt đến sự thành công trong tương lai của chúng.
Trẻ mầm non bị bạo hành thường có biểu hiện trầm cảm, lo âu, sợ hãi, sợ ăn, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình, hay mơ sảng và la hét. Bên cạnh đó, trẻ sẽ sợ đi học vì sợ gặp cô giáo. Nếu bị đánh đập thường xuyên, trẻ dần dần sẽ thiếu tự tin, rụt rè, rất dễ bị kích động bạo lực hoặc là có tư tưởng trầm uất, thậm chí có quan niệm sống lệch lạc không biết trân trọng người khác và bản thân mình. Ngoài ra, trẻ bị bạo hành luôn cảm thấy thiếu tin tưởng vào người khác, sống khép kín và gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội, có biểu hiện lì lợm, ngang bướng và không coi chuyện phạm lỗi là quan trọng.
Vì đâu nên nỗi?
Theo Cục Trẻ em, tổng hợp thông tin từ báo chí và các cuộc gọi đến Tổng đài tư vấn trẻ em, đa số các cuộc bạo hành đều do chính người chăm sóc trẻ gây ra vì thiếu kiềm chế, thiếu tôn trọng và thường trút cơn nóng giận lên đứa trẻ.
Phân tích nguyên nhân của các vụ bạo hành trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, xu hướng các vụ bạo hành trẻ em tăng lên thời gian gần đây do người trực tiếp chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật. Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 và các văn bản pháp luật khác quy định xử lý nặng hành vi xâm hại trẻ em. Trẻ càng nhỏ, mức độ xử phạt càng tăng.
Tiếp đến là nguyên nhân những người trực tiếp gần gũi với trẻ thiếu kỹ năng làm việc với trẻ. Ví dụ cha mẹ thì thiếu kĩ năng chăm sóc con cái, bảo vệ con cái và đặc biệt là thiếu các kĩ năng kiềm chế cơn nóng giận, tức giận của mình để đừng trút lên trên đầu trẻ. Với giáo viên, mà đặc biệt là giáo viên mầm non ở các cơ sở tư thục, ngoài công lập thì ngoài việc trang bị cho họ những kiến thức về dạy trẻ, chăm sóc trẻ về mặt dinh dưỡng, giáo dục thể chất thì còn một điều rất quan trọng là phải học những kĩ năng về bảo vệ trẻ và không xâm hại trẻ, kìm chế những cơn tức giận.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia xã hội học, cũng phải kể đến nguyên nhân từ gia đình. Nhiều bậc phụ huynh thường mong muốn con mình phát triển tốt, tiếp thu được nhiều kiến thức từ cô, từ bạn bè song lại ít quan tâm và không dành nhiều thời gian trò chuyện, gần gũi chúng. Vô tình điều này đã áp lực cho cô giáo và nhà trường, họ phải tìm mọi cách để thỏa mãn phụ huynh thay vì đáp ứng nhu cầu của con trẻ nên sẽ dẫn đến việc ép trẻ ăn, đánh trẻ khi chúng không nghe lời. Bên cạnh đó, vì điều kiện kinh tế mà nhiều bậc phụ huynh đành phải hạ thấp tiêu chuẩn để gửi con vào những cơ sở không có giấy phép, không đủ điều kiện dạy và học có mức phí thấp.
Ngoài ra, việc số cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn còn đang thiếu và yếu nên nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành chưa được phát hiện kịp thời.
Làm thế nào để bảo vệ trẻ?
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, để hạn chế bạo hành trẻ em, các trường thực hiện công tác phòng ngừa qua việc theo dõi giám sát môi trường chăm sóc trẻ. Đối với gia đình, cha mẹ cần tổ chức các lớp kỹ năng chăm sóc trẻ. Tại các trường sớm có lớp tham vấn tâm lý học đường cho cả học sinh và giáo viên để có điều chỉnh tốt hơn, nhất là khi phát hiện có sang chấn tâm lý để trị liệu sớm.
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, sau khi có thông tin về các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, biện pháp can thiệp đầu tiên là phải ưu tiên quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ nạn nhân. Cần tách trẻ em ra khỏi người nghi xâm hại, bạo lực cho trẻ. Hoặc chuyển trẻ tới cơ sở chăm sóc y tế, thể chất, tâm thần để kịp thời điều trị sang chấn, phục hồi tốt nhất cho trẻ.
Ví dụ, với vụ việc bạo hành ở trường Mầm Xanh, Cục Trẻ em đã có kết nối với ngành giáo dục và được biết đơn vị này đã ngay lập tức đóng cửa trường và cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra. Cục đã đề nghị ngành giáo dục phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển các em tới đơn vị giáo dục khác và thực hiện chăm sóc đặc biệt như khám sàng lọc tâm lý để có phương án chăm sóc cụ thể.
Hiện nay, Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật cũng đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan, trách nhiệm của các cấp, cấp cơ sở. Theo đó, trách nhiệm các xã phường là phải triển khai ngay lập tức các biện pháp can thiệp. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Thủ tướng cũng đã có yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về tất cả sự chậm chễ, không xử lý với các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em.
Đối với các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em cần áp dụng triệt để khung hình phạt tăng nặng, mang tính chất răn đe. Sau khi bị xét xử thì phải có biện pháp truyền thông rộng rãi để xã hội thấy được việc bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Còn theo đại diện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, để bảo vệ trẻ khỏi các hình thức bạo hành, trước hết cần phải có những biện pháp tầm vĩ mô. Chính phủ phải quan tâm hơn nữa đến công tác này, phải xây dựng được một bộ máy quản lý nhà nước đủ mạnh, đội ngũ công chức nhiệt huyết và có trách nhiệm để nắm được thông tin. Chính phủ cũng phải có chính sách để các tổ chức xã hội tham gia và có cơ chế cho các tổ chức này hoạt động, có đội ngũ hội viên từ cộng đồng, giám sát cùng nhà nước bảo vệ trẻ em.
Cơ quan truyền thông đại chúng cũng phải dành thời lượng nhất định truyền thông về công tác bảo vệ trẻ em. Truyền thông những gương người tốt, lên án mạnh mẽ, ngăn ngừa chứ không phải xảy ra rồi mới giải quyết.
Ngoài ra, trước vụ việc trường Mầm Xanh, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cũng đề nghị gắn camera ở tất cả các trường mầm non trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất thường xuyên đối với các cơ sở mầm non, lắp đặt các camera nối đường truyền trực tiếp tới công an sở tại để kiểm tra, giám sát hoạt động của camera.
Nhật Thy
▪ Xét nghiệm HIV sớm để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 (27/11/2017)
▪ Bảo đảm cuộc sống không có bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái (25/11/2017)
▪ Cảnh sát ‘vây’ 8 nhà hàng, hàng trăm dân chơi nháo nhào (25/11/2017)
▪ Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới và qua biên giới (25/11/2017)
▪ Việt Nam đã cứu được gần nửa triệu người khỏi bị nhiễm HIV (23/11/2017)
▪ Điều trị ARV cho người nhiễm HIV còn nhiều thách thức (22/11/2017)
▪ Hàng nghìn người tham gia ngày hội Phụ nữ là để yêu thương (21/11/2017)
▪ Hà Nội: Tăng cường phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới (20/11/2017)
▪ Đường dây bán dâm nghìn đô bị đánh sập như thế nào? (18/11/2017)
▪ Tội phạm nghiêm trọng tăng và diễn biến phức tạp (14/11/2017)