Việc nhỏ, lợi lớn
Các Website khác - 25/08/2005
Cách đây năm 5 năm, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu phân loại rác từ nguồn thông qua chương trình thí điểm tại phường 12 quận 5. Sau khi rút kinh nghiệm, các quận 10, 5, 4 đã mạnh dạn triển khai trên diện rộng với quyết tâm tạo tiền đề cho việc mở rộng phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố.
Thay một thói quen nhỏ

Theo chương trình thí điểm phân loại rác từ nguồn của thành phố, người dân chỉ phải chuyển đổi một thói quen nhỏ của mình: thay vì bỏ tất cả các loại rác của gia đình vào chung một túi thì sẽ chọn ra rác có nguồn gốc thực phẩm để vào một túi nylon mầu xanh, các loại rác còn lại cho vào một túi nylon mầu xám. Tại các trường học, công sở sẽ có thêm một thùng mầu vàng để đựng các loại giấy, hộp sữa. Trong 6 tháng đầu thí điểm, thành phố sẽ lo toàn bộ chi phí phát thùng và túi lylon đến tận tay những người dân tham gia chương trình. Lực lượng thu gom rác cũng được bố trí lại theo cách lấy hàng ngày đối với rác túi xanh và 2 lần/tuần đối với rác túi xám.

Khảo sát của tổ chức Enda Việt Nam trong chương trình thí điểm tương tự cách nay 5 năm cho thấy có đến 91% người dân đồng ý phân loại rác từ nguồn.

Sau quận 10, các quận 5 và 4 cũng đang triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm quen với việc phân loại rác và dự kiến chính thức bắt tay vào thực hiện chương trình này vào cuối năm 2005. Các quận- huyện còn lại sẽ triển khai vào đầu năm 2006.

Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm

"Trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 5.500 - 6.000 tấn rác" - ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết. Con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong vài năm tới. Số tiền 300 tỷ đồng/năm mà thành phố phải chi ra trong một năm để xử lý chỗ rác ấy cũng sẽ gia tăng một khi lượng rác thải của thành phố tăng lên.

Sở Tài nguyên - Môi trường đã xúc tiến xây dựng nhiều nhà máy chế biến rác thành phân compost. Trong đó nhà máy của Công ty Saigon EarthCare đã động thổ xây dựng vào tháng 6-2005, nhà máy của Công ty Lemna đang hoàn thiện những công việc chuẩn bị cuối cùng để có thể động thổ vào tháng 9-2005. Ngoài ra, Sở cũng mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động tái chế rác thành than rạch, ủ rác thu khí… để sử dụng một cách hiệu quả lượng rác đã được phân loại.


Không chỉ tốn tiền của, theo ông Việt, việc phải chôn lấp một lượng rác khổng lồ cũng để lại những hậu quả không tốt về môi trường. Mỗi khi mở bãi để nhận rác, mùi xú uế từ rác chôn ở đây bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân sinh sống chung quanh. Đó là chưa kể đến nước rỉ rác - cái thứ nước hôi thối chảy ra từ rác bị phân hủy cũng làm tiêu tốn của thành phố không ít tiền xử lý.

Tham gia dự án phân loại rác từ nguồn, người dân sẽ giúp thành phố giảm chi phí xử lý rác. Những loại rác dễ phân hủy (như rác thực phẩm) sẽ được xử lý thành phân bón; những loại rác có thể tái chế được (như nhựa, giấy…) sẽ được đưa đi tái chế. Phần rác còn lại mới đem đi chôn. Với 2 lần chọn lọc như trên, lượng rác còn lại sẽ không nhiều. Như vậy thành phố sẽ không tốn đất để chôn rác, giảm tiền xử lý nước rỉ rác, hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm mà nước rỉ rác là nguyên nhân chính, hạn chế phát sinh lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính phát sinh trong quá trình phân hủy rác… Bù vào đó còn thu được phân và sản phẩm tái chế từ rác. Chỉ cần thay đổi một thói quen nhỏ, người dân đã giúp thành phố tiết kiệm được một số kinh phí lớn.

Vấn đề còn lại

Một khảo sát khác của tổ chức Enda Việt Nam cho thấy: trở ngại lớn nhất khi triển khai dự án không phải từ phía hộ dân mà là lực lượng thu gom rác dân lập. Lực lượng này thường hoạt động trong điều kiện thiếu thốn về phương tiện chuyên chở rác chuyên dụng và thiếu những kỹ năng về phân loại rác. Rác đã được phân loại từ nhà dân nhưng khi giao vào tay những người này, nhiều khi lại bị nhập làm… một. Và điều này cho đến thời điểm hiện nay vẫn nóng hổi tính thời sự.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND thành phố quy chế quản lý đội ngũ thu gom rác dân lập như là một cách để từng bước chấn chỉnh hoạt động này. Sau khi được thành phố phê duyệt, quy trình này sẽ được triển khai thực hiện ở các quận- huyện – nơi quản lý chính lực lượng rác dân lập. Như vậy vấn đề hiện nay là ngành chức năng sẽ phải quản lý đội ngũ này như thế nào để việc phân loại rác tại nguồn của dân không uổng phí.

Theo Theo Sài Gòn giải phóng