Đào hầm trong lòng địch
Người đào hàng trăm căn hầm bí mật đó là ông Lê Tấn Hưng ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long mà nhiều người quen gọi thân mật là "Ông Ba đào hầm".
Ông là một nông dân hiền lành, chất phác nói năng từ tốn và rất mến khách. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 83, tóc đã bạc trắng nhưng ông vẫn khỏe và rất minh mẫn.
Gợi lại chuyện xưa, ông Hưng nhớ như in những gì xảy ra cách đây hàng mấy chục năm. Ông kể: "Hồi mới lọt lòng mẹ, tôi đã nghe súng nổ. Đặc thù của xã Tích Thiện là vùng giáp ranh và nằm kề sông Hậu điều kiện đi lại dễ dàng nên suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tích Thiện luôn là vùng nóng". Nhà nghèo nên ông không được đi học, hàng ngày phải làm thuê kiếm sống. Thế rồi chuyện đào hầm bí mật đến với ông như một duyên cớ. Vào khoảng năm 1945, nhiều hộ dân Tích Thiện thiếu đói do ảnh hưởng chiến tranh lại hay bị bọn địa chủ cường hào cướp bóc. Bức xúc trước tình cảnh ấy, ông Hưng xin tham gia đội Thanh niên Cứu quốc của xã.
Thời điểm này, cấp trên tăng cường một số cán bộ lãnh đạo về Tích Thiện hoạt động bí mật để củng cố tình hình nên rất cần những địa điểm an toàn để trú ẩn, thế là nhu cầu đào hầm được đặt ra. Sau khi xem xét, cân nhắc, cuối cùng lãnh đạo xã chọn ông Hưng. Thật ra, chuyện đào hầm thế nào ông không hề biết và hình thù cái hầm ra sao ông cũng chưa thấy bao giờ; có chăng ông chỉ biết chút ít nghề thợ mộc do cha truyền lại nhưng ông nghĩ: "Cấp trên đã tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng thì dù khó mấy cũng phải làm bằng được". Thế là ông lao vào nghiên cứu phương pháp đào hầm, cách chọn địa điểm an toàn để không bị địch phát hiện...
Trong lần ghé nhà ông Bảy Bộn ở ấp Tích Phú ông nhìn thấy sau hè có đám khoai lang trồng từ ruộng vào tận vách nhà. Ông Hưng bàn với ông Bộn đào hầm ngay góc cửa nhà, theo hình chữ L ra tận ruộng khoai. Chỉ trong một đêm căn hầm dài 1,4m, ngang 5 tấc, sâu 1,2m được đào xong. Nắp hầm nằm cạnh góc cửa, còn những lỗ thông hơi ăn ra ruộng khoai. Tất cả được ngụy trang tinh vi, ngay cả người trong nhà cũng không hề biết. Tiếp theo là căn hầm cạnh nhà ông Bảy Nhiễu cũng ở ấp Tích Phú. Lần này ông chọn chỗ bụi tre để đào hầm. Thoạt nhìn chỉ là bụi tre xanh tốt bình thường nhưng phía dưới là căn hầm có cửa ăn ra ngoài. Và hàng chục căn hầm bí mật khác lần lượt ra đời ở nhiều địa điểm, vị trí khác nhau như: trong nhà, sau vườn, ven đường, thậm chí cạnh mé sông. Nơi nào đất cứng thì ông dùng cây đóng cọc để đội nắp hầm lên, có khi xây hầm bằng xi-măng hoặc sử dụng những cái lu lớn để làm hầm. Tùy theo địa thế đất từng nơi mà ông bố trí loại hầm thích hợp.
227 căn hầm an toàn
Ông Hưng (đứng giữa) hướng dẫn mọi người xem căn hầm bí mật do ông đào ngày xưa.
Hầm ông làm ngày càng hoàn chỉnh bảo đảm độ an toàn cho nên cấp trên tín nhiệm và giao hẳn việc đào hầm cho ông. Khi thì ở Trà Ôn, lúc xuống Cầu Kè, rồi sang Sóc Trăng, Hậu Giang... ở đâu yêu cầu là ông có mặt. Tất cả những căn hầm đều được ông đào vào ban đêm. Nếu đất mềm đào khoảng 4-5 tiếng, còn gặp đất cứng đào suốt đêm vẫn không xong phải khiêng đất đổ đi nơi khác và che kín dấu tích căn hầm tránh để địch phát hiện, chờ đến tối hôm sau đào tiếp.
Từ năm 1946 đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, ông đào tổng cộng 227 căn hầm bí mật, phục vụ nhiều cuộc hội nghị quan trọng và là nơi trú ẩn của nhiều cán bộ chủ chốt ở Vĩnh Long và một số tỉnh khác. Mặc dù địch ra sức tìm kiếm nhưng không hề phát hiện bất cứ một căn hầm nào.
Bà Trần Kim Nhung, 77 tuổi (vợ ông Hưng) cho biết: "Khi địch phát hiện ông là người đào hầm cho cách mạng, bọn chúng liên tục vây nhà bắt ông. Không bắt được, chúng tức tối bốn lần phóng hỏa đốt nhà và đuổi cả gia đình đi nơi khác". Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, ông Hưng trở về quê Tích Thiện phát hoang ruộng đất đào mương lập vườn sinh sống. Ông có bốn người con (một trai, ba gái), trong đó có hai người tham gia công tác Hội Phụ nữ xã, một làm Phó Bí thư chi bộ ấp Mương Điều. Ngoài việc chăm sóc vườn, ông còn tích cực làm công tác xã hội ở địa phương.
Vùng căn cứ cách mạng Tích Thiện bây giờ đã thay da đổi thịt, số hộ nghèo chỉ còn 1,17% và đang phấn đấu để năm nay đạt danh hiệu xã văn hóa. Anh Nguyễn Văn Trạng, Bí thư Đảng ủy xã Tích Thiện phấn khởi: "Chúng tôi tự hào về xã Tích Thiện anh hùng, trong đó có đóng góp không nhỏ của ông Hưng. Gia đình ông hiện là tấm gương để bà con trong vùng noi theo".
|