Vượt lên nỗi đau, mất mát riêng
Tôi đã có một đêm thức cùng đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị giữa đại ngàn Xavanakhet. Đó là đêm giao ban, rút kinh nghiệm cho những cuộc hành quân tìm kiếm hài cốt tiếp theo của đội. Bên đống lửa, ba cán bộ chỉ huy đội là: Trung tá Trần Hữu Lưu (đội trưởng), Thiếu tá Lê Thanh Bình (đội phó chính trị) và thiếu tá Đào Viết Sử, đồng thời là tổ trưởng các hướng đang chụm đầu bên nhau bàn bạc nhiệm vụ. Gương mặt các anh đen sạm với đôi mắt thâm quầng. Sau buổi giao ban, chỉ với mấy mẩu lương khô và hăng gô nước suối rừng đun sôi mà không khí trò chuyện rôm rả, thân tình quá. Tiếng cười lạc quan của người đội trưởng dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho anh em trong đội đi tìm đồng đội.
Vốn là chiến sĩ của đoàn C68, Trần Hữu Lưu đã có nhiều năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào anh em. Những năm tháng chiến đấu ác liệt đó, anh đã bao lần kìm nén nỗi đau để khâm liệm, chôn cất đồng đội mình hy sinh giữa những cánh rừng Lào. Năm 1996 về nước, sau một khoá học chuyển loại, anh được chuyển về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, làm đội trưởng đội tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam chiến đấu hy sinh trên đất bạn Lào.
Quê anh ở xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, vốn là một làng quê giàu truyền thống cách mạng. Anh đã có vợ từ năm 1983 và hai con. Con trai là Trần Hữu Bình năm nay đã 23 tuổi và cô con gái Trần Thị Ngọc 15 tuổi. Nhưng các cháu đều bị nhiễm chất độc da cam, thân thể dị dạng, chỉ bằng trẻ lên 9, lên 10 tuổi. Nỗi đau giày vò trong gia đình. Bố anh qua đời, còn mẹ anh, người mẹ già 76 tuổi, uất quá đến lâm bệnh tâm thần. Chị Trần Thị Viên (vợ anh), hiền thảo, đảm đang, thân thể gầy rộc... Cứ đến mỗi mùa khô, chị Viên lại có mặt động viên, tiễn chồng và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ. Chị không nói nên lời. Nhưng nắm bàn tay gầy guộc, chai sạn của vợ, anh thấu hiểu và nhớ lời dặn của chị ngày mới yêu nhau: "Mong anh lên đường chân cứng đá mềm, ráng tìm kiếm được nhiều đồng đội hy sinh về với đất Mẹ".
Đêm nằm trên cánh võng giữa đại ngàn Xavanakhet, chúng tôi không sao chợp mắt được. Anh soi đèn ngắm những bức ảnh mẹ, vợ, con. Anh ngắm trong ảnh gương mặt bầu bĩnh trẻ trung của các liệt sĩ Phạm Viết Hòa và Trương Quang Thanh là đồng đội thân yêu nhất đã hy sinh. Anh vội đưa chiếc khăn chấm những giọt lệ ứa trên khoé mắt, rồi lặng lẽ bước vào khu nhà bạt, thắp tiếp nén hương trên bàn thờ bên những hài cốt vừa mới tìm kiếm, cất bốc. Khói hương thơm thoảng khắp cánh rừng...
Gần 20 năm qua, Trần Hữu Lưu nén nỗi đau riêng để không chùn chân mỏi gối trên đường đi tìm đồng đội. Anh đã trở thành tấm gương sáng, thúc giục, động viên anh em trong đội tìm kiếm, cất bốc hàng nghìn hài cốt liệt sĩ, làm vơi bớt nỗi đau của bao người mẹ, người chị trong cả nước đang trông ngóng đợi chờ.
Thức cùng Sê Pôn
Khó mà kể hết có bao nhiêu cánh rừng, bao ngọn núi, dòng sông, làng bản các bộ tộc Lào đã in dấu chân của đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị. Một lần đội phải tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ ở bản Vàng Hày, xã Na Thôn, trên ngọn Pa Zui... huyện Sê Pôn, tỉnh Xavanakhet. Đội quy tập đã hành quân suốt mấy ngày đường, lội trong lau lách. Trời nhá nhem, đội dừng chân ở bản Mặc Hày (Mường Phìn). Cả bản vắng ngắt, anh em đành phải hạ trại trong cánh rừng khộp.
Chỉ sau một giờ, Thoong Chăn (huyện đội trưởng huyện Sê Pôn) đi cùng đội cho biết trong bản có gia đình Khăm Lay và năm đứa con bị sốt rét nặng. Người dân trong bản sợ con ma rừng về ám nên không mở cửa ra vào. Đội trưởng Trần Hữu Lưu liền cùng với y sĩ Nguyễn Văn Bắc và một số anh em trong đội đến cấp cứu ngay. Y sĩ Bắc khám, truyền huyết thanh cho bệnh nhân. Anh em trong đội dành phần đường, sữa, thuốc bổ tiêu chuẩn để bồi dưỡng cho gia đình Khăm Lay. Chỉ mấy ngày sau, Khăm Lay và các con đã khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe. Tin Bộ đội Cụ Hồ về "đuổi con ma rừng", cứu gia đình Khăm Lay truyền tụng từ làng trên xuống bản dưới. Đêm xuống, bộ đội cùng dân bản đốt lửa giao lưu văn nghệ, hát vang những bài ca cách mạng, ca ngợi tình hữu nghị hai dân tộc Việt-Lào anh em. Dân bản đỏ đuốc kéo xuống đông lắm, ai cũng muốn nhìn thấy Bộ đội Cụ Hồ. Bun Ngọc, bản trưởng từ trên ngọn Pa Zui cũng theo con cháu xuống thức suốt đêm hát cùng bộ đội. Hôm sau bộ đội lại hành quân lên đường đi tìm hài cốt liệt sĩ. Trên đường hành quân, đi dọc dòng sông Sê Băng Hiêng, qua các bản đều thấy bà con các dân tộc Lào ra đón chào, tiễn đưa anh em lên đường làm nhiệm vụ. Đến chân ngọn Pa Zui, có ba nhà sư trong vùng đã tình nguyện đi cùng để giúp đỡ anh em, quyết cất bốc bằng được hài cốt liệt sĩ Việt Nam về nước... 32 hài cốt liệt sĩ được quy tập trên ngọn Pa Zui đã được các sư và dân bản trong vùng đưa vào chùa của mình để làm lễ cầu hồn cho các liệt sĩ chu đáo trước khi về nước.
Thế đấy, suốt gần 20 năm đi tìm đồng đội, có đội quy tập phải vượt qua biết bao khó khăn để quy tập hơn 6.000 hài cốt quân tình nguyện Việt Nam về nước trong tình thương yêu đùm bọc, cưu mang của Đảng bộ, nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Đội đã được Đảng, Chính phủ tặng thưởng một huân chương Chiến công hạng nhất, một huân chương Chiến công hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý của nước bạn Lào.
|