Ngày 24-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 63/2005/NĐ- CP về bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo quy định mới, người có thẻ BHYT khi sử dụng kỹ thuật cao có mức chi phí từ 7 triệu đồng trở xuống được thanh toán 100%. Nếu cao hơn mức này, chỉ có một số đối tượng chính sách được trả 100%, còn lại người bình thường phải cùng “chia sẻ gánh nặng” với Quỹ BHYT theo phương thức quỹ thanh toán 60%. Tiếng là chia sẻ gánh nặng, song BHYT cũng chỉ “gánh đỡ” tối đa là 20 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ.
Thanh toán tối đa 20 triệu đồng là quá thấp
PGS-TS Nguyễn Ngọc Tước, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho rằng việc thực hiện BHYT bắt buộc đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22-8, tuy nhiên lại chưa ban hành danh mục kỹ thuật cao, nhất là mới đây Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Nội có văn bản yêu cầu bệnh viện (BV) phải thu tiền của những bệnh nhân sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao hơn 7 triệu đồng, sau đó mới cho sử dụng dịch vụ đã gây nhiều khó khăn cho BV và người bệnh.
Ông Tước nói, thông thường mỗi trường hợp bệnh nhân cấp cứu do bị nhồi máu cơ tim phải dùng những kỹ thuật điều trị tới 30 triệu - 40 triệu đồng, chả lẽ trong lúc thập tử nhất sinh thì BV lại phó mặc tính mệnh của họ vì không có tiền nộp? Ông Tước cũng cho biết, đối với những bệnh nhân phải đặt stent động mạch vành đang được điều trị tại Viện Tim, có tới 40% phải đặt từ 3- 4 stent, chi phí đặt một stent từ 30 triệu đến trên 40 triệu đồng. “Tổng chi phí trên so với mức tối đa người bệnh được BHYT thanh toán là 20 triệu đồng thì quá thấp!” - PGS-TS Nguyễn Ngọc Tước quả quyết.
Đồng tình với nhận xét trên, ông Nguyễn Ngọc Hiền, trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Bạch Mai, cho rằng, đã gọi là dịch vụ kỹ thuật cao thì chi phí thường lớn, có dịch vụ vài chục triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới vài trăm triệu đồng do vậy nếu chỉ trả tối đa 20 triệu đồng một dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao thì coi như đã khép lại cơ hội được chữa bệnh đối với người bệnh, nhất là những người nghèo.
Quyền lợi người bệnh vẫn bị khống chế
Không ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các BV thắc mắc tại sao Quỹ BHYT chỉ thanh toán cho họ tối đa 20 triệu đồng trong khi quỹ hiện đang còn kết dư gần 2.500 tỷ đồng. Từ thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Hiền đề nghị nên có một cơ quan chức năng đứng giữa BHXH và BV trả lời những thắc mắc tương tự như trên của người bệnh.
Bác sĩ Vũ Quý Hợp, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Nhi Trung ương, nêu thực tế là trước đây có những bệnh nhân phải điều trị hết 50 triệu - 100 triệu đồng, tức là vượt trần hiện nay rất nhiều nhưng cuối năm BHXH vẫn xem xét để chi trả toàn bộ cho BV. Tuy nhiên, thực hiện chính sách mới, người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi đó nữa.
Ông Hợp kiến nghị, không nên quy định trần đối với những dịch vụ kỹ thuật cao mà nên thực thanh, thực chi. Về lâu dài, quỹ sử dụng hết thì nên tăng mức đóng của người tham gia BHYT lên 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần so với hiện nay để những người bị bệnh hiểm nghèo không phải lo lắng, tính toán nếu chẳng may họ phải sử dụng kỹ thuật cao điều trị bệnh.
Thạc sĩ Trần Ngọc Quế, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, cho rằng nếu lo “vỡ” Quỹ BHYT thì không nhất thiết phải tăng lên quá nhiều dịch vụ kỹ thuật cao để rồi khống chế trần cho mỗi dịch vụ mà nên tập trung vào những kỹ thuật cao người bệnh thường xuyên phải sử dụng để tăng thêm quyền lợi cho họ.
“Đóng có hạn, không thể chi vô biên”
Lý giải vì sao mà các cơ quan chức năng ủng hộ việc khống chế trần chi trả dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết việc chi trả như trong Nghị định 63/2005/NĐ- CP về BHYT là phù hợp với mức đóng BHYT hiện nay. Theo ông Khương, khả năng cân đối quỹ cũng có hạn nên nếu trả cao hơn chắc chắn sẽ “vỡ” quỹ. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay cũng chưa thể lập tức tăng mức đóng BHYT vì điều đó không chỉ “đánh” vào túi tiền của người dân mà còn làm “đội” chi phí cho người sử dụng lao động.
Ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), cho biết trong tuần tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành danh mục khám chữa bệnh kỹ thuật cao gồm hơn 70 kỹ thuật cao được BHYT chi trả để các BV có thể triển khai thực hiện ngay sau đó. Cũng theo ông Kính, với việc thực hiện chính sách BHYT mới, quyền lợi người bệnh đã được tăng lên rất nhiều. Ngoài việc BHYT chi trả 100% chi phí điều trị, người bệnh sẽ được thanh toán điều trị các dị tật bẩm sinh, các kỹ thuật cao như: phẫu thuật tim bẩm sinh, thay đốt sống, thông tim, ghép gan, ghép tim, ghép thận... Bên cạnh đó, hơn 100 danh
mục chưa có trong Nghị định 95 cũng sẽ được ban hành và được BHYT chi trả. Tuy nhiên, ông Kính cũng lại lên tiếng kêu gọi người bệnh “chia sẻ gánh nặng” với BHYT, tham gia cùng chi trả nếu sử dụng những kỹ thuật cao trên 7 triệu đồng. Bởi theo ông nếu đóng có hạn mà chi lại “vô biên” thì sớm muộn sẽ “vỡ” quỹ.
Hướng dẫn mới về thực hiện chính sách BHYT tự nguyện Dưới 7 triệu đồng được thanh toán 100% chi phí Ngày 24-8, liên Bộ Y tế- Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện BHYT tự nguyện. Theo đó, thành viên hộ gia đình; thân nhân người lao động và hội viên hội, đoàn thể; hội viên hội, đoàn thể ở thành thị tham gia BHYT tự nguyện có mức đóng từ 100.000- 160.000 đồng và nông thôn đóng từ 70.000 - 120.000 đồng. Các đối tượng trên đăng ký tham gia và đóng phí BHYT ít nhất sáu tháng một lần. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên, ở thành thị đóng BHYT tự nguyện từ 40.000 - 70.000 đồng và nông thôn từ 30.000 - 50.000 đồng. Theo quy định mới này, người bệnh có thẻ BHYT tự nguyện khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí dưới 7 triệu đồng được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Đối với các dịch vụ kỹ thuật cao có mức chi phí từ 7 triệu đồng trở lên được thanh toán 60% chi phí nhưng không quá 20 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp 60% chi phí thấp hơn 7 triệu thì BHXH thanh toán bằng 7 triệu đồng. Bệnh nhân đi khám chữa bệnh ở nước ngoài được thanh toán theo mức chi phí bình quân của các BV tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Hội và TP Hồ Chí Minh. Thông tư cũng quy định, một số trường hợp không được hưởng quyền lợi BHYT như: điều trị bệnh phong; thuốc đặc hiệu điều trị bệnh lao, sốt rét, tâm thần phân liệt, động kinh; chỉnh hình thẩm mỹ và tạo thẩm mỹ, làm chân tay giả; mắt giả, răng giả, điều trị các bệnh nghề nghiệp...
|
|