Khách sạn Omni Parker House, cao 7 tầng, do một nhà cự phú người Anh, tên là Harvey Parker, xây dựng từ 1855 theo kiểu kiến trúc lâu đài cổ của Anh. Thật ra, vào năm 1855, nơi này chưa có bảng tên đường nhưng mọi người Mỹ thời ấy đều gọi là đường Freedom Trial (đường mòn tự do) bởi trước khách sạn Omni Parker House này từng diễn ra những cuộc biểu tình, bãi công và đấu tranh giành độc lập quyết liệt của những người dân Hoa Kỳ với quân chiếm đóng người Anh. Sau đó khách sạn Omni được cải tạo lại, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ dáng vẻ, cốt cách một tòa lâu đài cổ thuở ban đầu.
Sảnh của Omni Parker House ngày nay không rộng thênh thang như các khách sạn cùng tên Omni của tập đoàn này mà chật hẹp và cổ xưa với những miếng gỗ dát tường, các thành vịn cầu thang bằng gỗ lên nước đỏ au và các cánh cửa dát đồng bóng loáng bởi gần trăm năm qua, mỗi ngày biết bao bàn tay của khách và nhân viên đã chạm vào.
Biết chúng tôi là những nhà báo tháp tùng Đoàn Chính phủ Việt Nam, các nhân viên khách sạn vui vẻ giải đáp những thắc mắc của chúng tôi một cách cặn kẽ, vui vẻ và pha chút hãnh diện khi họ đang trở thành "gạch nối" giữa quá khứ và hiện tại của dân tộc Việt Nam thông qua những câu chuyện về "Uncle Hồ". Trong khi chờ Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn khách Chính phủ Việt Nam, ông David W. Ritche, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị khu vực Đông Hoa Kỳ của KS Omni Parker House đã cho phép tôi la cà nhiều nơi trong khách sạn. Cô tiếp tân người Mỹ dẫn tôi thăm nhà hàng và bar, nơi cố Tổng thống John F. Kennedy từng diễn thuyết khi ra tranh cử Thượng nghị sĩ của bang Massachusette. Cô chỉ cho tôi cái bàn bên trái, nơi ngày xưa ông nội của cố Tổng thống John F. Kennedy hay ngồi để trò chuyện với bạn bè và góc nhà hàng, nơi chàng thanh niên J. F. Kennedy đã "choáng người" khi bất ngờ gặp người đẹp Jacqueline, phu nhân của ông sau này.
Còn chiếc bàn bên phải cầu thang xoắn bằng gỗ sồi là nơi cố Tổng thống Roosevelt từng ngồi ăn sáng. Cô tiếp tân kể tôi nghe chuyện ông MalColm Little, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Mỹ, từng làm bồi bàn cho nhà hàng này vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước. Cô còn chỉ tôi xem nhóm bàn tròn góc trái nhà hàng, đó là nơi họp mặt của các nhà thơ nổi tiếng của Mỹ và Việt Nam (như Kenvin Bowen, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bá Chung...). "Nhiều người nổi tiếng từng có mặt và làm việc ở đây. Đó là lý do nhiều du khách đến tham quan khách sạn này dù giá vé vào cửa là 12 USD/người" - cô gái nói.
Men theo chiếc cầu thang gỗ với những thanh vịn bằng gỗ lên nước đỏ au và nẹp đồng bóng loáng dẫn xuống thang hầm, đoàn khách Chính phủ Việt Nam bước vào căn bếp nhỏ hẹp, nơi ngày xưa anh thợ Văn Ba đã từng nhào bột và nướng bánh. Cả đoàn đang đi rầm rập, bỗng dưng Thủ tướng Phan Văn Khải chậm bước hẳn khi vào đến giữa gian bếp, cứ như ông sợ làm tan không khí trang nghiêm, xúc động quanh đấy. Ông đưa tay chạm vào những thứ cũ kỹ trong căn bếp nhỏ chật chội, gương mặt đầy xúc cảm. Thủ tướng như chợt tỉnh khi Giám đốc David W. Ritchie đưa đến khay bánh vàng ươm mời ông và đoàn khách Việt Nam rồi nói: "Đây là loại bánh ngày xưa Bác Hồ từng làm, nhưng bây giờ đã được làm bằng dây chuyền tiên tiến". Cầm chiếc bánh trong tay, Thủ tướng nói bằng giọng cảm động: "Ăn bánh đi các bạn, ăn vị ngọt hôm nay để cảm nhận sự vất vả, đắng cay những năm tháng xưa mà Bác Hồ của chúng ta từng trải qua ở đây...".
Trong tờ quảng cáo của khách sạn và tập sách giới thiệu về khách sạn Omni Parker House mà phó Thủ tướng Vũ Khoan đọc cho nhiều người nghe có đoạn viết: "Hồ Chí Minh từng giữ vị trí phụ trách lò bánh (pastry chef) của Parker từ năm 1911- 1913. Chiếc bàn mà ông ấy đã làm việc, hiện vẫn còn trong lò bánh này....". Tôi loay hoay nhìn quanh một dãy bàn để tìm cái bàn ngày xưa Bác chúng ta từng đổ mồ hôi để mưu sinh trong cuộc trường chinh đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Nguyễn Vũ Tú, Cố vấn Pháp luật của Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, đã chỉ cho tôi chiếc bàn có một góc bị mẻ. Mặt bàn bằng đá trắng xám trên đặt chiếc máy ủ bột còn rơi vãi bột nhồi quanh khóe máy...
Tôi chợt nhớ câu chuyện mà nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền Phong) kể về chiếc bàn đá mẻ góc này: nhà thơ Kenvin Bowen (một cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam từng nổi tiếng với tập thơ đoạt giải ở Mỹ, trong đó có bài Chơi bóng rổ với Việt Cộng và nhà thơ, dịch giả gốc Việt, tên Nguyễn Bá Chung, đã nhiều lần vào tham quan căn bếp và đặt thợ làm cái bàn đá có mầu sắc và vết mẻ cũ y hệt cái bàn này và xin đổi nhưng lần nào cũng bị từ chối bởi lẽ "đây không còn là cái bàn đá bình thường mà là tài sản quý của khách sạn. Tài sản nhỏ này mang trong nó một câu chuyện về một nhân vật lớn mà nhân loại ngưỡng mộ, trong đó có chúng tôi, những người làm việc ở khách sạn Omni Parker House", Giám đốc David W.Ritchie nói.
Cầm chiếc bình vàng thơm trên tay, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Vũ Khoan và những người Việt Nam có mặt ở trong căn bếp ở tầng hầm cuối cùng của khách sạn hơn trăm tuổi này đều trào dâng niềm cảm xúc mãnh liệt với lòng tự hào dân tộc.
|