Báo động tuổi "tin"!
Các Website khác - 29/05/2006
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Báo động tuổi "tin"!


Hà Văn Thịnh

Mấy tháng trước, một học sinh đang ôn thi đại học đã sát hại một cô giáo Trường Đại học Nghệ thuật Huế, chỉ vì bị bắt quả tang đang ăn cắp mấy trăm ngàn đồng. Hai tháng trước, một học sinh lớp 10 ở Quảng Trị cắt mạch máu để tự sát. Hôm 27.5.2006, Báo Lao Động đưa tin 5 nữ học sinh lớp 7 ở Hải Dương đã dùng khăn quàng, cột tay nhau làm thành một vòng tròn rồi cùng nhảy xuống sông Thái Bình tự tử tập thể(!)...

Những dòng tin trên thật là ngắn, nhưng vấn đề mà những sự kiện đặt ra thì thật là dài. Thứ nhất, tuổi "tin"(từ 13 đến 19 tuổi, gọi theo cách "thời cuộc hoá - thirdteen, nineteen) là một quãng thời gian cực kỳ quan trọng của cuộc đời. Thứ hai, đây là lứa tuổi có những biến động vừa đột phá, vừa nhiều kịch tính về cả tâm lý, sinh lý. Tuổi "tin" dễ bị kích động, dễ bị ảnh hưởng xấu và hầu hết các trường hợp đáng tiếc xảy ra đều chứng tỏ, lứa tuổi này ít khi làm chủ được sự xô đẩy của tình thế. Thứ ba, có một sự thật là, chưa bao giờ xã hội đề cập đến một cách đầy đủ về việc phải chuẩn bị một cách toàn diện, cũng như sự quan tâm của cả nhà trường và xã hội đối với lứa tuổi này.

Một điều không thể không đáng lưu ý là cả 3 trường hợp (còn không ít trường hợp nữa) nêu ở trên đều là những học sinh ở nông thôn! Một khi "làn sóng" của tai hoạ đã lan đến cả những vùng quê yên tĩnh nhất, thì nhất thiết phải coi đó là sự trầm trọng của xã hội.

Các thống kê về tội phạm học trên thế giới cho biết, do tuổi "tin" là lứa tuổi quyết định việc hình thành nhân cách, nên hơn 70% các tội phạm đều đã sa ngã chính trong giai đoạn "tin". Những khủng hoảng về gia đình, bạn bè, khó khăn kinh tế..., đều là những yếu tố "can thiệp" quyết định đến những sai phạm. Đặc biệt, trong một xã hội mà sự phân hoá và thay đổi các điều kiện sống diễn ra với tốc độ nhanh như nước ta hiện nay, những bức xúc và trầm cảm về tâm lý là khá phổ biến. Cũng phải nhìn thấy là, ở những gia đình có thu nhập thấp - thường xuyên bị "phản cảm" với nhóm thu nhập cao - tuổi "tin" càng dễ bị mặc cảm và ức chế.

Rõ ràng, hiện tượng sẽ không còn là sự đơn lẻ, cá biệt nữa, khi thực tế cho thấy mức độ khá phổ biến về những điều đáng đau lòng từ lứa tuổi lẽ ra phải thật sự trong sáng. Một trong những điều đáng phải được "báo động đỏ" hiện nay là phải nhận thấy tính cấp bách của vấn đề. Giải pháp ở đâu?

Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất là, cả xã hội phải hiểu rõ việc cần làm. Vai trò của cộng đồng trong việc giúp đỡ, động viên, tháo gỡ khúc mắc là rất đáng kể. Trước khi chết, 5 nữ sinh đã khóc rất nhiều, nhưng thầy, cô giáo, bạn bè không hề biết. Điều tiếp theo là đã đến lúc Bộ GDĐT cần phải đề ra một chiến lược thực sự cho công tác giáo dục, quan tâm đến lứa tuổi rất đặc biệt này và cả những người dạy dỗ lứa tuổi này. Dĩ nhiên, đây không thể là việc có thể giải quyết thật nhanh chóng. Điều sau cùng là các bậc cha mẹ cần phải hiểu rõ vai trò của họ trong việc giáo dục con cái. Mắng chửi con đến mức chúng phải tự tử; thấy con cái có biểu hiện bất thường, nhưng dễ dàng "cho qua" là những bài học cay đắng của nỗi đau.

Chuyện của tuổi "tin" không chỉ là chuyện của bây giờ. Nếu không có những giải pháp cần thiết, hậu quả đối với ngày mai, ngày kia là không thể nào lường trước được.