Thực trạng
Vào thời điểm hiện nay, rất nhiều công trình giao thông trọng điểm đang bị kìm tiến độ bởi mặt bằng bàn giao không đáp ứng yêu cầu thi công. Ở hai thành phố lớn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng "để nguyên thì kẹt xe, mở ra lại vướng mặt bằng".
Thí dụ: Các dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chậm trễ đều do vướng chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB). Như dự án cầu Thủ Thiêm phía quận Bình Thạnh mới bàn giao 70% mặt bằng; Dự án cầu Nguyễn Văn Cừ, phần quận 5 và quận 8 đến thời điểm này chỉ bàn giao 48% mặt bằng; Dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi mới bàn giao 70% mặt bằng... Còn ở Hà Nội? Ðoạn đường vành đai ba qua quận Thanh Xuân, đoạn đầu quốc lộ 32 và hầm cho người đi bộ ở Ngã Tư Vọng, vài ba năm nay dẫm chân tại chỗ do vướng mặt bằng. Ðường đầu cầu phía nam cầu Thanh Trì cũng đang gặp trở ngại tương tự.
Không chỉ ở đô thị, khâu GPMB vẫn gặp khó khăn gồm cả những nơi thưa dân hơn. Chúng tôi có dịp đi trên công trường xây dựng đường Hồ Chí Minh qua Hà Tây và Hòa Bình, tận mắt thấy năm đoạn vướng mặt bằng nhùng nhằng từ hai đến bốn năm nay chưa giải quyết dứt điểm. Ðáng chú ý hơn là, ở đây bộc lộ khá đa dạng những mặt hạn chế của công tác này. Tại Hà Tây, chỗ vướng 100 m thuộc huyện Mỹ Ðức, nguyên nhân do chính quyền cấp xã trước đây lấy đất ruộng cho thuê "chui" để làm mặt bằng sản xuất gạch ngói, nay dân không chấp nhận đền bù theo giá đất ruộng mà đòi được đền theo giá đất kinh doanh; đoạn 1 km từ nút giao thông Xuân Mai đến cầu Xuân Mai trắc trở chủ yếu do chính quyền cấp tỉnh chậm ra quyết định về hai khu tái định cư. Còn ở Hòa Bình, đoạn 100 m chưa bàn giao mặt bằng ở huyện Yên Thủy lùng bùng trong việc xác định đất vườn hay đất thổ cư. Việc nâng đường điện 220 kV ở huyện Lạc Sơn, đă có công văn của cấp thứ trưởng ký, nhưng chưa thấy động dạng gì. Ðoạn km 49-53 thuộc huyện Kim Bôi, dân đã chấp nhận bàn giao mặt bằng và khi Công ty Việt Bắc đang thi công dở dang thì một số người so sánh với vùng bên cạnh thấy bị thiệt liền ra ngăn cản, đòi nâng giá đền bù và hạn mức diện tích đất đền bù. Tình trạng này kéo dài bốn năm nay chưa giải quyết được...
Nguyên nhân
Ðã có nhiều cố gắng xác định thời hạn GPMB, nhưng tính pháp lý mới ở dạng cam kết, chưa có ai chịu trách nhiệm về thiệt hại vật chất do việc chậm GPMB gây ra. Qua trao đổi ý kiến với một số đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương, ban quản lý dự án và nhân dân, chúng tôi nhận thấy tiến độ và chất lượng GPMB phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: Một là, thực trạng quản lý đất đai, hay nói đúng hơn là hiệu lực pháp lý về quản lý đất đai của từng địa phương. Nơi nào đã hoàn chỉnh bản đồ địa chính, làm rõ nguồn gốc đất, ban hành công khai hạn mức diện tích đất ở và đất canh tác thì khâu đo đạc, xác định tính pháp lý của đất để áp giá đền bù hoặc hỗ trợ, di chuyển tái định cư thường thuận lợi hơn. Trái lại, những điểm phức tạp trong GPMB thường là khi có dự án mới bắt đầu tiến hành những việc thuộc nội dung quản lý thường xuyên nói trên, dân chưa được chuẩn bị về nhận thức pháp luật và những quy định cụ thể về đất đai. Hai là, khả năng xử lý những vướng mắc phát sinh của các cơ quan chức năng. Thắc mắc của dân phần lớn tập trung ở nguồn gốc đất, hạn mức đất, hệ số sinh lời (nhất là đất đô thị), đơn giá đền bù hoặc hỗ trợ, một số vấn đề phức tạp về đất đai do quá khứ để lại và về vị trí, chất lượng, giá cả nhà hoặc đất khu tái định cư...
Trong bối cảnh đó, chỉ cần một trường hợp xử lý sai (do chưa am hiểu các quy định, thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiên vị, tiêu cực hoặc nhượng bộ vô nguyên tắc) dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền, có thể toàn bộ phương án đền bù và hỗ trợ bị đổ vỡ phải làm lại từ đầu...
Một số đề xuất
Ðể "lượng hóa" thời gian GPMB vững chắc, phải trên cơ sở xây "nền" pháp lý và quản lý đất đai, không thể nôn nóng. Mặt khác, kế hoạch mở mang giao thông nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, đòi hỏi có sự chuyển biến mạnh trong công tác GPMB. Qua các cuộc tiếp xúc với các cơ quan và người dân liên quan, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp có thể làm được ngay:
Một là, đảo quy trình xây dựng khu tái định cư. Nhà nước cần tạo điều kiện cho địa phương (nhất là các đô thị) nguồn vốn riêng để chuẩn bị trước quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, đáp ứng kịp thời nhu cầu GPMB xây dựng các công trình trên địa bàn. Nếu cứ giữ quy trình như hiện nay (phụ thuộc vốn dự án xây dựng cầu đường), việc xây dựng khu tái định cư buộc phải làm sau (khi đã hoàn thành khâu cắm mốc lộ giới, đo đạc đất đai và xác định những hộ đủ tiêu chuẩn vào khu tái định cư, gia đình nào có nhu cầu phải làm đơn đăng ký vào khu tái định cư), không kịp đáp ứng yêu cầu di chuyển các hộ dân theo đúng tiến độ GPMB. Ðó là chưa kể không ít trường hợp việc xây dựng khu tái định cư cũng bị vướng thủ tục hoặc mặt bằng, phải mất nhiều thời gian chờ đợi.
Hai là, các địa phương cần thống nhất giá đất, hạn mức diện tích đất ở, đất canh tác ở vùng giáp ranh địa giới hành chính có các điều kiện tự nhiên và xã hội giống nhau. Theo phân cấp hiện nay, các tỉnh được phép quy định giá đất và hạn mức đất (trên cơ sở quy định khung của Nhà nước), không tránh khỏi tình trạng vùng giáp ranh của hai huyện hoặc hai tỉnh có điều kiện tự nhiên và xã hội tương tự, nhưng giá đền bù và hạn mức diện tích đất lại khác nhau, gây thắc mắc, khiếu kiện kéo dài.
Ba là, trong khi chưa hội đủ điều kiện "lượng hóa" thời gian GPMB, các chủ đầu tư và địa phương cần nghiêm chỉnh thực hiện quy định của Bộ Giao thông vận tải: phải bảo đảm có 70-80% mặt bằng bàn giao mới được khởi công xây dựng công trình. Theo cách này, việc khởi công có thể muộn hơn dự kiến, nhưng sau đó thi công liên tục, chắc chắn sẽ kinh tế hơn so với kiểu chờ mặt bằng để công trường dở dang, vừa tốn kém, vừa gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài...
QUANG TUẤN
|