Lâu nay, các đầu mối cung cấp sỉ xăng thường bán đúng giá từng loại xăng theo giá niêm yết công khai. Thế nhưng, các đại lý khi nhận xăng về bán lẻ, nhất là xăng RON 83, tự ý bán bằng giá với loại xăng A92, mỗi lít chênh lệch đến 400 đồng.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 400 cửa hàng, đại lý hoạt động kinh doanh, mua bán lẻ xăng, dầu. Toàn tỉnh có ba đơn vị cung cấp nhiên liệu cho cả hệ thống cửa hàng, đại lý, gồm Công ty Vật tư tổng hợp, Công ty Thương nghiệp Cà Mau và Công ty Thương nghiệp Bạc Liêu. Bình quân mỗi tháng các đơn vị đầu mối nói trên cung cấp sỉ khoảng hơn bảy triệu lít xăng, hơn 12 triệu lít dầu và qua đó mạng lưới cửa hàng, đại lý mua về bán lẻ đến tay người tiêu dùng trong toàn tỉnh. Các loại xăng được cung cấp cho người sử dụng ở Cà Mau chủ yếu là xăng RON 83 (hơn 5 triệu lít), còn lại là xăng A92 và một lượng nhỏ không đáng kể xăng A95.
Tuy nhiên, việc mua bán xăng, dầu ở đây diễn ra một cách không bình thường. Lâu nay, các đầu mối cung cấp sỉ xăng thường bán đúng giá từng loại xăng theo giá niêm yết công khai. Thế nhưng, các đại lý khi nhận xăng về bán lẻ, nhất là xăng RON 83, tự ý bán bằng giá với loại xăng A92, mỗi lít chênh lệch đến 400 đồng. Với năm triệu lít từ xăng RON 83 biến thành giá xăng A92, các đại lý đã móc túi người tiêu dùng Cà Mau bình quân mỗi tháng khoảng hơn hai tỷ đồng! Hiện nay, loại xăng RON 83 chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nông thôn Cà Mau, dùng chạy các loại vỏ lãi, xuồng có gắn máy động cơ thủy loại nhỏ mà gần như gia đình nào ở vùng sông nước Cà Mau cũng có. Giá xăng RON 83 thuộc loại rẻ nhất hiện nay và người tiêu dùng ở khắp các vùng nông thôn Cà Mau rất dễ tính, thường khi sử dụng không quan tâm chất lượng, mầu sắc và giá cả khác nhau của từng loại xăng... Ngoài ra, việc pha trộn giữa dầu lửa vào xăng để bán theo giá xăng cũng diễn ra ở nhiều cửa hàng, đại lý mà người tiêu dùng nông thôn khó có thể nhận biết. Mỗi lít xăng pha trộn kiểu gian dối lừa gạt này người bán có thể kiếm lợi thêm từ 1.500 đến 2.000 đồng. Ðiều đáng mừng là, hiện nay có hơn 80% số hộ dân khắp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long sử dụng điện lưới quốc gia và nhu cầu về dầu lửa thắp sáng không lớn và bức xúc như những năm trước. Từ đó, các đại lý và người bán lẻ đã "năng động" pha trộn dầu lửa thành xăng để tiêu thụ nhanh, kiếm lợi bất chính. Lợi dụng lòng tin và sự dễ tính này, các đại lý, người bán lẻ cứ "yên tâm" móc túi người tiêu dùng lâu nay.
Từ năm 2000, khi triển khai việc loại bỏ xăng pha chì, Chính phủ chỉ cho phép xăng RON 83 tồn tại tạm thời một, hai năm để các đơn vị đầu mối kịp thay đổi công nghệ sản xuất, pha chế. Thế nhưng đến nay đã hơn năm năm, xăng RON 83 vẫn chưa được loại bỏ và chưa có một cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm loại bỏ loại xăng này trên thị trường. Hiện vẫn còn một vài đơn vị kinh doanh được "ưu ái" sản xuất, pha chế loại xăng này, chủ yếu là ở các tỉnh phía nam: Saigon Petro và Petro Việt Nam. Thật ra, xăng 83 được bán dưới tên gọi xăng RON 83, nhưng rất ít vì không mấy người mua. Từ đó, cho nên không ít tổng đại lý và các đại lý nhỏ lẻ mua xăng RON 83 về để bán dưới tên gọi khác hoặc pha chế thành xăng A90, 92 bán rộng rãi đến người tiêu dùng. Việc loại bỏ xăng RON 83 vì nó chứa nhiều hàm lượng chì rất hại, không phù hợp, gây hao mòn, hư hại các loại động cơ nhanh, nhất là động cơ xe ô-tô, xe máy; gây ô nhiễm môi trường. Ðể ngăn chặn tình trạng nói trên, cách tốt nhất là sớm ngừng sản xuất và lưu thông loại xăng này trên thị trường.
Có nhiều ý kiến người tiêu dùng kêu ca, phàn nàn: Việc pha trộn dầu lửa vào xăng, nâng giá bán xăng RON 83 thành xăng A92; chỉnh sửa đồng hồ, bơm xăng thiếu... không chỉ riêng với Cà Mau, mà còn xảy ra ở hầu hết khu vực nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Việc này ai cũng biết, thế nhưng cũng chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm, quan tâm xử lý. Kiểu làm ăn vi phạm, gian lận thương mại; mua bán, thu lợi bất chính của người tiêu dùng cần phải sớm ngăn chặn. Năm 2005, tại Cà Mau, đã có hàng chục vụ người tiêu dùng phát hiện, kiện đến chính quyền việc mua bán gian dối này, nhưng các cơ quan chức năng của Cà Mau không có biện pháp gì để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn, tiếp tục để người tiêu dùng chịu thiệt. Do đó, Cà Mau cần thường xuyên kiểm tra, trước hết là hệ thống cửa hàng, đại lý bán nhỏ lẻ xăng, dầu có dấu hiệu gian lận; xử lý kịp thời để người tiêu dùng không phải chịu thiệt. Tuy nhiên, biện pháp chống gian lận hiệu quả là các đơn vị đầu mối ngừng sản xuất, cung cấp loại xăng độc hại này trên thị trường.
NĂM VĨNH (Cà Mau)
|