Tại sao ngành điện chỉ nghĩ đến việc tăng giá mà không tính đến việc phát hành trái phiếu, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất điện?
Việc tăng giá điện tác động lớn đến đời sống của từng người dân. So sánh các phương án tăng giá điện, tôi thấy phương án 1 - không tăng giá điện sinh hoạt bậc thang với 100 kW giờ đầu tiên, không tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn, không tăng giá bán điện sản xuất là phù hợp phần đông người sử dụng, tránh tác động lớn đến đời sống. Tuy nhiên, nếu phần đông người dân đồng tình với phương án này liệu cơ quan có trách nhiệm và ngành điện có lựa chọn hay không? Theo tôi, điều ngành điện cần làm ngay là công khai các yếu tố cấu thành giá điện. Người dân thắc mắc vì phải trả tiền cho cả những chi phí bất hợp lý do ngành điện quản lý yếu kém, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, tình trạng lãng phí, thất thoát điện năng còn phổ biến... Nếu năng suất lao động thấp, tỷ lệ lãng phí lớn, hiệu quả sản xuất yếu kém thì không thể cứ tăng giá để người dân phải gánh chịu những chi phí này. Nếu giá điện sản xuất tăng, thì giá cả các mặt hàng khác cũng tăng do chi phí đầu vào tăng. Cuối cùng thì vẫn là người tiêu dùng phải chịu giá cao, trong khi thu nhập của phần lớn người dân không tăng, đời sống sẽ khó khăn.
Người dân cũng thắc mắc nhiều về chất lượng cung cấp điện. Ngành điện luôn lấy lý do đầu tư để tăng giá. Nhưng giá điện hiện nay vẫn chưa tương đương với chất lượng. Luật Ðiện lực đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2005, quy định việc cung ứng điện phải bảo đảm chất lượng điện áp ra sao, đo đếm điện năng thế nào, hạ tầng cơ sở cung cấp phải đưa đến tận chân công trình nhưng trên thực tế ngành điện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Tại sao chỉ nghĩ đến việc tăng giá mà không tính đến việc phát hành trái phiếu, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất điện?
NGÔ LÊ NHƯỢNG (Cán bộ hưu trí phường Láng Thượng, quận Ðống Ða, Hà Nội)
|