Sức trẻ Tây Nguyên
Các Website khác - 27/03/2006
Thanh niên các dân tộc Tây Nguyên
tham gia học nghề để làm giàu
trên mảnh đất quê hương.
Con đường lập thân, lập nghiệp của thanh niên Tây Nguyên không ít khó khăn. Nhưng với ý chí vươn lên, chịu khó làm ăn, công sức của nhiều người trong số họ đã được đền đáp xứng đáng.
Con đường nhấp nhô chạy quanh đồi giúp chúng tôi nhìn rõ hơn vườn nhà của thanh niên Ðinh Văn Biên, mà theo lời giới thiệu của Hội liên hiệp Thanh niên huyện M'Ðrắc (Ðác Lắc) là một thanh niên từ miền bắc vào vùng đất gian khó này lập nghiệp, bước đầu định hình một mô hình.

Tốt nghiệp THPT, Ðinh Văn Biên tình nguyện tham gia quân đội. Hai năm quân ngũ đã tôi luyện ý chí vượt khó của người thanh niên quê ở Hải Dương. Gia đình sống trên vùng đất khô cằn của huyện M'Ðrắc, các loại cây cà-phê, lúa nước khó có thể cho năng suất cao, do vậy kinh tế gia đình cứ khó khăn mãi. Không nản chí, Ðinh Văn Biên đến với nhiều lớp học khuyến nông, khuyến lâm và tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế. Cuối cùng anh chọn phương án nuôi bò chung với nhiều người trong xã vì ban đầu không có vốn để đầu tư, phát triển sản xuất.

Tích lũy là phương châm của Biên. Khi lập gia đình, anh ra ở riêng với ước vọng xây dựng một trang trại phù hợp vùng đất M'Ðrắc. Dành được ít vốn cộng với sự giúp đỡ của bạn bè, Biên mua 10 ha đất nông nghiệp và vay ngân hàng 30 triệu đồng để thực hiện ý định. Khai thác lợi thế của vùng đồi, Biên đào ao nuôi cá, trồng cỏ để chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, xây dựng bước đi vững chắc trong từng giai đoạn, mới vài năm mà Biên đã có 1,8 ha ao cá, nuôi thả gần hai tạ cá giống, chăn nuôi hơn 70 con dê, bò và trồng vài ha cỏ để chăn nuôi khép kín.

Nhìn vườn đồi hôm nay, ai cũng thầm khen người thanh niên có ý chí vượt khó để làm giàu. Biên tâm sự: "Bước đầu là xây dựng một trang trại nhỏ, từ bây giờ trở đi em sẽ chọn những loại vật nuôi, cây trồng năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví như, sẽ thay thế dần đàn bò hiện có thành đàn bò lai, chọn nuôi những loại cá đặc sản để cung cấp cho thị trường huyện này chưa có và tìm kỹ sư giúp cho việc xây dựng mô hình trang trại tốt hơn trong mấy năm tới. Với khả năng chăn nuôi, trồng trọt như hiện nay mỗi năm đã có lãi, nhưng em chưa dừng lại mà muốn làm nhiều hơn nữa".

Vào Ðác Lắc lập nghiệp năm 1999, với số tiền không đáng là bao, Nguyễn Ngọc Thắng chọn cho mình một lối làm kinh tế gia đình riêng. Ngày ấy, vùng đất Krông Năng "đất rộng người thưa" nên để tìm khu đất thích hợp, Thắng đã chọn khu vườn có con suối chảy qua. Nhà nghèo, làm quanh năm chưa đủ ăn, Thắng quyết tâm chọn cách làm: Ngăn suối trồng lúa nước, trồng rau xanh và lấy nước trồng cà-phê, cây ăn quả, các sản phẩm phụ của trồng trọt phục vụ chăn nuôi. Nghĩa là trồng trọt vừa có cái ăn, thu hoạch trong vườn để phát triển chăn nuôi, có tích lũy. Bằng cách làm đó, hằng năm gia đình Nguyễn Ngọc Thắng xuất chuồng hàng chục tấn thịt lợn, vài trăm con vịt và 800 m2 ao cá cho nguồn lợi đáng kể.

Theo đánh giá của Bí thư Xã đoàn Phú Xuân, huyện Krông Năng (Ðác Lắc): Ðoàn viên thanh niên Nguyễn Ngọc Thắng là tấm gương vượt khó, lập nghiệp từ "không có gì". Vốn liếng đầu tư vào vườn cây, ao cá đều do bạn bè cho mượn, nay bằng sức lực và ý chí, hằng năm anh thu gần 100 triệu đồng, không những trả lại vốn cho mọi người mà còn có đầu tư tái sản xuất, là gương sáng để thanh niên học tập về lập thân, lập nghiệp.

Mỗi người một hoàn cảnh, một con đường, một cách làm để xây dựng kinh tế gia đình, đó là hoàn cảnh thanh niên vùng Tây Nguyên. Ðiểm xuất phát khi làm kinh tế rất thấp, nói như Y Vinh, Trưởng ban Thanh niên của Tỉnh đoàn Ðác Lắc: Những thanh niên nghèo được vay qua ba nguồn vốn do Tỉnh đoàn theo dõi, người nhiều cũng chỉ được bảy triệu đồng, ít thì bốn triệu. Và không phải ai cũng được vay vốn, cho nên thanh niên ở Tây Nguyên khi làm kinh tế dường như đi lên từ hai bàn tay trắng. Song bằng ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều người trong số họ đã vượt qua những khó khăn thử thách ban đầu để xây dựng một nền móng vững chắc cho con đường lập thân, lập nghiệp.

Một điểm đáng quý là thanh niên ở Tây Nguyên có tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, mà trước hết là qua tổ chức đoàn. Ðược biết, trong nhiều năm qua, Ðoàn Thanh niên, như ở Ðác Lắc, đã cho hàng nghìn thanh niên vay vốn. Dù nguồn vốn vay còn ít ỏi, nhưng đó cũng là chỗ dựa ban đầu giúp nhiều người lập nghiệp.

Nói như đoàn viên Huỳnh Chỉnh, hiện ở thôn Ea H'leo, xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Ðác Lắc): Muốn làm nhiều nhưng không có vốn, may mà nhờ có tổ chức đoàn, dù ít "còn hơn", ban đầu chăn nuôi những loại gia súc ngắn ngày, "lấy ngắn nuôi dài", kiên trì mấy năm, tích lũy dần. Sau đó mở rộng chăn nuôi rồi trồng trọt, từ ít đến nhiều. Cái chính là trồng cây gì, nuôi con gì cũng tìm hiểu, học tập người đi trước, nhất là am hiểu kỹ thuật để chọn giống mới có năng suất cao. Bằng cách đi đó, nay thu nhập của tôi cũng đạt trên dưới một trăm triệu đồng mỗi năm.

Sức bật, cách suy nghĩ của thanh niên có nhiều cái mới dù nguồn vốn được vay còn ít ỏi, nhưng thanh niên đã mạnh dạn xây dựng đề án phát triển kinh tế. Qua đó tìm kiếm nhà tài trợ, liên kết làm ăn...

Có dịp tiếp xúc với Nay Lào, thanh niên dân tộc thiểu số hiện sống ở xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn (Ðác Lắc), anh bộc bạch: Sức lực tràn đầy mà cứ sống trong nghèo khó cũng bức bối, em tìm đến chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn trình bày nguyện vọng. Sau khi xem xét, các cơ quan chức năng luôn giúp đỡ. Ban đầu, Nhà nước cho nhận 20 ha rừng để chăm sóc, bảo vệ. Chưa có vốn, em lại tìm đến ngân hàng, mời các anh có trách nhiệm về tận nơi và khi xây dựng xong phương án, ngân hàng cho vay phát triển chăn nuôi dê, bò... Bước vào làm ăn, nghe chừng cũng hơi "ngán" nhưng bước đầu làm ít thôi và sản xuất luôn dựa vào điều kiện thực tế của vùng, em tận dụng khai thác dưới tán rừng nhận khoán, qua đó vừa bảo vệ được rừng vừa phát triển tốt chăn nuôi. Nay đàn bò, đàn dê đã có hơn trăm con. Cái chính là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi, luôn tham khảo và làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, dần dần mới tích lũy kinh nghiệm được.

Nay kinh tế gia đình Nay Lào phát triển khá, ngoài giải quyết lao động trong gia đình, Nay Lào còn tổ chức cho hàng chục thanh niên trong xã học và làm theo cách làm của mình. Con đường lập thân, lập nghiệp của Nay Lào thật là "từ không đến có".

Khó có thể kể hết những con đường lập thân, lập nghiệp của thanh niên nghèo vùng Tây Nguyên. Những thanh niên chúng tôi đã gặp đều thể hiện một ý chí làm giàu bằng chính sức lực, khối óc của mình. Họ đã thành công. Sức trẻ, sự năng động, sáng tạo của thanh niên đang góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng khởi sắc.

NGUYỄN HỒNG