Bảo vệ đàn gia cầm gốc
Các Website khác - 12/11/2005
Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) có nhiệm vụ nuôi giữ gia cầm gốc. Dịch cúm gia cầm đe dọa từng ngày. Cán bộ, công nhân Trung tâm đang quyết tâm bảo vệ an toàn đàn gia cầm quý hiếm này.
Đường vào Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương qua vài chợ ngoại ô Hà Nội. Tạt vào, thấy có chợ vẫn bày bán thịt gà, nhưng rất ít người mua. Chúng tôi hỏi giá, một bà bưng mẹt thịt gà nói vội: "Ba chục (30 nghìn đồng) một cân. Có mua, em cân. Nhanh, không họ đuổi". Chúng tôi lắc đầu, bà chủ hàng vội bưng mẹt thịt gà ra chỗ khác. Ðến cổng trung tâm, thấy vài chục người đang chọn mua gà sinh sản loại thải. Chúng tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hòa, nhà ở xã Thụy Phương, cạnh Trung tâm:

- Chị mua gà về nuôi à?

- Em mua về để thịt. Chiều làm bữa lẩu.

- Sao chị không mua ở chợ?

- Gà chợ biết thế nào mà mua. Ðây toàn gà khỏe, không dịch bệnh, có hơn không?

Phải chăng, người dân đã ý thức được sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Nhưng thịt gà vẫn là món ăn hấp dẫn thường ngày khó bỏ qua hay theo như chị Hòa nói: "Trung tâm có gà khỏe mới mua; ăn một bữa cho đỡ thèm". Vào Trung tâm, đồng chí Phùng Ðức Tiến, Giám đốc Trung tâm tiếp chúng tôi với vẻ mặt lo âu, căng thẳng:

- Ðã vài tuần nay, chúng tôi phải bán bớt gà sinh sản để dân làm thịt. Tuần trước, giá còn 22-25 nghìn đồng, hôm nay xuống 14 nghìn đồng/kg. Xót ruột lắm.

- Tại sao Trung tâm phải bán bớt gà sinh sản?

- Không bán không được. Kinh phí của Trung tâm có hạn và dịch cúm gia cầm đe dọa từng giờ.

Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương có trụ sở tại huyện Từ Liêm (Hà Nội) và cũng là cơ sở đang nuôi giữ số dòng gia cầm lớn nhất nước (cả nước có 11 cơ sở nuôi giữ gia cầm gốc, trong đó Viện Chăn nuôi có năm cơ sở). Hiện nay, Trung tâm đang nuôi giữ 24 dòng gà, tám dòng ngan, ba dòng chim bồ câu và các giống đà điểu, vịt, ngỗng với hàng chục nghìn cá thể. Ðây cũng là nơi cung cấp gia cầm giống gốc lớn nhất cho toàn quốc. Mấy năm qua, lực lượng cán bộ, công nhân ở đây đã nghiên cứu và thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, làm lợi hàng chục tỷ đồng; tham gia nhiều đề tài chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong các chương trình khuyến nông, góp phần giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, bứt lên làm giàu. Một cán bộ thú y cho chúng tôi biết: Ðã vào làm ở Trung tâm phải đạt ít nhất hai tiêu chuẩn: có sức khỏe tốt để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh và "chịu đựng" cảnh xa nhà. Ðược biết, số đông lao động của Trung tâm đều ở các làng chung quanh hoặc ở Khu tập thể Viện Chăn nuôi, ngay cạnh Trung tâm. Làm gần nhà, nhưng nhiều người không có dịp về nhà hằng ngày do đặc thù công việc. Ðợt cúm gia cầm trước, suốt từ tháng 1-2004 đến tháng 7-2005, nhiều người rất hiếm dịp về nhà, phải sống trong khu nghiên cứu về gia cầm, chỉ được "gặp người nhà" qua điện thoại. Giám đốc Trung tâm cho biết:Đợt dịch cúm gia cầm lần này, vì lại phải "giam" công nhân cả năm trời. Ðơn vị chúng tôi thuộc đơn vị sự nghiệp có thu, vừa phải bảo vệ bằng được nguồn giống quý hiếm, vừa tự trang trải các chi phí.

Nếu tình hình bình thường, Trung tâm có nguồn thu từ bán gia cầm giống. Hơn một tháng qua, nguồn thu này giảm mạnh. Giá gà giống bán ra chỉ bằng một phần ba giá thành. Dù giá rẻ vẫn phải bán vì khi dịch cúm gia cầm xảy ra thì không thể bán được, và Trung tâm cũng không có đủ nguồn kinh phí nuôi dưỡng đàn gia cầm với số lượng lớn. Chúng tôi vào thăm khu nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm yêu cầu: "Các anh phải ăn ngủ tại đây ít nhất hai ngày để thực hiện quy trình vệ sinh bắt buộc. Công nhân ở đây trước khi vào sản xuất cũng vậy". Khu nghiên cứu giống như một bệnh viện và khu nuôi các "gia đình gia cầm" rất sạch.

Trung tâm giáp các xã Thụy Phương, Liêm Mạc và Cổ Nhuế. Tuy đã hình thành ba vành đai bảo vệ, toàn bộ cây xanh đều bị chặt trắng, nhưng theo công nhân Trung tâm, thỉnh thoảng vẫn thấy các loài chim di trú và hàng đàn cò bay đến. Quy chế vệ sinh của Trung tâm rất nghiêm ngặt. Vành đai bảo vệ ngoài cùng cứ hai ngày khử trùng một lần, còn đường vào Trung tâm thì ngày nào cũng phải khử trùng. Ðó là chưa kể phải khử trùng tất cả các phương tiện ra vào và các phương tiện phải đỗ ở vành đai ngoài cùng. Một cán bộ Trung tâm cho chúng tôi xem 10 điều quy định bảo đảm an toàn cho đàn gia súc. Một chị công nhân giải thích với chúng tôi: "Ðó là những quy định trong điều kiện bình thường". Lúc chúng tôi có mặt ở đây cũng là lúc Trung tâm đang nghiên cứu để đề ra quy định mới phù hợp tình hình mới và chắc chắn sẽ nghiêm ngặt hơn. Ðó là những điều cần thiết, cấp bách, nhằm bảo vệ an toàn đàn gia cầm gốc cho đất nước.

QUYẾT THẮNG