TP Hồ Chí Minh thực hiện năm biện pháp lớn để loại trừ mầm bệnh dịch cúm gia cầm
Các Website khác - 12/11/2005
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm TP Hồ Chí Minh cho biết một số biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm của thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có số dân đông nhất nước, với hơn sáu triệu người. Nơi đây tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, công ty của địa phương và trung ương, các cơ quan nước ngoài, là đầu mối giao thông, trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại lớn. Ðể bảo đảm sự phát triển bền vững của mình, thành phố coi an toàn xã hội, an ninh trật tự là một trong những yếu tố quyết định. Dịch cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo: Nếu đại dịch cúm xảy ra ở Việt Nam, ở TP Hồ Chí Minh, thì số tử vong có thể từ 80.000 đến 160.000 người. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, đầu tư, thương mại du lịch sẽ bị đình đốn một thời gian dài. Vì vậy, phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát là nhiệm vụ được Ðảng bộ và chính quyền thành phố coi là một nhiệm vụ trọng tâm, khẩn cấp.

Ngày 29-11, thành phố đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt tất cả phường, xã, quận, huyện, sở, ngành thành phố, với 500 cán bộ tham dự để triển khai chương trình hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người. Quan điểm chỉ đạo cơ bản, quyết tâm chiến lược của lãnh đạo thành phố là: với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tự giác, chủ động của mỗi người dân, kiên quyết loại trừ nhanh chóng mầm bệnh dịch trên địa bàn thành phố và sẵn sàng đối phó đại dịch ở người. Với tinh thần đó, TP Hồ Chí Minh chủ trương tập trung thực hiện 5 giải pháp lớn. Một là, quyết định từ ngày 15-11 không còn nuôi gia cầm trên toàn địa bàn thành phố (thành phố đã cấm nuôi thủy cầm từ năm 2004). Quyết định này là nhằm chủ động loại trừ nhanh chóng các mầm bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Sau ngày 15-11 các cơ sở chăn nuôi tập trung phải được tiêu độc, làm vệ sinh chuồng trại, kiểm soát chặt về mặt dịch tễ. Hai là, kiểm soát chặt chẽ 100% số gia cầm từ các tỉnh khác đưa vào thành phố để giết mổ. Quyết định này nhằm không để mầm bệnh dịch có thể lây lan từ nơi khác đến thành phố. Kiểm soát chặt chẽ việc mua bán gia cầm tại các chợ, xóa các điểm bán bất hợp lý, bảo đảm không mua bán gia cầm mà không có chứng minh nguồn gốc xác nhận là an toàn, không nhiễm bệnh dịch. Ba là, hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm chuyển đổi sang ngành nghề khác, hỗ trợ các cơ sở giết mổ hợp pháp, người kinh doanh gia cầm, để ngưng kinh doanh hoặc chuyển đổi ngành nghề. Bốn là, thành phố vận động, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh thực phẩm chuẩn bị thêm nguồn thịt, cá khác thay thế thịt gà từ nay cho đến Tết Bính Tuất 2006 và sau đó, theo nhu cầu của thành phố. Năm là, xây dựng và triển khai nhanh chóng kế hoạch hành động khẩn cấp của ngành y tế thành phố khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Ðể triển khai khẩn trương, đồng bộ các biện pháp nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã có văn bản chỉ đạo ngày 28-10, Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh đã có văn bản ngày 25-10, Sở Y tế đã công bố kế hoạch hành động khẩn cấp ngày 25-10 và UBND thành phố đã công bố kế hoạch hành động khẩn cấp ngày 26-10. Ngày 6-11, Thành đoàn thành phố đã tổ chức Ngày chủ nhật xanh vệ sinh môi trường phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch. Ngày 9-11, UBND thành phố đã công bố chính sách hỗ trợ việc thu mua và tiêu thụ gia cầm của các cơ sở nuôi quy mô lớn được cấp phép, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm và giết mổ, trữ lạnh để tiêu dùng thời gian tới. Ðây là điều kiện tiên quyết để chấm dứt nuôi gia cầm vào 15-11 và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi và tiết kiệm cho xã hội.

Thành phố cũng đã quyết định thiết lập 5 trạm kiểm soát liên ngành ở các cửa ngõ thành phố, hoạt động 24/24 giờ, và giao UBND các quận, huyện tiếp giáp với các tỉnh chung quanh tổ chức giám sát chặt chẽ, không cho vận chuyển gia cầm vào thành phố ngoài các tuyến đường đã được xác định. Ngoài lực lượng của quản lý thị trường, thú y, y tế, công an, còn huy động thêm lực lượng thanh niên xung phong tham gia việc kiểm soát vận chuyển gia cầm. Thành phố tăng cường kinh phí để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ tham gia kiểm soát và trang bị các phương tiện bảo vệ sức khỏe cần thiết cho mọi người tham gia. Ngày 12-11, thành phố thành lập 6 đoàn kiểm tra để kiểm tra tất cả 24 quận, huyện thực hiện việc ngưng nuôi gia cầm tất cả các hộ nhỏ lẻ, việc cấm buôn bán gia cầm không được kiểm dịch. Thành phố sẽ làm việc với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Ðồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh để phối hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở tại mỗi địa phương. Cũng trong tháng 11, thành phố sẽ tổ chức diễn tập y tế xử lý dịch cúm gia cầm và dịch cúm người.

Ðiều mà chúng tôi thấy là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, làm sao mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm và khả năng to lớn của mình để đóng góp vào việc phòng dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người. Mỗi người làm cho nhà mình, sân vườn mình, đất ruộng mình sạch mầm bệnh cúm; không mua, không ăn gia cầm mà không được xác định là an toàn vệ sinh thực phẩm, không có bệnh dịch.